28/11/2024

Tai nạn do cây xanh ngã đổ: Ai bồi thường ?

Sáng 12.7, tại góc ngã tư Trần Quốc Thảo – Tú Xương (P.7, Q.3, TP.HCM), cây xanh gãy nhánh làm một người bị thương nặng.

 

Tai nạn do cây xanh ngã đổ: Ai bồi thường ?

Sáng 12.7, tại góc ngã tư Trần Quốc Thảo – Tú Xương (P.7, Q.3, TP.HCM), cây xanh gãy nhánh làm một người bị thương nặng.



Cây xanh trên đường Mạc Thị Bưởi (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) bị bật gốc, đè lên ô tô 4 chỗ ngày 3.7ẢNH: ĐỨC TIẾN

Trước đó, đầu tháng 7, hai cây xanh ở khu vực Q.1, TP.HCM ngã đổ, đè bẹp 2 ô tô. Ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản, tính mạng, sức khoẻ cho công dân trong những trường hợp này?
Chủ cây xanh phải bồi thường
Đó là khẳng định của luật sư (LS) Lê Vi, Đoàn LS TP.HCM. “Nếu cây xanh tự dưng bị bật gốc, tức cây do bị sâu ăn, thối rễ, không được chăm sóc chu đáo, thì chủ cây xanh là Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP.HCM phải bồi thường nếu cây xanh đó do họ quản lý. Chủ cây cũng có thể thuộc về các chủ đầu tư nếu cây nằm trong các khu dân cư mà chủ đầu tư chưa bàn giao dự án lại cho nhà nước quản lý”, LS Lê Vi nói.
LS Ngô Thái Tùng Thư, Giám đốc Công ty luật Đà Giang (Q.11, TP.HCM), cho biết: “Khoản 3, điều 584, bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hiện nay, hầu hết cây xanh trên địa bàn TP.HCM được TP giao nhiệm vụ trồng, quản lý và chăm sóc cây cho Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP.HCM. Như vậy, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do cây xanh ngã đổ có thể khởi kiện công ty để yêu cầu bồi thường thiệt hại, căn cứ vào mức độ thiệt hại gồm tài sản, tính mạng, sức khoẻ… được quy định trong bộ luật Dân sự năm 2015.
Tuy nhiên, cũng theo LS Ngô Thái Tùng Thư, cần lưu ý trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 2, điều 584, bộ luật Dân sự năm 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Chỉ hỗ trợ một phần thiệt hại (?!)
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP.HCM, cho biết: Công ty là một trong những đơn vị được giao duy tu, chăm sóc cây xanh dựa trên sự đặt hàng của các chủ đầu tư gồm các khu quản lý giao thông đô thị, Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật hiện hành. Khi có sự cố cây xanh xảy ra, công ty bố trí lực lượng có mặt kịp thời để khắc phục. Nếu sự cố ảnh hưởng đến con người, công ty phối hợp với các đơn vị liên quan đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Đối với những sự cố cây xanh ảnh hưởng đến tài sản, sức khoẻ của người dân, công ty sẽ hỗ trợ một phần thiệt hại tùy từng trường hợp cụ thể.
Ở một khía cạnh khác, với tài sản là nhà cửa, xe cũng như tính mạng, sức khoẻ con người bị ảnh hưởng do cây xanh ngã đổ được các công ty bảo hiểm bồi thường (nếu người hoặc tài sản đó có mua bảo hiểm).
Ông Đàm Kiến Tín, Phó chánh văn phòng Tổng công ty bảo hiểm Bưu điện, cho biết: “Hiện nay, Bảo hiểm Bưu điện nói riêng và các công ty bảo hiểm khác đều cung cấp các gói bảo hiểm tự nguyện vật chất xe ô tô; bảo hiểm tai nạn cho lái xe, phụ xe, và người ngồi trên xe. Khi xảy ra tai nạn do thiên tai và tai nạn, ví dụ như cây ngã đổ, thì công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường”.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu cây xanh ngã đổ trong hoàn cảnh thời tiết bình thường, không phải sự kiện bất khả kháng và gây chết người thì đơn vị quản lý cây xanh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đơn vị quản lý cây xanh phải biết tình trạng “sức khoẻ” của cây xanh do mình quản lý. Do đó, nếu cây ngã đổ là do khâu quản lý, chăm sóc cây yếu kém, thiếu trách nhiệm, có căn cứ để xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
LS Lê Vi


 

Duy Khang