Dựng lại nhà cho dân đón tết
Khe Chữ – nằm lọt giữa thung lũng thuộc xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) – những ngày này trở thành đại công trường nhộn nhịp khác thường.
Dựng lại nhà cho dân đón tết.
Khe Chữ – nằm lọt giữa thung lũng thuộc xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) – những ngày này trở thành đại công trường nhộn nhịp khác thường.
Tiếng máy xe xúc, xe ủi rộn ràng cùng những cán bộ, chiến sĩ đang gấp rút dựng hàng trăm căn nhà tái định cư cho các nóc đồng bào người Ca Dong có nguy cơ sạt lở sau cơn bão số 12.
Cấp trên đã có lệnh không đổi ca, không đổi người, chỉ được trở về khi dựng nhà xong
Đại úy Nguyễn Thái Huy
Hối hả di dời
Chuỗi ngày mưa dầm dề còn chưa dứt, con đường đất dốc ngoằn ngoèo từ trung tâm xã Trà Vân dẫn vào thôn 2 lầy lội, đất sình nhão nhoẹt quấn lấy bánh xe như muốn níu người qua.
Tại các nóc Ông Tuân, Ông Vinh, Ông Đức, Ông Triều, dấu vết những ngôi nhà bị đất lở vùi lấp kinh hoàng vẫn còn đó. Cột trụ đổ lẩn khuất trong đất, mấy miếng tôn lợp nhàu nhĩ bị quăng quật thủng lỗ chỗ, vật dụng, quần áo cũ loáng thoáng ẩn hiện dưới vạt đất đồi.
Cạnh đó, những ngôi nhà lân cận sườn dốc đã được tháo dỡ, sắp xếp cẩn thận, sẵn sàng chuyển đến nơi ở mới cách đó khoảng 5km. Gạch lót nền được người dân cặm cụi cạy ra tận dụng dựng lại.
Dọc đường đi, những lán trại tập trung được Tỉnh đội Quảng Nam dựng lên dày đặc làm nơi đóng quân, phục vụ việc di dời nhà cửa giúp đồng bào.
Nhắc lại trận sạt lở bất ngờ hôm bão số 12, anh Hồ Văn Toàn (trưởng nóc Ông Tuân) còn thoáng nét hoảng sợ trên gương mặt.
Chiều 6-11, những quả đồi “ngậm” no nước, bất ngờ chuyển mình trút hàng ngàn khối đất đá xuống dưới mạn sườn. Bốn căn nhà bị vùi lấp khiến 5 người chết tức tưởi trong nháy mắt. Phải nhiều ngày đào bới trong đống sạt lở, thi thể người xấu số mới được tìm thấy.
“Cả nóc hoảng loạn, đêm xuống không ai ngủ yên giấc với nỗi lo núi đè. Những quả đồi khác cũng xuất hiện nhiều vết nứt lớn. May mà có sự giúp đỡ của các anh bộ đội, chứ cả nóc không biết sẽ về đâu nữa!” – anh Toàn tâm sự.
Theo phong tục của người Ca Dong, khi trong làng có người “chết xấu” thì lập tức họ bỏ hết nhà cửa, dời làng đi nơi khác. Vậy nên để có gỗ làm nhà mới, nhiều cán bộ phải ra sức thuyết phục để đồng bào tháo dỡ nhà cũ mang theo.
Suốt đường vào Khe Chữ, dấu lốp những chiếc xe vận tải Zil ba cầu quần thảo in hằn ngang dọc dưới nền đường đầy bùn đất. Việc tháo dỡ nhà và vận chuyển được giao cho lực lượng Tỉnh đội Quảng Nam phụ trách.
Tranh thủ lúc trưa, anh Nguyễn Tô Lĩnh (nóc Ông Bình) nhờ mấy thanh niên dỡ nốt phần còn lại của ngôi nhà gỗ để kịp cho xe chuyển đi trong chiều.
“Cả nóc có 7 nhà thì tất cả đã di dời lên Khe Chữ ở hết rồi. Mình cũng gửi vợ và ba đứa con lên trên đó, chỉ một mình ở lại dỡ nhà thôi. Núi rừng rung chuyển rồi, hung dữ lắm chứ không còn như xưa nữa!” – anh Lĩnh nói.
Ổn định nhà cho dân đón tết
Từ đỉnh cao phóng tầm mắt nhìn xuống, Khe Chữ trông như một khu ruộng bậc thang nhiều tầng giữa bốn bề núi. Vốn là vùng đất bằng được dẫn nước quanh năm, những cư dân Ca Dong từ lâu đã biết đắp bờ, trồng tỉa cây lúa ở vùng thung lũng này.
Những chiếc xe múc, xe ủi được huy động san ủi các gò đất cao để đủ chỗ dựng nhà cho đoàn di cư mới đến. Bên cạnh dãy lán trại quân đội cắm cờ bay phấp phới, những ngôi nhà tạm phủ bạt màu xanh được cấp tốc dựng lên để bà con có chỗ ngả lưng trong khi chờ nhà mới.
Đồng hồ vừa điểm 13h, trung tá Trần Văn Chín, phó tham mưu trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Nam Trà My, liền phát đi thông báo đến các bộ phận thúc giục họ vào rừng lấy gỗ. Những thân gỗ to vừa ngã xuống nhanh chóng được đo đạc, cắt ngắn rồi chuyển ra cho bộ phận làm mộc xẻ ván.
Trong khi đó, tại gò đất cao phía tây, một tốp khác cùng xe múc hì hục san ủi mặt bằng, kéo dây cắm cọc phân thành từng lô vuông vức.
Trung tá Chín nhìn quanh thung lũng, mắt đăm chiêu dừng lại trước dãy nhà tạm của đồng bào rồi bất giác buộc miệng: “Phải làm nhanh thôi, bà con khổ sở lắm rồi. Phải cố xong cho sớm để bà con còn ổn định kịp đón tết!”.
Có mặt từ ngày đầu chỉ huy cuộc cứu nạn rồi tìm kiếm các thi thể bị vùi lấp những ngày sau đó, trung tá Chín hiểu rõ nỗi khổ mà đồng bào đã trải qua hơn hết thảy. Người chết không đất chôn, người sống không chốn ở, tài sản đồ đạc mất trắng. Cảnh tượng ấy chẳng khác nào màn trời chiếu đất.
Vậy nên hễ mặt bằng chuẩn bị tới đâu, lập tức những chiến sĩ trung đoàn 143 (sư đoàn 315 Quân khu 5) cấp tập dựng nhà ở đó. Từ đầu tháng 12, hơn 150 cán bộ, chiến sĩ được Quân khu 5 điều động lên vùng rừng núi này đóng trại giúp dân.
Đại úy Nguyễn Thái Huy, phó trung đoàn, bảo ngoài nhiệm vụ xây nhà, đơn vị còn kết hợp xây trường học, khám bệnh cấp thuốc, nhu yếu phẩm giúp bà con ổn định cuộc sống.
Cả tuần trời mưa âm ỉ, mặt đất sình lầy, sinh hoạt vô cùng bất tiện nhưng cả đơn vị không ai than thở lấy một câu.
“Cấp trên đã có lệnh không đổi ca, không đổi người, chỉ được trở về khi dựng nhà xong. Anh em đơn vị chúng tôi xác định là làm hết việc chứ không tính giờ, hễ có mặt bằng là triển khai lắp dựng ngay để chia sẻ bớt khó khăn với bà con” – đại uý Huy cho biết.
286 nhà phải di dời
Ông Trần Văn Mẫn, phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết sau trận sạt lở kinh hoàng ngày 6-11, huyện đã rà soát và xác định có 286 nhà tại 10 xã nằm trong diện có nguy cơ sạt lở cần phải di dời khẩn cấp.
Trong đó riêng thôn 2, xã Trà Vân có 144 hộ cần phải di dời vào khu vực Khe Chữ.
“Hiện có khoảng 400 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng đang tập trung tại Khe Chữ giúp dân ổn định cuộc sống. Chính quyền huyện đã cấp gạo ăn trong ba tháng cho bà con.
Với mỗi hộ di dời, huyện sử dụng ngân sách tạm ứng hỗ trợ 50 triệu đồng mua thêm vật liệu, trang thiết bị dựng lại nhà.
Về lâu dài, chúng tôi lập dự án sắp xếp lại dân cư, đầu tư hạ tầng giao thông, làm đường ống dẫn nước sạch và kéo điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, xây dựng trường mới đưa học sinh đến lớp” – ông Mẫn nói.