‘Sứ giả’ tiếp sức đến trường
Đó là một cuộc hẹn qua Facebook. Biết chúng tôi là những người xét học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ, nên anh nhắn nhờ ghé về khu phố Tây Trì, một khu phố nghèo nằm ven thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị)…
‘Sứ giả’ tiếp sức đến trường
Đó là một cuộc hẹn qua Facebook. Biết chúng tôi là những người xét học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ, nên anh nhắn nhờ ghé về khu phố Tây Trì, một khu phố nghèo nằm ven thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị)…
Nghe tin gia đình em Hồ Phong, một học sinh 12 vừa thi xong, phải bán nhà ra ở trọ, anh Sanh đến tận nhà trọ hướng dẫn Phong làm hồ sơ xin học bổng “Tiếp sức đến trường” – Ảnh: QUỐC NAM |
Tập hồ sơ anh cầm trên tay là một xấp giấy dày cộp, trong đó gồm toàn bộ danh sách tên tuổi, điểm thi chi tiết của gần 30 học sinh lớp 12 vừa thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 có hộ khẩu tại khu phố Tây Trì.
Các em đã có thêm cơ hội được thực hiện mơ ước. Tui nói thiệt, học bổng các em nhận nhưng tui còn vui hơn các em nữa.” |
Anh NGUYỄN ĐỨC SANH |
Một tập khác là mấy bộ đơn xin đề đạt nguyện vọng được cấp học bổng. Một tập khác nữa là một chồng hồ sơ xin xét học bổng này của những tân sinh viên trong khu phố từ năm 2012-2016. Những tập giấy này được gói gọn gàng trong bọc nilông có dòng chữ dán bên ngoài: “Tiếp sức đến trường”.
Đi tìm sinh viên khó khăn
Anh là Nguyễn Đức Sanh, vừa được bầu là khu phố trưởng khu phố Tây Trì. Mới làm khu phố trưởng nhưng anh nắm rõ chi tiết tình hình cuộc sống người dân trong khu phố. Toàn khu phố có 550 hộ dân, vài chục hộ nghèo và cận nghèo.
Anh nắm rõ từng nhà có con vừa học lớp 12 sắp thi tốt nghiệp bao gồm cả họ tên, ngày tháng năm sinh và số báo danh khi đi thi. Đến khi thi xong, anh lên mạng tra tên từng bạn, nhập từng điểm số, điểm tổng vào danh sách của riêng mình, còn đánh giá khả năng đậu ĐH, CĐ.
Anh thậm chí làm việc này trước cả những học sinh. Khoảng cuối tháng 7, anh in cho mỗi em một bộ đơn đề đạt nguyện vọng được cấp học bổng “Tiếp sức đến trường” rồi đem đến tận từng nhà hướng dẫn các em viết.
Viết xong cũng chính anh nhận từng bộ hồ sơ đưa đi nộp. Anh làm công việc này trước cả khi ban tổ chức có thông báo chính thức triển khai chương trình. Anh nói là vì anh quá hiểu báo Tuổi Trẻ. “Chương trình này đã gắn bó với báo mười mấy năm, không có lý gì năm nay không làm tiếp nên mình cứ làm trước” – anh cười.
Lựa trong tập hồ sơ ra một bộ riêng, anh Sanh kể câu chuyện về Nguyễn Thị Thu Ngân, tân sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, và dẫn chúng tôi về tận nhà Ngân. Đó là một ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm chạy song song với đường sắt ra hướng cánh đồng của khu phố Tây Trì.
“Đúng ra hôm ni Ngân phải lên xe vô Đà Nẵng nhập học rồi, nhưng kẹt tiền quá nên nán lại. Chiều ni tui quyết định mổ con heo bán lấy tiền cho con nhập trường. May mà có bà con trong xóm thương tình mua giúp” – ông Nguyễn Hồng Hải, bố em Ngân, nói.
Gia đình ông Hải thuộc diện hộ cận nghèo của khu phố. Ông vốn là người chăm chỉ, chịu khó nhưng không gặp thời. Vừa vay vốn gầy dựng được một bầy heo thì đùng cái giá heo rớt thê thảm, bán đi không đủ tiền trả chi phí mua thức ăn. Đến khi con đi học, ông kêu người đến bán heo để dành thì lái heo trả giá quá thấp. Ông quyết định mổ thịt bán để có thêm chút tiền cho con nhập trường.
Đang nói chuyện thì một cuộc điện thoại gọi đến anh Sanh. Một người hàng xóm nghe tin có gia đình trong khu phố vừa phải bán nhà gán nợ, giờ cả nhà đi thuê nhà trọ ở. Gia đình này có một học sinh vừa thi tốt nghiệp nhưng có khả năng không thể tiếp tục đi học với tình cảnh này. Người này muốn nhờ anh Sanh đến hướng dẫn em làm đơn xin học bổng “Tiếp sức đến trường”. Anh Sanh lại ôm tập hồ sơ, rồ xe phóng đi…
Niềm vui mỗi mùa thi
Anh Sanh vốn có sáu năm làm việc ở Sài Gòn. Quãng thời gian ở đó cho anh biết nhiều về báo Tuổi Trẻ cũng như chương trình “Tiếp sức đến trường”. Đến khi về quê sống, anh được bầu làm bí thư chi đoàn khu phố Tây Trì. Bốn năm nay, anh đã rời vị trí bí thư chi đoàn, nhưng cuộc đời anh như bị “gắn” vào chương trình học bổng này không dứt ra được.
Anh lớn lên tại khu phố này nên rất hiểu cuộc sống người dân nơi đây. Trừ một số ít gia đình có điều kiện buôn bán, một số thì làm nghề tự do, số còn lại làm nông nghiệp. Việc lo được cho con một khoản tiền dăm ba triệu khi nhập học với nhiều hộ dân là điều khó khăn.
Anh còn nhớ năm đầu tiên “bén duyên” với Tuổi Trẻ là mùa thi năm 2012. Đó là trường hợp của bạn Nguyễn Trung Quỳnh, con một gia đình lao động nghèo trong khu phố.
“Lúc đó Quỳnh vừa đi thi về thì ba ngã bệnh không lao động được, em đang tính bỏ học để thay ba lao động nuôi gia đình. Tui đang bí cách thì chợt nhớ ra “Tiếp sức đến trường” nên vội đi in hồ sơ đem về tận nhà hướng dẫn Quỳnh viết. Sau đó Quỳnh được xét học bổng và được đến trường. Giờ Quỳnh đã ra trường và có việc làm”, anh Sanh vừa kể vừa cười hạnh phúc.
Những năm sau đó được cái cảm giác “hạnh phúc” này ám ảnh, đến mùa thi anh lại đi tìm các trường hợp khó khăn có nguy cơ không thể đi học để giới thiệu xét học bổng của báo Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên khó khăn hãy gọi cho Tuổi Trẻ Các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hãy viết thư bày tỏ nguyện vọng của mình gửi Tuổi Trẻ để được hỗ trợ. Mẫu thư được tải về tại đây. |