28/11/2024

Mở quán cà phê giúp người khuyết tật

Ở Cần Thơ, có một quán cà phê đặc biệt, nhân viên là người khuyết tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

 

Mở quán cà phê giúp người khuyết tật

Ở Cần Thơ, có một quán cà phê đặc biệt, nhân viên là người khuyết tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn.




Nhân viên quán cà phê Sân Thượng là người khuyết tật và sinh viên có hoàn cảnh khó khănẢNH: BÁCH HỢP

Nằm trên một con đường nhỏ ở P.An Khánh (Q.Ninh Kiều), quán cà phê Sân Thượng hoạt động từ tháng 2.2017. Quán có 15 nhân viên, trong đó đầu bếp và kế toán là người khuyết tật vận động, bảo vệ là người khiếm thính, còn 12 nhân viên phục vụ là những sinh viên nghèo ở tỉnh đến Cần Thơ trọ học.
Bà Bùi Thị Hồng Mai, chủ quán, cho biết lúc mới mở quán, bà cũng có ý định tuyển nhân viên bình thường, tuy nhiên, có người quen bên Hội Người khuyết tật TP.Cần Thơ nhờ hỗ trợ việc làm nên bà quyết định tạo cơ hội cho những người kém may mắn.
Ban đầu bà cũng lo không biết mọi người có đáp ứng được yêu cầu hay không, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, các nhân viên đã thích nghi với công việc. “Người bình thường tìm việc đã khó, người khuyết tật còn khó hơn gấp nhiều lần. Tôi muốn giúp đỡ những người có ý chí vươn lên có cuộc sống ổn định, hoà nhập tốt với cộng đồng”, bà Mai chia sẻ.
Anh Nguyễn Đức Hiếu (29 tuổi, quê ở H.Tân Hiệp, Kiên Giang), mất một chân từ nhỏ, làm pha chế kiêm đầu bếp của quán. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành công nghệ thông tin, Hiếu đi học thêm chứng chỉ pha chế để có nhiều cơ hội tìm việc.
“Công việc ở đây phù hợp với sở thích cũng như điều kiện sức khoẻ của tôi. Quan trọng là môi trường làm việc ở quán rất thân tình, mọi người hỗ trợ lẫn nhau và không có sự phân biệt đối xử”, Hiếu chia sẻ. Còn người bảo vệ quán, ông Phan Quang Lộc, năm nay đã hơn 60 tuổi và sống một mình, thì cho biết: “Là người khiếm thính cộng thêm tuổi cao nên tôi tìm việc rất khó khăn. Nhờ được giới thiệu làm giữ xe ở quán, mỗi tháng tôi có thu nhập đủ sống, không còn bấp bênh như trước”.
Nhân viên phục vụ bàn đều là sinh viên xa quê, tự đi làm thêm để kiếm tiền trang trải chi phí học tập. “Từ khi làm ở quán, em được cô Mai và các anh chỉ dạy rất nhiều. Những lúc lịch học quá dày, em được xếp cho làm ít lại hay khi thiếu tiền đóng học, em có thể xin ứng trước”, em Nguyễn Văn Thiện, sinh viên năm 4 Trường ĐH Cần Thơ, bộc bạch.


 

Bách Hợp