26/12/2024

Trung Quốc tập trận ‘thiếu minh bạch’ trên Biển Đông

Việc Trung Quốc tiến hành tập trận quy mô lớn ở Biển Đông có thể là một mũi tên trúng hai đích của Bắc Kinh.

 

Trung Quốc tập trận ‘thiếu minh bạch’ trên Biển Đông

Việc Trung Quốc tiến hành tập trận quy mô lớn ở Biển Đông có thể là một mũi tên trúng hai đích của Bắc Kinh.

 
 
 

Trung Quốc tập trận thiếu minh bạch  trên Biển Đông - Ảnh 1.

Tàu sân bay Type 001A do Trung Quốc tự đóng hạ thủy tại cảng Đại Liên năm 2017 – Ảnh: AFP

 

Những lo ngại về căng thẳng trong khu vực Biển Đông dâng cao, sau khi hình ảnh vệ tinh tuần này cho thấy Trung Quốc tiến hành tập trận với không dưới 40 tàu các loại, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh. 

Chuyên gia an ninh Collin Koh tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận định rằng đây là đợt triển khai bất thường xét về độ lớn và phạm vi của nó.

Thông tin tập trận khá mờ mịt

Hình ảnh vệ tinh của Công ty Planet Labs ngày 26-3 phát hiện đội tàu của Trung Quốc tại khu vực đảo Hải Nam của nước này. Tuy nhiên đến nay, mọi thông tin tiếp theo về hoạt động tập trận nêu trên vẫn khá mờ mịt.

Ngày 23-3, Trung Quốc cho biết sẽ tiến hành các bài tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, nhưng không cho biết ngày giờ cụ thể cũng như bất kỳ thông tin nào liên quan. 

Trước đó, vào ngày 21-3, đội tàu gồm sự hiện diện của tàu Liêu Ninh này đã đi qua eo biển Đài Loan. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Đài CNN rằng Washington “quan ngại về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong các hoạt động quân sự” cũng như ý định chiến lược.

Trong khi đó nhà nghiên cứu Collin Koh khẳng định hoạt động lần này là kết quả từ kế hoạch thúc đẩy sức mạnh vũ trang của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Ông Koh nói: “Việc thể hiện sức mạnh này không chỉ tượng trưng cho sự sẵn sàng trong chiến đấu của Trung Quốc…, nó còn là quyết tâm lớn hơn của Trung Quốc về việc đẩy mạnh mức độ sẵn sàng của quân đội Trung Quốc”.

Truyền thông và chuyên gia quốc tế nhận xét rằng Trung Quốc đang muốn gửi thông điệp đáp trả hàng loạt động thái tương tự của Mỹ và đồng minh như Pháp, Anh và Úc gần đây. 

Ngoài việc điều tàu USS Mustin tiếp cận cái gọi là khu vực 12 hải lý gần đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, Mỹ hiện cũng đang triển khai các bài tập trận bắn đạn thật trong khu vực đảo Okinawa của Nhật Bản. Vương quốc Anh có vẻ không đứng ngoài cuộc.

Trang tin news.com.au (Úc) ngày 27-3 cho biết Hải quân Hoàng gia Anh gửi một tàu khu trục tới thăm Úc và căn cứ hải quân Mỹ đóng ở đảo Guam. Anh cũng dự kiến sẽ thách thức những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.

Vị trí và thời gian chính xác của đợt tập trận này không được tiết lộ. Tuy nhiên, Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) không tiến hành tập trận trong các vùng biển tranh chấp

Bà Rukmani Gupta (nhà phân tích quốc phòng của chuyên san quân sự IHS Jane’s) 

Sẽ tập trận hằng tháng

Viện lý do tập trận của các nước khác để “chuẩn bị tư thế sẵn sàng chiến đấu” như đã nêu, Trung Quốc giờ đây bắt đầu các hoạt động tương tự với tần suất dày đặc hơn. 

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm 25-3 dẫn lời nhà phân tích quốc phòng Song Zhongping khẳng định các đợt tập trận năm 2018 sẽ “diễn ra mỗi tháng, không giống như những năm trước”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những đợt tập trận hằng tháng, bà Rukmani Gupta của IHS Jane’s nhận xét: “Điều này nhấn mạnh sự cam kết của Trung Quốc trong việc trở thành một thế lực hải quân trong khu vực và bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của họ. Những bài tập trận quy mô lớn dĩ nhiên nhằm phô diễn sức mạnh, vừa có thể đóng vai trò ngăn cản những nước tuyên bố chủ quyền khác trong Biển Đông, vừa ngăn các quốc gia khác đang hiện diện trong khu vực như Mỹ hay Ấn Độ”.

Chuẩn bị cho tàu sân bay mới?

Kế hoạch triển khai tập trận dày đặc trong năm 2018 của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy họ đang có những bước đi gấp rút để kịp phối hợp cùng tàu sân bay đầu tiên do nước này sản xuất. “Đây dĩ nhiên không phải đợt tập trận lớn đầu tiên mà tàu Liêu Ninh tham gia. PLAN cần kinh nghiệm vận hành cho các tàu sân bay trước khi con tàu sân bay tự đóng của họ đi vào hoạt động năm 2020” – bà Rukmani Gupta nói với Tuổi Trẻ.

Con tàu sân bay do Trung Quốc tự đóng đã hạ thủy tại cảng Đại Liên vào ngày 26-4-2017, có tên tạm gọi là Type 001A. Theo tạp chí TIME, Type 001A có thể sẽ đi vào hoạt động sớm hơn dự kiến, và hiện có vẻ đang chuẩn bị vận hành thử nghiệm. Type 001A dài 300m, chứa được khoảng 48 chiếc máy bay.

 

NHẬT ĐĂNG