28/11/2024

Vào bản gọi trò đến trường

Trong lúc ở thành thị, học sinh đang chuẩn bị những bộ đồ đẹp, cặp sách mới để đến trường dự lễ khai giảng thì ở những nơi xa xôi, có khi thầy cô phải đến từng nhà vận động học sinh đi học.

 

Vào bản gọi trò đến trường

 

 Trong lúc ở thành thị, học sinh đang chuẩn bị những bộ đồ đẹp, cặp sách mới để đến trường dự lễ khai giảng thì ở những nơi xa xôi, có khi thầy cô phải đến từng nhà vận động học sinh đi học.

 

Ở miền núi, gọi học trò đến trường là việc thường xuyên của các thầy cô mỗi năm học mới.

Vào bản tìm trò

Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, ngày khai giảng gần kề cũng là thời điểm các thầy cô giáo Trường THCS Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An lập các tổ công tác, chia nhau về các bản, gặp gỡ bà con dân tộc Đan Lai, vận động học sinh đến trường. Dù đã tựu trường hơn một tuần nhưng vẫn còn khoảng 40/496 học sinh Đan Lai ở hai bản Cò Phạt và Khe Búng chưa đến trường.

Thầy Nguyễn Văn Hào – hiệu trường Trường THCS Môn Sơn – cho hay do mấy tuần qua trời mưa liên tục, nước sông, khe suối dâng cao nên đường vào hai bản này bị chia cắt. “Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với trưởng bản và bà con nhưng họ bảo phải sau ngày nghỉ lễ Quốc khánh mới cho con trở lại trường” – thầy Hào nói.

Theo thầy Hào, hiện bà con người Đan Lai có hơn 1.000 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu sống rải rác ở khe suối Vườn quốc gia Pù Mát. Do giao thông cách trở, cuộc sống khó khăn, tập quán dựng vợ, gả chồng quá sớm nên việc học hành của học sinh thường bị bỏ dở. Chính vì vậy việc vận động trẻ Đan Lai ra khỏi làng bản, đến trường lớp học chữ là cả một quá trình bền bỉ, nhẫn nại của thầy cô giáo.

Năm 2013, Trường THCS Môn Sơn được đầu tư xây dựng 18 phòng ở bán trú cho học sinh. Ngoài các chế độ hỗ trợ của Nhà nước, giáo viên phải vận động từ nhiều nguồn khác hoặc bỏ tiền túi mua cặp sách, giày dép, quần áo cho học trò ở đây.

“Điều đáng mừng là từ khi tổ chức bán trú, số học sinh Đan Lai đi học nhiều hơn và giảm việc nghỉ học giữa chừng. Mấy năm trước chúng tôi chỉ huy động được khoảng 30-35 em đến trường. Tuy nhiên, hai năm gần đây chúng tôi đã huy động đến gần 70 học sinh Đan Lai” – thầy Hào nói.

Sửa trường, tặng quà

Đầu năm học này, anh Nguyễn Duy Học (31 tuổi, Đắk Lắk) – trưởng nhóm thiện nguyện Vòng tay yêu thương – đã cùng nhiều bạn trẻ về Ea Rớt, thực hiện các hoạt động khuyến học cho học sinh vùng “cổng trời”.

“Cổng trời” Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) có lẽ là điểm trường xa nhất của Đắk Lắk, cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột 135km, nơi chưa có điện, chưa có trạm xá. 

Từ thôn Ea Rớt đến điểm trường chính cách mấy chục cây số đường rừng, nên Trường tiểu học Ea Pui phải thành lập điểm trường cho mấy trăm học sinh nơi đây. Nghèo đói, thiếu thốn luôn là rào cản khiến những em nhỏ người Mông, Tày, Nùng… khó mà đi hết được 12 năm đèn sách.

Để đến được điểm trường

hẻo lánh này, mọi người và phương tiện phải qua sông trên một chiếc bè gỗ tròng trành, nguy hiểm.

Nhóm thiện nguyện tặng 200 chiếc áo trắng (cùng đồ dùng học tập, khăn quàng đỏ và sữa) cho học sinh ở đây. Các bạn trẻ cũng chia nhau cắt tóc, cắt móng tay cho các em học sinh người dân tộc; sửa trường, đóng lại bàn ghế, dựng khu trò chơi.

Các bạn trẻ nhóm Vòng tay yêu thương tu sửa trường lớp, bàn ghế cho học sinh vùng sâu vùng xa tại Đắk Lắk – Ảnh: L.Đ.

Vòng tay yêu thương

Trước đó, trong hai ngày 9 và 10-8, nhóm Vòng tay yêu thương của anh Nguyễn Duy Học đã sơn sửa, thay lại bóng đèn, quạt máy tại điểm trường ở thôn 9 thuộc Trường tiểu học Lê Quý Đôn, xã Cư Kroá, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk).

Trong các ngày 14, 15, 21 và 28-8, nhóm còn trao 20 suất học bổng trị giá 2,5 triệu đồng/suất (gồm xe đạp, đồ dùng học tập, tiền mặt); và 20 suất học bổng trị giá 500.000 đồng/suất cho học sinh nghèo tại Trường THCS Ngô Mây, Trường tiểu học Phan Bội Châu đều ở xã Vụ Bổn, Krông Pắk (Đắk Lắk).

DOÃN HÒA – TRUNG TÂN