Trung Cộng Tiến Gần Đến Chế Độ Độc Tài Khi Tập Cận Bình Làm Chủ Tịch Suốt Đời
LỜI TUYÊN BỐ RẤT NGẮN GỌN, CHỈ CÓ 39 CHỮ, nhưng nó xảy ra như một qủa bom nặng ký, làm chấn động cả thế giới hôm 24 tháng Hai vừa qua: Đảng Cộng Sản Trung Quốc huỷ bỏ qui tắc giới hạn Chủ tịch nước chỉ làm việc hai nhiệm kỳ 5 năm.
Trung Cộng Tiến Gần Đến Chế Độ Độc Tài Khi Tập Cận Bình Làm Chủ Tịch Suốt Đời
LỜI TUYÊN BỐ RẤT NGẮN GỌN, CHỈ CÓ 39 CHỮ, nhưng nó xảy ra như một qủa bom nặng ký, làm chấn động cả thế giới hôm 24 tháng Hai vừa qua: Đảng Cộng Sản Trung Quốc huỷ bỏ qui tắc giới hạn Chủ tịch nước chỉ làm việc hai nhiệm kỳ 5 năm.
Điều này có nghĩa là bây giờ Chủ tịch Tập Cận Bình có thể cai trị quốc gia đông dân nhất thế giới cho đến chết. Sự kiện đó làm mọi người sợ rằng nước siêu cường ở Á châu đang muốn trở về với chế độ độc tài chuyên chế. Nhà nghiên cứu về tình hình chính trị Trung Hoa, Jude Blanchette, của tổ chức Conference Board đặt trụ sở ở Bắc Kinh nhận xét: “Đây là một quyết định mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Nó sẽ biến Trung Cộng trở thành một nước có hệ thống cai trị trong tay một người. Thật khó có thể tưởng tượng hậu quả sẽ ra sao đối với Trung Hoa và đối với Thế giới.”
Trong suốt 40 năm qua, Đảng Cộng Sản Trung Hoa mang trên người chiếc áo khoác ngoài hình ảnh một quốc gia toàn trị, độc tài, do một đảng lãnh đạo, không phải do một cá nhân lãnh đạo. Đảng cai trị vì quyền lợi của 1.4 tỉ người dân Trung Hoa. Nguyên tắc Đảng cai trị còn đặt ra những thủ tục khắt khe về tuổi tác, và nhiệm kỳ của người lãnh đạo.
Nhưng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên làm Chủ tịch nước vào năm 2013, ông đã từ từ dẹp bỏ những thủ tục đảm bảo thể chế đảng lãnh đạo, bằng cách tăng cường các biện pháp kiểm duyệt báo chí, bỏ tù nhiều luật sư và các nhà hoạt động dân chủ. Trong lúc đó, ông ta dùng hệ thống tuyên truyền của nhà nước để đánh bóng hình ảnh của ông. Năm ngoái, ông ta đã chính thức đưa vào hiến pháp cái gọi là Tư tưởng Tập Cận Bình, và cố tình bỏ quên, không chỉ định người lãnh đạo kế tiếp. Đây là một thủ tục rất quan trọng. Bây giờ, ông lại cho hủy bỏ nguyên tắc giới hạn hai nhiệm kỳ, bước kế tiếp để củng cố vai trò lãnh đạo của ông.
Từ ít năm gần đây, nguyên tắc tập trung quyền lãnh đạo vào tay một người duy nhất đã xuất hiện tại quốc gia có nên kinh tế lớn thứ nhì của thế giới. Nguyên tắc họ đặt ra là kẻ nào chống đối sẽ phải từ chức, hay bị thanh trừng đã được áp dụng để bình thường hóa hệ thống cai trị trong tay một người. Trên thế giới, người ta chứng kiến việc này xảy ra tại nhiều nước. Ở Nga, có người hùng Vladimir Putin, Ở Phi Luật Tân có nhân vật hung dữ Rodrigo Duterte, và ở Thổ Nhĩ Kỳ có Recep Tayyip Erdogan đã thẳng tay đàn áp đối lập để củng cố quyền bính. Tổng thống Donald Trump mặc nhiên đồng ý những việc đàn áp, thanh trừng này, với sự ngưỡng mộ và khúm núm. Khi được hỏi ý kiến về việc Tập Cận Bình muốn làm Chủ tịch suốt đời, Phát ngôn nhân báo chí của Bạch Cung, bà Sarah Sanders nói: “Đó là quyết định riêng của Trung Hoa.”.
Vâng, có thể đó là quyết định riêng của nước Trung Cộng, nhưng nó sẽ đem lại những hậu quả khôn lường trên khắp thế giới. Hiện nay, tình trạng chống đối ông Tập ở trong nước về sự bất ổn của nền kinh tế, và cách đối phó với khủng hoảng rất yếu. Nhưng những phản kháng này đang được nung nấu sôi sục. Theo ông Tom Raffery, Giám đốc Đơn Vị Tình báo Kinh Tế về Trung Cộng viết như sau: “Tâm trạng lo âu, về vị thế của ông Tập cận Bình, có thể dẫn đến những cuộc lùng bắt qui mô, và thanh trừng chính trị.”.
Bản thân ông Tập Cận Bình là người thấu hiểu hơn ai hết hậu quả thảm khốc của chế độ độc tài chuyên chế. Ngày xưa cha của ông đã bị thanh trừng, hành hạ nhiều lần vì Đảng Cộng Sản nằm trong tay nhà lãnh tụ độc tài Mao Trạch Đông. Ông này chủ trương tôn thờ cá nhân, và ông đã đổ lên đầu người dân Trung Hoa muốn vàn lầm than, khốn khổ. Cái gọi là Bước Tiến Nhảy Vọt của ông nhằm đưa nền công nghệ vào hợp tác hóa trở thành một giấc mơ hoang tưởng, làm cho 45 triệu người bỏ mạng từ năm 1958 đến năm 1962. Chính Tập Cận Bình cũng như nhiều thanh thiếu niên đồng thời với ông đã trở thành nạn nhân của cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa,ông bị tống đi miền quê để làm lao động cải tạo trong thời gian từ 1966-76.
Để tránh sự xuất hiện của một nhân vật lãnh đạo bắt chước Mao Trạch Đông, trong kế hoạch canh tân Trung Hoa, ông Đặng Tiểu Bình đã cẩn thận đặt ra nguyên tắc tập thể lãnh đạo cho Đảng Cộng Sản Trung Hoa, đặt giới hạn hai nhiệm kỳ cho Chủ tịch, và bảo đảm có sự chuyển giao quyền lãnh đạo một cách êm thắm. Nhưng ông Tập cận Bình tìm cách phá bỏ những thủ tục này. Rồi đây, việc kế vị, chuyển giao quyền bính, hứa hẹn sẽ xảy ra nhiều khủng hoảng, tranh cấp quyền lực.
Đảng cộng sản đoán trước vấn đề này sẽ rất nhậy cảm, nên Đảng đã ra lệnh kiểm duyệt những trang mạng xã hội, ngăn chặn việc loan tin ra hệ thống truyền thông quốc tế, như đài CNN khi vấn đề họ Tập làm chủ tịch suốt đời được đem ra thảo luận, bàn cãi. Nhiên hậu thì nước Trung Hoa cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề nhậy cảm này. Theo Blanchette, trong suốt 40 năm qua, nước Trung Hoa sống trong sự thanh bình, ổn định khá lâu. Đó là một điều hơi bất thường. Ông nói: “Từ vài ngàn năm nay, câu hỏi Hoàng Đế sẽ ngự trị trong bao lâu, ông sẽ từ bỏ quyền bính bằng cách nào? Luôn luôn là một vấn đề nhức nhối cho người Trung Hoa.” .
Bây giờ, vấn đề này cũng là câu hỏi khá lớn cho cả thế giới nữa.
Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 12/3/2018