Trầy trật làm cổ đông chiến lược của doanh nghiệp nhà nước
Không ít doanh nghiệp nước ngoài kêu rằng họ chỉ là đối tác chiến lược trên giấy tờ khi tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá.
Trầy trật làm cổ đông chiến lược của doanh nghiệp nhà nước
Không ít doanh nghiệp nước ngoài kêu rằng họ chỉ là đối tác chiến lược trên giấy tờ khi tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá.
Thực tế trên được ông Tony Foster, luật sư điều hành Công ty Freshfieds chia sẻ hôm qua (8.9) khi tham dự hội thảo Cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cùng Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (Amcham) tổ chức.
Liên tục trì hoãn CPH
Theo giới thiệu của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Tony Foster là nhà tư vấn chiến lược cho nhiều tập đoàn đa quốc gia tham gia vào quá trình CPH của các DNNN ở VN. Ông Tony Foster kể, ông đã chứng kiến không ít câu chuyện mà các nhà đầu tư nước ngoài trầy trật trên con đường trở thành cổ đông chiến lược của các DNNN. “Tổng công ty MobiFone lần đầu lên kế hoạch bán vốn cách nay đã 12 năm, nhưng đến nay nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu rồi đi mà chưa có tiến triển nào rõ nét. Hay Tổng công ty dầu VN (PVOil) dù có kế hoạch bán 20% cổ phần cho cổ đông chiến lược từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn phải trì hoãn”, ông Tony dẫn chứng. Tương tự là câu chuyện của Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV), dự kiến bán 25% cổ phần, trong đó cho nhà đầu tư chiến lược là 20%, nhưng đến nay vẫn chưa bán thành công cho cổ đông chiến lược. “Những ví dụ về các DNNN lớn gặp khó trong các giao dịch bán cổ phần chiến lược vẫn còn rất dài, đó là Tập đoàn hóa chất, Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn”, ông Tony nói tiếp.
Trong khi đó, ông Johnathan Ooi, Phó tổng giám đốc tư vấn của Công ty kiểm toán PwC, nhìn nhận chính sự chậm trễ, trì hoãn, liên tục lùi tiến độ CPH đã khiến không ít nhà đầu tư nước ngoài bỏ cuộc. “Một khi các nhà đầu tư đã bỏ ra hàng triệu USD để thuê tư vấn, điều họ cần là những lộ trình rõ ràng, mốc thời gian cụ thể hoàn tất giao dịch. Việc thay đổi mốc thời gian tác động rất lớn đến tinh thần của họ”, ông Jonathan Ooi nói.
TIN LIÊN QUAN
Ai sẽ chi hàng tỉ USD mua cổ phiếu Bia Sài Gòn khi nhà nước thoái vốn?
Nếu nhà nước bán 53,59% cổ phần tại Sabeco với giá thị trường thì đây sẽ là một số tiền rất lớn, khoảng 87.462 tỉ đồng, tương đương 3,85 tỉ USD.
“5% sao gọi là cổ đông chiến lược” ?
Theo ông Tony, ngoài tiến độ trì hoãn thì việc đàm phán giá bán và tỷ lệ bán là hai khâu khó nhất, gây trở ngại nhất. “Ví dụ Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank) bán cổ phần lần đầu và lần hai đều không thành công vì lý do không thoả thuận được giá. Phải mất gần 5 năm chờ đợi, đến cuối năm 2011, ngân hàng này mới bán thành công đợt 1 với mức 15% cổ phần”, ông Tony nói và cho rằng hiện nhà nước vẫn muốn lấy giá niêm yết để bán cho nhà đầu tư chiến lược, song việc chỉ một tỷ lệ nhỏ được niêm yết thì giá rất dễ bị thao túng khiến nhà đầu tư ngoại e dè.
Với vướng mắc về tỷ lệ, ông Vương Toàn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), thông tin dù đã qua 9 phiên đàm phán với Carlsberg nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được. Sự thể là sau khi mua lần 1, Carlsberg muốn mua thêm 13% cổ phần lần 2. “Nhưng do lộ trình thoái vốn nhà nước có thay đổi, Chính phủ muốn thoái vốn sâu nên nhà đầu tư muốn mua 51%. Song do Habeco còn kinh doanh nhiều lĩnh vực khác như rượu, lương thực… là các ngành mà quy định cho nhà đầu tư ngoại chỉ ở mức tối đa 49% nên đang vướng mắc”, ông Toàn nói.
Ông Tony cho rằng việc bán cổ phần với tỷ lệ thấp mà không chắc chắn về quyền ưu tiên mua tiếp là điều mà các nhà đầu tư ngoại băn khoăn. “Hiện giờ liệu quyền ưu tiên mua tiếp của Carlsberg tại đây có được đảm bảo không?”, ông Tony đặt câu hỏi.
Tương tự, theo vị luật sư này, khi đầu tư vào Tổng công ty hàng không VN (Vietnam Airlines), Hãng hàng không ANA của Nhật mong muốn mua cổ phần lớn hơn con số tỷ lệ 10%, song thực tế đến nay, tỷ lệ mà ANA nắm giữ ở Vietnam Airlines chỉ khoảng 8%. “Hoặc như tỷ lệ cổ phần của Itochu ở Tập đoàn dệt may VN chỉ 5% thì sao gọi là cổ đông chiến lược được. Nhiều trường hợp trên giấy tờ ghi là cổ đông chiến lược, nhưng thực chất không phải vậy”, ông Tony nhận xét. Theo ông Johnathan Ooi, tâm lý chung của các đối tác ngoại khi muốn đầu tư làm cổ đông chiến lược với các doanh nghiệp CPH là mong gắn bó lâu dài để cùng phát triển doanh nghiệp chứ không chỉ mua cổ phần để thu phần lợi nhuận giá cổ phiếu. “Họ muốn được tham gia ban điều hành, cao hơn nữa là quyền kiểm soát doanh nghiệp, có tiếng nói đủ sức nặng trong việc nâng cao quản trị doanh nghiệp. Cho nên, một khi chỉ bán cổ phần cho họ ở mức 10 – 15% hay 20% thì động cơ của họ không đủ cao”, ông Johnathan bình luận.
Chuyên gia Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), cũng băn khoăn khi tỷ lệ vốn nhà nước muốn bán cho nhà đầu tư chiến lược ở hơn 500 DNNN trong giai đoạn 2011 – 2015 chỉ ở mức trên dưới 15%. “Nhìn lại kết quả cổ phần hoá 5 năm qua, ngoài đạt tỷ lệ 93% về số lượng thì các mục tiêu khác rất hạn chế, nhất là yêu cầu về thu hút nguồn lực bên ngoài, tỷ lệ vốn nhà nước thu hồi được hay mục tiêu nâng cao quản trị doanh nghiệp”, ông Trung bày tỏ. Tuy nhiên, theo ông Trung, việc mới đây Chính phủ ban hành quyết định mới về danh mục DNNN thoái vốn thay thế Quyết định 37 của giai đoạn trước, cùng với việc nâng tỷ lệ sở hữu trong nhiều lĩnh vực cho nhà đầu tư ngoại, đã cho thấy quyết tâm lớn hơn của nhà nước. Ông Trung cũng tin rằng sắp tới là giai đoạn các “ông lớn” đồng loạt chào hàng như các tổng công ty điện lực, dầu, dầu khí… nên sức hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại sẽ lớn hơn.
|
Chí Hiếu