Sá chi mưa nắng đất Lào
Những cơn mưa tầm tã kéo dài, những trận nắng chói chang như lửa đốt ở đất nước Lào không làm nao lòng các chiến sĩ tình nguyện đến từ TP.HCM.
Sá chi mưa nắng đất Lào
Những cơn mưa tầm tã kéo dài, những trận nắng chói chang như lửa đốt ở đất nước Lào không làm nao lòng các chiến sĩ tình nguyện đến từ TP.HCM.
Các chiến sĩ tình nguyện khám bệnh cho người dân tại huyện Sanamxay (tỉnh Attapue, Lào) – Ảnh: Q.PHƯƠNG |
“Các chiến sĩ tình nguyện TP.HCM đến hoạt động tại Attapue trong tám ngày, thắt chặt thêm tình cảm hữu nghị đoàn kết giữa hai nước |
Anh HASANAY SYBANLUONG (bí thư Tỉnh đoàn Attapue, Lào) |
6h sáng tại sân khách sạn Champa Xaixe trời vẫn mưa như trút nước. Các chiến sĩ tình nguyện “đội mưa” để khiêng từng thùng thuốc, mẫu phẩm tập huấn nông nghiệp (phôi nấm rơm, nấm linh chi) lên xe để bắt đầu đi về các bản làng. Mưa cứ tuôn, chiếc xe 54 chỗ ngồi chở đoàn tình nguyện cứ thế “xé mưa” mà đi.
Vượt hàng trăm cây số đến với dân nghèo
Sau hơn hai giờ, đoàn đã đến trạm y tế huyện Khong – cách nơi đoàn tình nguyện ở hơn 100km. Tại đây, hàng trăm người dân và trẻ em đã tập trung kín cả trạm y tế.
Đội hình y tế triển khai ngay việc khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân. Trời càng về trưa, người dân kéo đến càng đông. Đoàn không ăn trưa để phục vụ dân làng.
Dẫn theo đứa con trai 7 tuổi với một khối u sưng to như quả trứng gà ngay quai hàm bên phải đến khám, chị Lesuvanhnavong cho biết con chị bị sưng đã ba tuần nhưng nhà nghèo không có tiền đi bệnh viện.
“Nghe thông báo có đoàn bác sĩ VN qua, tôi chở con vượt 20km đến để khám. Bác sĩ nói bệnh không nặng, uống thuốc sẽ hết, tôi mừng lắm” – chị Lesuvanhnavong chia sẻ.
Cũng vậy, tại huyện Sukhunma, mới 7h hàng trăm người dân đã tập trung tại ngôi chùa chính của huyện.
Cầm trên tay bịch thuốc vừa được phát, bà Memun (80 tuổi) cười nói: “Tuổi lớn rồi đau ốm liên miên, đau dạ dày, đau đầu chóng mặt liên tục, đã đi bệnh viện nhiều lần nhưng không hết mà lại tốn tiền lắm. Được khám, nhận thuốc miễn phí thế này tôi cảm ơn nhiều lắm!”.
Trong khi đó, đội hình tập huấn nông nghiệp bị “bủa vây” với hàng chục câu hỏi của người dân về cách thức chăn nuôi gà, nuôi ếch, trồng nấm rơm, nấm linh chi.
Ông Khamphuoc Chaloxay (55 tuổi) cho biết nhà có nuôi 50 con gà, lâu lâu chúng có biểu hiện ủ rũ, lù đù nhưng không biết bệnh gì.
“Nay nghe các bạn đến từ VN tư vấn tôi mới biết là do dịch. Tôi đã ghi lại rõ cách phòng trị cho gà rồi. Quý hoá lắm! Sắp tới tôi cũng sẽ trồng nấm rơm thử xem sao” – ông Khamphuoc Chaloxay nói.
Mặc cho mưa nắng thất thường
Thời tiết tại hai tỉnh Champasak và Attapue mùa này mưa nắng thất thường, đang nắng chói chang bỗng đổ mưa tầm tã.
Tại một góc trong khuôn viên Trường tiểu học Nahaek (tỉnh Champasak), các chiến sĩ tình nguyện áo xanh miệt mài làm việc. Người vác ván gỗ, người đóng cọc… để tạo thành những khung vuông chuẩn bị đổ bêtông mặt sân bóng chuyền.
Có khi đang đổ bêtông bỗng trời ầm ầm đổ mưa, các chiến sĩ lại vội kéo bạt nilông che những tấm đan vừa mới đổ, còn mình thì ướt nhẹp. Hết mưa trời nắng chang chang, các chiến sĩ lại đội nắng làm tiếp.
Cô Phanhphachan Phanthavong, hiệu trưởng Trường tiểu học Nahaek, cho biết trường cô là trường tiểu học đầu tiên ở huyện Pasek có sân bóng chuyền.
“Sân bóng này xây xong sẽ dùng chung cho người dân và nhà trường. Người dân và giáo viên nghe tin họ mừng lắm” – cô Phanhphachan Phanthavong nói.
Tại tỉnh Attapue, những cơn mưa tầm tã kéo dài khiến con đường từ trung tâm tỉnh đi về huyện Sanamxay trở nên lầy lội. Các chiến sĩ tình nguyện đi trên những chiếc xe bán tải.
Con đường lầy lội với hàng trăm ổ gà, ngồi trên xe cứ “bồng bềnh” như cưỡi ngựa. Thỉnh thoảng gặp đoạn trơn trượt chiếc xe đang thẳng tiến bỗng quay ngang, mọi người lại một phen khiếp vía.
Con đường đến trung tâm y tế huyện Sanamxay chỉ hơn 30km nhưng mất gần hai giờ đoàn mới đến nơi. Chiến sĩ Trần Quang Dư, Bệnh viện Nhi Đồng 1, nói: “Thấy bà con vượt đường trơn trượt đến khám mà lòng thương lắm”.
Hiểu sự mong chờ của người dân nên tại các huyện Bachiang (tỉnh Champasak), Saysetha (tỉnh Attapue), đoàn bác sĩ bỏ cả bữa cơm trưa để khám cho dân.
Anh Phùng Thái Quang, chỉ huy trưởng chiến dịch tình nguyện hè tại Lào, cho biết dù thời tiết thất thường nhưng các chiến sĩ của các đội hình: tư vấn, khám bệnh và phát thuốc, tập huấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, tập huấn kiến thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm… đã đến các bản làng và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tại tỉnh Champasak, đội hình dạy tiếng Việt và đội hình sơn vẽ – sinh hoạt thiếu nhi cũng hăng say làm việc. Chị Ông Thị Ngọc Linh, chỉ huy trưởng chiến dịch Mùa hè xanh tại Champasak, cho biết sau khi tác phẩm hoàn thành ở một trường mầm non, điạ phương nhờ đoàn sơn, vẽ tiếp một số trường mầm non khác trong tỉnh. “Các bức tranh thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước nhằm giáo dục thiếu nhi về tình cảm gắn bó này” – chị Linh nói. |