Ngày này 10 năm trước, tai nạn kinh hoàng sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ đã lấy đi mạng sống của 55 người. Nhiều gia đình rơi vào cảnh mất con, vợ mất chồng, nhiều đứa trẻ bỗng mồ côi cha.
10 năm chia sẻ những nỗi đau
Ngày này 10 năm trước, tai nạn kinh hoàng sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ đã lấy đi mạng sống của 55 người. Nhiều gia đình rơi vào cảnh mất con, vợ mất chồng, nhiều đứa trẻ bỗng mồ côi cha.
Xã Mỹ Hoà, TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, nơi những nhịp cầu Cần Thơ sừng sững vắt qua là địa phương có đến 34 công nhân tử nạn trong sự cố xảy ra vào ngày 26.9.2007. Sau ngày đen tối ấy, rất nhiều tình thương, lòng nhân ái từ khắp nơi đã hướng về vùng quê Mỹ Hòa, nơi trước đó chỉ được biết đến với vị ngọt của đặc sản bưởi Năm Roi.
Hôm nay, tròn 10 năm xảy ra sự cố, PV Thanh Niên trở lại Mỹ Hòa, tìm lại những học sinh có cha bị nạn được nhận học bổng do bạn đọc Báo Thanh Niên giúp đỡ.
10 năm dài bao nhiêu ?
Mấy hôm nay, Mỹ Hòa chìm trong những cơn mưa phùn, thời tiết giống hệt 10 năm trước. Có điều bây giờ, đường về các ấp đã được đổ bê tông nên đi lại dễ dàng hơn nhiều, không còn cảnh lội sình hay phải ngồi xuồng. Những căn nhà lá của các công nhân gặp nạn năm xưa cũng đã được thay bằng những căn nhà tình nghĩa khá vững chắc.
Ngồi trước bàn thờ cha, Nguyễn Gia Huy (19 tuổi), chàng trai vừa tốt nghiệp lớp 12, có khuôn mặt khôi ngô, cho biết mấy tháng nay sau khi tốt nghiệp, em tạm thời đi làm phụ hồ thêm nhưng mong ước lớn nhất của em bây giờ là được đi học nghề lái tàu thủy rồi ra trường xin việc làm, kiếm tiền phụ mẹ nuôi em.
Huy là con lớn của công nhân tử nạn Nguyễn Văn Chính (ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hoà). Ngày cha mất, Huy mới chỉ là cậu bé học lớp 3, Trường tiểu học Cái Vồn. “Hôm đó nghe ông bà nói sập cầu rồi, em cũng không hiểu chuyện gì. Sau đó ai cũng khóc, em cũng khóc theo. Rồi người ta đưa xác ba em về”, Huy đỏ hoe mắt nhớ lại.
Mẹ Huy, bà Nguyễn Thị Kim Liên, 47 tuổi, cũng xúc động kể: “Thằng Huy khi đó đã biết chuyện rồi nên khóc dữ trời lắm. Còn thằng em nó là Nguyễn Gia Bảo Khanh, mới chập chững tập đi, chỉ biết ngơ ngác bám lấy mẹ khi thấy nhiều người lạ đến nhà”. Giờ đây, Khanh cũng đã học lớp 6, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, ngoài thời gian học đã biết giúp mẹ việc nhà. Nhưng ký ức về cha của Khanh thì như tờ giấy trắng. Và ở xã Mỹ Hoà, có vài chục đứa trẻ không nhớ gì về cha giống như Khanh. “Điều mừng nhất là các con đều ngoan, biết nghe lời. Tiền nhà hảo tâm cho tôi vẫn giữ trong sổ tiết kiệm để lo tương lai cho các con và cũng là để anh ấy yên lòng”, bà Liên nói.
Có lẽ 10 năm, cũng không phải là dài với bà Liên khi nỗi đau dường như chẳng thể phai nhạt. Bà vẫn một mình nuôi con. Nhưng với Huy và Khanh, 10 năm qua là cả tuổi thơ, là những ngày lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm của cha. Và cuộc sống cứ trôi đi cùng sự lủi thủi, lặng lẽ trong căn nhà tình thương vắng bóng người cha.
Lớn lên trong nỗi bất hạnh tột cùng
Lật lại những trang tư liệu, ông Huỳnh Minh Thiệt, Chủ tịch UBMTTQ VN xã Mỹ Hòa cho biết, xã có khoảng 70 học sinh có thân nhân là nạn nhân trong vụ tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Mấy năm qua, có không ít câu chuyện buồn về con em của các nạn nhân tử nạn được nói đến như chuyện bỏ học giữa chừng, chuyện chơi bời, hư hỏng… Nhưng cũng có những điểm sáng mà chắc chắn những nhà hảo tâm từng chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân cảm thấy ấm lòng.
Vợ chồng ông Đoàn Văn Dân ngậm ngùi kể lại chuyện vợ chồng người con mất sớm để lại hai cháu ngoại cho ông bà.ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
Phạm Thị Ngọc Trân thắp hương cho cha mẹ
Em chỉ nhờ báo muốn nói một điều, cảm ơn các nhà hảo tâm rất nhiều, chắc chắn tụi em sẽ cố gắng để không phụ tấm lòng của mọi người.
Phạm Thị Ngọc Hân, quê xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh
Giống như trường hợp của hai chị em Phạm Thị Ngọc Hân và Phạm Thị Ngọc Trân, con nạn nhân Phạm Thanh Hùng (mất năm 35 tuổi). Ngày cha gặp nạn, Hân đang học lớp 7, còn Trân mới học mẫu giáo. Cuộc sống mồ côi cha đã quá đau thương với hai đứa trẻ. Vậy mà, số phận nghiệt ngã lại tiếp tục ập xuống với hai cô bé. Nhìn về phía bàn thờ nơi để lư hương của đôi vợ chồng tuổi ngoài ba mươi, ông Đoàn Văn Dân, 74 tuổi, ông ngoại của Hân và Trân nghẹn lời: “Mẹ tụi nhỏ tên là Đoàn Thị Ngọc Bích mất sau cha nó chỉ hơn 4 năm vì bệnh hiểm nghèo. Lúc đó cũng mới 38 tuổi, bỏ lại hai đứa nhỏ cho vợ chồng tôi nuôi”. Khốn khổ hơn khi những khoản tiền nhà hảo tâm hỗ trợ dường như cũng bị cuốn hết trong 12 lần chị Bích nhập viện điều trị. Bất hạnh tột cùng, có lúc tưởng con đường học vấn của hai chị em phải dừng lại. Nhưng rồi, bằng ý chí, nghị lực phi thường, Hân giành được suất học bổng toàn phần của Vinamilk để tiếp tục đến trường.
Đầu năm 2017, Hân tốt nghiệp ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường đại học Cần Thơ. 6 tháng trước, Hân trúng tuyển và vào làm tại khu nghỉ dưỡng Vinpearl Land Phú Quốc bằng chính nỗ lực của bản thân. Còn Trân, hiện cũng đang học lớp 11 với học lực khá. “Mơ ước của em là theo học ngành du lịch giống chị hai, được đi đây đi đó và kiếm tiền nuôi ông bà”, Trân nói.
Còn Hân, qua điện thoại, cô cho biết bây giờ cô đã có công việc ổn định và đủ khả năng để lo cho em. Số tiền ít ỏi còn trong sổ tiết kiệm hai chị em sẽ giữ lại như là kỷ niệm của cha mẹ và để hai chị em tiếp tục phấn đấu. Hân nói: “Em chỉ nhờ báo muốn nói một điều, cảm ơn các nhà hảo tâm rất nhiều, chắc chắn tụi em sẽ cố gắng để không phụ tấm lòng của mọi người”.
Từ Mỹ Hòa, tôi trở về Cần Thơ, trên những nhịp dẫn năm xưa, gió từ sông Hậu luồn qua từng dây văng như khiến chiếc xe máy chao đảo. Cảm giác lạnh nhưng ấm lòng khi nghĩ về nghị lực của chị em Hân hay ước mơ nhỏ nhoi của Huy. Mong rằng, thêm 5 năm hay 10 năm nữa các em sẽ trở thành những người thành đạt ở vùng đất Mỹ Hòa này.
Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ xảy ra vào sáng 26.9.2007. Hai nhịp dẫn (dài khoảng 87 m, rộng 24 m, cao 30 m) giữa ba trụ cầu đang được xây dựng bất ngờ đổ sụp, kéo theo giàn giáo cùng nhiều công nhân, bảo vệ công trình đang làm việc xuống đất. Vụ tai nạn khiến 55 người tử vong, 80 người bị thương (phần lớn là công nhân địa phương làm việc tại công trình).
Tháng 4.2010, cầu Cần Thơ khánh thành, trở thành cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á.