Nói đến biên giới VN – Campuchia, nhiều người cứ nghĩ bộ đội biên phòng chỉ ngồi ở các cửa khẩu sầm uất như Mộc Bài, Hoa Lư, Tịnh Biên, Hoàng Diệu… mà chưa biết còn hàng trăm đồn biên phòng nằm trong rừng sâu núi thẳm heo hút.
Gửi tình lên biên giới
Nói đến biên giới VN – Campuchia, nhiều người cứ nghĩ bộ đội biên phòng chỉ ngồi ở các cửa khẩu sầm uất như Mộc Bài, Hoa Lư, Tịnh Biên, Hoàng Diệu… mà chưa biết còn hàng trăm đồn biên phòng nằm trong rừng sâu núi thẳm heo hút.
Trong số này phải nhắc đến 4 đồn của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Phước nằm sâu trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
8 tiếng đồng hồ chạy gần 300 km từ TP.HCM theo QL13, rẽ đường tỉnh 741 lên TX.Phước Long, đến xã Đắk Ơ của huyện miền núi Bù Gia Mập (Bình Phước) rồi rẽ vào đường tuần tra biên giới để đến Đồn BP Đắk Bô (thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Phước), thi thoảng anh Khúc Tuấn Anh, Phó giám đốc Cơ quan quản lý chất lượng nông lâm sản – thủy sản Nam bộ (Bộ NN-PTNT), lại quay ra phía sau xe xuýt xoa bởi thùng xốp lạnh băng cứ nảy lên bần bật do đường rừng quanh co, lồi lõm. Trong thùng xốp ấy là 100 que kem Tràng Tiền, vuông vức.
Hồi đầu tháng 7.2017 chúng tôi lên biên giới Bình Phước, từ Đồn BP Hoàng Diệu theo đường tuần tra biên giới chạy mấy ngày không bóng người, cỏ dại chiếm nửa đường, tre nứa đổ ngang chắn đầu xe, trăn rắn uốn éo bò qua và khỉ vượn hú hét váng rừng khi có xe chạy qua. Hơn 100 km đường rừng, lọ mọ qua 4 đồn BP tuyến Bù Gia Mập (Đắk Ơ, Bù Gia Mập, Đắk Ka, Đắk Bô) đến đâu cũng thấy lính trẻ 18 – 20 ước ao những điều rất lặt vặt ở dưới xuôi. Hôm rời Đồn Đắk Bô tranh tre nứa lá nằm thui thủi giữa rừng Bù Gia Mập không điện lưới, không nước sạch, cả chục chiến sĩ da xanh mướt vì sốt rét nhao nhao: “Đố chú mang được kem lạnh lên đây. Tụi cháu thèm quá”.
Về nói chuyện với Tuấn Anh, anh gật đầu: “Tớ mang theo 100 cây kem, ướp lạnh cẩn thận cho tụi nhỏ mừng” và mua cả thùng bảo quản lạnh xếp đá, giữ cứng suốt chuyến đi hôm rồi. Lên sân đồn giữa giờ chiều, thùng kem đặt ngoài sân xúm xít áo lính sờ tay mát rượi, miệng thổi phù phù vào que kem cứng đanh bốc khói: “Có trong mơ cũng không dám nghĩ đến”. Binh nhất Vũ Xuân Tài, 20 tuổi đang chuẩn bị nấu cơm dưới bếp hớt hải chạy lên vừa bóc ngay que kem phồng má nhai vừa xách 1 hộp cả chục chiếc ào quay xuống, miệng phúng phính: “Cháu lấy dành cho anh em hậu cần đang ở dưới”.
Kem lạnh mang từ TP.HCM lên biên giới Bù Gia Mập
Hát tình ca giữa rừng
2 ngày ngắn ngủi gắn bó với biên giới là 2 ngày tôi nhận ra cuộc sống không chỉ là trang sách vở, là tấm áo trắng, là điện thoại thông minh, là những món ăn ngon mà là sự thiếu thốn, là trải nghiệm, là sự thấu hiểu, là tình cảm, là kỷ cương, là cả những hy sinh thầm lặng
Lê Bé Thảo, 20 tuổi, sinh viên năm thứ 4 ĐH Giao thông vận tải TP.HCM
Hành trình của chúng tôi lên lại tuyến BP Bù Gia Mập có 6 thành viên Câu lạc bộ âm nhạc Giai điệu trái tim của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường đại học GTVT TP.HCM, đều đang học các chuyên ngành trong trường. Huỳnh Ngân Đình, sinh viên quản trị logistics và vận tải đa phương thức, không chỉ là người hát chính trong nhóm mà còn đảm nhiệm vai trò chị cả thúc giục, động viên các bạn trong mọi hoạt động, sinh hoạt. Đầu chiều rừng oi nồng tưởng như thân cây rừng cũng đổ mồ hôi, ghé qua Đồn BP Đắk Ka thấy chiến sĩ háo hức trước ghi ta của Đỗ Nhật Huy, trống cơm của Nguyễn Hữu Tín, Ngân Đình ngay lập tức hội ý nhóm và dàn hàng phục vụ chiến sĩ trong túp lều lá sau nhà chỉ huy.
Vài phút yên lặng để bật lên lời hát “Tôi vẫn thấy em như ngày nào, dù nắng nông trường làm chiếc áo bạc màu…” trong ca khúc Như khúc tình ca (Nguyễn Ngọc Thiện) của 3 cô gái Huỳnh Ngân Đình, Phan Thị Thu Thảo, Lê Bé Thảo khiến vài chục bộ đội của đồn đang lao xao ngồi bệt phía trước bỗng im bặt, gượng nhẹ đến mức không dám vỗ tay.
Trung úy Tống Thanh Hưng ngồi giữa những chiến sĩ trung đội vũ trang mê mải nghe hát, khi thượng tá Đồn trưởng Nguyễn Văn Hoan chỉ định lên giao lưu mới cuống quýt: “Nghe hát hay quá, em quên mất tiêu mấy bài hay ca” khiến cả người diễn và nghe cười bò.
Lê Bé Thảo, 20 tuổi, quê Cà Mau là sinh viên năm thứ 4. Suốt mấy ngày lăn lóc trên đường rừng, sống trong doanh trại tạm bợ không nước nóng, đêm mất điện và muỗi vo ve dày đặc, cô gái cao trắng như tiểu thư không nửa lời kêu ca, luôn có mặt đầu tiên trong mọi hoạt động giao lưu văn nghệ, chào cờ, nói chuyện cùng bộ đội.
Về lại thành phố, Thảo viết trên Facebook: “2 ngày ngắn ngủi gắn bó với biên giới là 2 ngày tôi nhận ra cuộc sống không chỉ là trang sách vở, là tấm áo trắng, là điện thoại thông minh, là những món ăn ngon mà là sự thiếu thốn, là trải nghiệm, là sự thấu hiểu, là tình cảm, là kỷ cương, là cả những hy sinh thầm lặng. Bộ đội ở đây vui lắm, giỏi lắm, dễ thương lắm. Sống trong hoàn cảnh thiếu điện, thiếu nước trầm trọng, mọi thứ đều phải chạy bằng máy phát nhưng các anh vẫn luôn lạc quan. Mang trên vai trọng trách cao cả của quốc gia, lúc nào các anh cũng lạc quan, yêu đời để chúng tôi tự hào và mong một ngày trở lại với biên cương”.
Lắp đặt giàn năng lượng mặt trời mới tại Đồn biên phòng Đắk Bô
Bánh đúc được chỉ huy Đồn biên phòng Đắk Ka (trái) hào hứng đón nhận
Bánh đúc ân tình
Báo Thanh Niên số ra ngày 9.7.2017 có đăng bài Sống giữa rừng sốt rét phản ánh tinh thần vượt khó của cán bộ chiến sĩ Đồn BP Đắk Bô (Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Phước) khi đóng quân giữa Vườn quốc gia Bù Gia Mập không điện lưới, không nước sạch, gặp nhiều khó khăn về bệnh tật, đường sá đi lại… Ngay sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc đã ủng hộ mua giàn năng lượng mặt trời mới và thiết bị cải tạo hệ thống cũ với tổng trị giá gần 100 triệu đồng, tặng riêng cho Đồn BP Đắk Bô. Ngoài ra, bạn đọc cũng tặng 4 bộ bàn bóng bàn, dầu gió, kem chống muỗi và nhiều vật dụng khác cho 4 đồn BP dọc tuyến. Ngày 12 – 13.8 vừa qua, đại diện Báo Thanh Niên, chương trình thiện nguyện Áo ấm biên cương và một số nhà tài trợ đã lên tận nơi tặng quà cho cán bộ chiến sĩ 4 đồn.
Đại tá Phùng Tiến Lãng, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Bình Phước mới về nghỉ hưu tại TX.Kiến Tường (Long An), kể: Năm 2004 Bộ Quốc phòng cho triển khai xây dựng đường tuần tra biên giới trên nền đường mòn cũ chạy trong rừng và từ đó thành lập thêm 3 đồn BP mới nằm dọc tuyến đường để thành hệ thống 4 đồn BP phía tây Bình Phước (Bù Gia Mập, Đắk Ơ, Đắk Ka, Đắk Bô) nối với tỉnh Đắk Nông của vùng Tây nguyên.
“Hồi chưa làm đường, bộ đội sống trong rừng sâu đi lại khó khăn, mỗi chuyến tuần tra địa bàn kéo dài từ 5 – 7 ngày đi bộ với đầy đủ gạo mì, tăng võng và chúng tôi khi đến làm việc với đồn xa nhất là Đắk Bô phải đi sang tỉnh Đắk Nông, vòng theo QL14 lên gần Đắk Lắk và rẽ vào H.Tuy Đức để đến đồn. Ô tô chuyên dụng đi dịp thời tiết tốt cũng mất nguyên ngày”, ông Lãng kể.
“Giờ thì đỡ nhiều rồi nhưng 4 đồn tuyến Bù Gia Mập vẫn được xem là khổ nhất trong toàn quốc: không điện lưới, không nước sạch, 2 đồn không có dân và đặc biệt là Đồn Đắk Bô còn ở nhà tạm tranh tre nứa lá”, đại tá Nguyễn Văn Phương, Chính ủy BĐBP Bình Phước, chậm rãi và bảo: “Mọi sự chia sẻ động viên, Bộ chỉ huy đều hướng hết cho nơi khó khăn gian khổ”.
Trong chuyến đi của chúng tôi lên tuyến biên giới Bù Gia Mập, đại tá Phương đi cùng, hoà mình tham gia mọi hoạt động và động viên bộ đội, dù góc sân đồn hay dưới bếp mù mịt khói. Trong số quà, có 1 thùng ổi và 100 chiếc bánh đúc màu xanh lá dứa do chính tay cụ bà Trịnh Kim Oanh (80 tuổi, ở Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP.HCM) tự làm gần 1 ngày đêm để gửi lên biên giới, tặng cán bộ chiến sĩ 4 đồn BP khó khăn phía tây của tỉnh Bình Phước.
Hôm trước khi đi, bà bảo: “Gửi lên cho sấp nhỏ ăn, có sức yên tâm công tác, bớt nhớ nhà”. Nghe lời nhắn của cụ bà Trịnh Kim Oanh, đại tá Phương chia tặng số bánh đúc cho từng đồn ngang qua, mỗi cán bộ chiến sĩ đều được ăn bánh, dù chia từng miếng nhỏ và chắc chắn: “Có thứ không bao giờ mua được bằng tiền, đó là tình cảm của nhân dân dành cho. Lính biên phòng giữ đất được cũng vì cái tình, gửi lên miền biên giới”…