29/11/2024

‘Trẻ Chanchu’ trước ngày khai trường: bóc cá bò đổi sách vở

8h sáng một ngày hè, 40 đứa trẻ nghèo, phần lớn mồ côi cha, ngồi đối diện nhau trong ngôi nhà, miệt mài bóc cá bò. Bọn nhỏ đang kiếm tiền sắm sách vở, áo quần cho ngày khai giảng đang cận kề.

 

‘Trẻ Chanchu’ trước ngày khai trường: bóc cá bò đổi sách vở

8h sáng một ngày hè, 40 đứa trẻ nghèo, phần lớn mồ côi cha, ngồi đối diện nhau trong ngôi nhà, miệt mài bóc cá bò. Bọn nhỏ đang kiếm tiền sắm sách vở, áo quần cho ngày khai giảng đang cận kề.

 

 

 

 

'Trẻ Chanchu' trước ngày khai trường: bóc cá bò đổi sách vở
Em Nguyễn Văn Thiện, mồ côi cha, đi bóc cá để kiếm tiền phụ mẹ mua sách vở, áo quần cho năm học mới – Ảnh: HỮU KHÁ

Ở xưởng cá này, nhiều đứa trẻ mồ côi vì cha các em mất trong cơn bão Chanchu 11 năm trước.

Những đứa trẻ 
trong xưởng cá

Ba mẹ con cô học trò Nguyễn Thị Vy (học sinh lớp 9 Trường THCS Phan Đình Phùng) đang là “đồng nghiệp” của nhau trong xưởng cá bò ở làng Bình Tịnh, xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Vy và mẹ đã làm ở xưởng cá từ mấy năm nay. Riêng mùa hè này, em trai Nguyễn Văn Thiện (học sinh lớp 6) cũng xin vào xưởng làm để có tiền phụ mẹ.

Mất chồng trong đợt bão Chanchu, chị Trần Thị Minh (mẹ Vy) kể thời điểm hai con đi học là khoảng thời gian chị vật lộn trong nghèo đói để nuôi con.

 

Xưởng cá mở gần nhà, hết đứa lớn đòi theo mẹ, nay đứa nhỏ lại xin đi kiếm tiền. Mỗi ngày Thiện và Vy làm được hơn 10kg cá, mỗi ký được trả công 6.500 đồng. “Con còn nhỏ mà phải chịu cực, xót lắm. Nhưng hoàn cảnh khó quá phải năn nỉ chủ xưởng xin cho con vô làm” – chị Minh nói.

Ở xưởng cá ai cũng biết ba mẹ con chị Võ Thị Thiên. Chồng mất khi đứa con lớn 4 tuổi, đứa nhỏ vừa đầy tháng, số tiền vay xây nhà nay vẫn chưa trả hết. Cả chục năm nay cái đói nghèo cứ bám riết lấy cuộc đời mẹ con chị, nhưng hai đứa con gái chị vẫn học giỏi nhất làng.

Chị Thiên kể có đêm con gái ôm mẹ, năn nỉ xin tiền ngày mai đóng học phí, chị bảo chưa có. Khi con thiếp ngủ, chị nằm nhìn lên bàn thờ chồng, bên cạnh treo hàng chục tấm bằng khen của con, khóc nức nở.

“Mấy năm nay tôi bị hở van tim, không làm việc nặng được, nên xin vào làm ở xưởng cá. Hôm nào không đi học thì bé gái lớn cũng xin vào làm phụ tôi kiếm tiền” – chị Thiên buồn bã nói.

Bà Nguyễn Thị Vân, chủ cơ sở cá bò, nói ban đầu bà không nhận các cháu vào làm, bởi các cháu còn nhỏ. Nhưng nhiều người bảo việc bóc cá cũng nhẹ nhàng, nhận các cháu mồ côi vào làm cũng là cách giúp các cháu có ít tiền để mua sách vở.

Thế là bà nhận. Trong xưởng, bà Vân treo mấy chiếc võng cho tụi nhỏ nghỉ trưa hoặc nằm lúc mệt mỏi. Nhưng chẳng đứa nào chịu nghỉ trưa, cứ tranh thủ thì giờ kiếm thêm tiền, vì ngày khai giảng đã cận kề.

Bóc cá bò đổi sách vở

Vào ca từ 6h sáng, hơn 40 đứa trẻ ngồi thành hàng lối trước bàn bóc cá. Đôi tay nhanh thoăn thoắt bóc từng miếng cá nhỏ vào khuôn, cô bé Nguyễn Thị Thúy Lực lớn tuổi nhất trong đám trẻ. 15 tuổi nhưng Lực đã có thâm niên hơn 4 năm bóc cá bò. Em cũng là người giữ “kỷ lục” ở đây, khi đóng khuôn được hơn 10kg cá/ngày.

Cha Lực mất lúc em vừa biết nói, mẹ gồng gánh nuôi ba chị em. Quá cơ cực nên hai anh chị của Lực phải nghỉ học khi vừa hết cấp II. “Cả nhà chỉ còn mỗi em được đi học. Má nói em là niềm hi vọng của cả nhà” – Lực cho biết.

Lực sẽ làm nốt những ngày hè còn lại để gom góp tiền cho đợt học xa nhà sắp tới. “Sách vở năm học này em đã xin được của mấy anh chị trong xóm. Bữa đầu hè cũng đã sắm được hai bộ áo dài.

Từ nay đến ngày nhập học em sẽ kiếm đủ tiền học phí, chuẩn bị để trọ học xa nhà”, Lực nhẩm tính cho những ngày trọ học cấp III cách nhà hơn 10km sắp tới.

Ông Nguyễn Văn Tám, chủ tịch Hội khuyến học xã Bình Minh, nói: “Các cháu đang làm ở xưởng cá phần lớn mồ côi cha vì cơn bão Chanchu năm 2006. Cháu nào cũng khó khăn nhưng đều ước ao được đến lớp”.

Chia tay những đứa trẻ nghèo khó bên xưởng cá mặn nồng mùi biển cả, phía trước là con đường học tập gian truân của các em. Không biết từ bao giờ, bà con xóm biển Bình Tịnh đã có câu đồng dao về những đứa trẻ Chanchu tội nghiệp ở miền quê này: Tay em mân mê con cá bò/ No đủ mấy tập vở là đây/ Ngày xưa cha không may mất sớm/ Thương mẹ đứa lớn nhỏ phải “bò”.

Mong được sẻ chia

Ông Nguyễn Văn Tám, chủ tịch Hội khuyến học xã Bình Minh, nói năm học mới sắp đến nhưng nhiều gia đình học sinh ở xã hầu như không có khả năng chuẩn bị cho con em đến trường tươm tất.

“Sau cơn bão Chanchu, ở xã có 87 người cha mất tích ngoài biển, nên hiện có rất đông trẻ mồ côi đang bước vào tuổi ăn học. Hằng năm Hội khuyến học xã cũng vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ các cháu, nhưng không thấm vào đâu bởi kinh phí quá ít ỏi.

Mong sao giữa lúc khó khăn này, trẻ mồ côi xã Bình Minh sẽ được sẻ chia, để đường đến lớp của các cháu tươi sáng hơn” – ông Tám tha thiết nói.

HỮU KHÁ – TRƯỜNG TRUNG