Chuyện về lớp võ miễn phí Cỏ May
Tranh thủ thời gian rảnh dạy võ miễn phí cho sinh viên nghèo học giỏi là điều đáng quý. Hơn thế nữa, một nhóm doanh nhân và kỹ sư của hệ phái karatedo Suzucho đã gom góp tiền mua võ phục cho lớp võ miễn phí tại ký túc xá Cỏ May Trường đại học Nông lâm (TP.HCM).
Chuyện về lớp võ miễn phí Cỏ May.
Tranh thủ thời gian rảnh dạy võ miễn phí cho sinh viên nghèo học giỏi là điều đáng quý. Hơn thế nữa, một nhóm doanh nhân và kỹ sư của hệ phái karatedo Suzucho đã gom góp tiền mua võ phục cho lớp võ miễn phí tại ký túc xá Cỏ May Trường đại học Nông lâm (TP.HCM).
Một buổi tập ở lớp võ miễn phí Cỏ May Ảnh: N.K.
“Chúng tôi đến với các CLB với tiêu chí: đem những hiểu biết về võ thuật của mình truyền đạt cho các em, chứ không nghĩ đến vấn đề kinh tế. Vì anh em ở đây thành đạt rất nhiều, có cuộc sống tương đối vững vàng nên không ai sống bằng nghề võ.
Võ chỉ là cái nghiệp, chúng tôi đến với nhau bằng sự đam mê và sau đó thành lập nhóm đi hướng dẫn lại cho các em” – anh Hồ Công Thiện, huyền đai tứ đẳng, hội trưởng Hội huyền đai Thanh Long miền Nam và hiện đang là phó tổng giám đốc một công ty nhựa, chia sẻ.
Hội huyền đai Thanh Long miền Nam có hơn 20 huyền đai và HLV, đã mở được 4 lớp võ miễn phí tại TP.HCM. Nhưng lớp võ tại ký túc xá (KTX) Cỏ May ra đời hôm 8-10 (học từ 18h30 đến 20h10 vào các tối thứ ba, năm, bảy) lại có ý nghĩa đặc biệt hơn cả. Bởi các em được phát võ phục thay vì tự trang bị như ba CLB đã thành lập trước đó.
Lý giải điều này, anh Hồ Công Thiện tâm tình: “Thật ra lúc đầu khi tiếp cận Tập đoàn Cỏ May đề cập việc dạy võ cho các em tại KTX Cỏ May, chúng tôi chỉ nghĩ sẽ dạy võ miễn phí.
Nhưng qua nói chuyện, chúng tôi thấy đây là môi trường thiện nguyện rất hiếm có tại VN (các em học giỏi được xét vào ở KTX miễn phí) nên tự nhủ “Cỏ May làm được 10 thì chúng tôi cũng phải làm được 1”.
Thế là chúng tôi tự vận động nhau, rồi vận động các thầy ở nước ngoài nữa đóng góp kinh phí mua gần 70 bộ võ phục trang bị cho các em. Các em toàn là học sinh nghèo học giỏi, nên chúng tôi nghĩ mình cần có một hành động để chia sẻ những khó khăn đó”.
Toàn doanh nhân và kỹ sư chuyên ngành đang công tác tại các doanh nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, nên công việc của bất cứ thành viên nào cũng bận rộn.
Nhưng không ai bảo ai, tất cả đều dành thời gian sau giờ làm việc để chia nhau đứng lớp (4-6 người mỗi lớp) tại 4 CLB miễn phí đã mở của mình, trong đó lớp võ Cỏ May được quan tâm nhiều nhất.
Các HLV luôn tranh thủ hoàn thành công việc ở công ty nhanh nhất để kịp giờ đến lớp dạy rồi mới về nhà, vui vầy bên gia đình hay tiếp tục công việc còn dang dở.
Chẳng hạn câu chuyện của anh Lê Hoàng Thảo (28 tuổi), đang là kỹ sư một nhà máy thép tại Vũng Tàu. Sáng anh từ Sài Gòn đi Vũng Tàu làm, chiều về Sài Gòn chạy xe máy thẳng đến lớp võ cho kịp thời gian đứng lớp. Dạy xong và chạy về nhà đã 21h, anh Thảo tiếp tục với công việc công ty đến tận 23h rồi đi ngủ để sáng hôm sau lại chạy xuống Vũng Tàu sớm.
Võ sư Hồ Công Thiện hướng dẫn một đòn đá cho học viên Ảnh: N.K.
Nói về lớp võ đặc biệt tại KTX Cỏ May, sinh viên Phan Thị Hiền, đang học năm 2 khoa kinh tế đối ngoại Trường đại học Kinh tế – luật, cho biết việc được học võ và phát võ phục miễn phí là điều kiện để thúc đẩy Hiền cùng bạn bè đi học võ và có niềm đam mê với võ thuật.
Hiền nói: “Từ nhỏ tôi đã thích học võ. Quê tôi ở Quảng Nam có dạy võ, nhưng tôi không có cơ hội để học vì không có đủ tiền mua võ phục cũng như đóng học phí hằng tháng.
Nên khi biết KTX có CLB võ thuật, lại được các thầy dạy miễn phí và còn tặng võ phục nữa nên tôi và các bạn đăng ký tham gia ngay. Thứ nhất là rèn luyện sức khỏe, thứ hai là có thể bảo vệ mình khi cần thiết. Sau 5 tuần tập luyện, tôi thấy mình khỏe hơn rất nhiều và tự tin hơn khi ra đường”.
Trân trọng tấm lòng của các thầy
KTX Cỏ May được xây dựng với mục đích tiếp bước sinh viên nghèo học giỏi, giúp các em học sinh tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên có được điều kiện thuận lợi để hoàn thành bậc đại học, trở thành những công dân ưu tú góp phần xây dựng đất nước.
Nói về lớp võ miễn phí, trưởng ban quản lý KTX Cỏ May Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: “Lúc đầu các thầy định dạy chỉ hai buổi vào thứ ba và thứ năm, nhưng chúng tôi đã thuyết phục các thầy dạy thêm vào thứ bảy để các em có nhiều thời gian hơn tập luyện võ thuật. Điều đáng mừng là các thầy đã đồng ý ngay.
Đây là điều rất đáng trân trọng, vì ai cũng có gia đình và ngày cuối tuần thường dành cho gia đình, nhưng họ vẫn bỏ thời gian để đến với lớp võ”.
Nguồn TTO