28/11/2024

Thách thức du lịch đường sông là… rác

Thông tin giai đoạn 2017-2018 TP.HCM sẽ có hai sản phẩm du lịch đường thuỷ mới được nhiều du khách quan tâm. Một số người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam chia sẻ ý kiến về kế hoạch đẩy mạnh du lịch đường thuỷ của TP.HCM.

TRONG MẮT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI:

Thách thức du lịch đường sông là… rác

Thông tin giai đoạn 2017-2018 TP.HCM sẽ có hai sản phẩm du lịch đường thuỷ mới được nhiều du khách quan tâm. Một số người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam chia sẻ ý kiến về kế hoạch đẩy mạnh du lịch đường thuỷ của TP.HCM.

 

 

 

 

Thách thức du lịch đường sông là... rác
Khách nước ngoài đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè – Ảnh do Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn cung cấp
Thách thức du lịch đường sông là... rác
Ông Lachlan Trumble – Ảnh: NVCC

Hiện tại nhiều sông, rạch ở TP.HCM còn hơi dơ. Rác rến còn rải rác ở nhiều nơi. Lúc mới đến Việt Nam tôi bị sốc vì… rác

* Ông Lachlan Trumble (người Úc):

Ý tưởng rất hay

Ngày 26-6 vừa qua, nhân dịp sinh nhật tôi, tôi đã cùng một vài người bạn trải nghiệm một chuyến thuyền dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè từ quận 1 đến quận 3 (TP.HCM). Chúng tôi đã có hai giờ thật sự thư giãn trong chuyến đi đó.

Suốt chuyến đi, chúng tôi được phục vụ đồ ăn, thức uống, còn được xem các nghệ sĩ chơi guitar, harmonica nữa. Tôi và các bạn mình thật sự cảm thấy rất thích. Các nghệ sĩ ngồi trên ba con thuyền khác nhau giữa con kênh như những “trạm thư giãn” chờ đợi chúng tôi.

 

Mỗi 20 phút, thuyền tôi lại đến một trạm và họ lại chơi nhạc trong 10 phút, cảm giác rất thú vị, được thoải mái ngồi trên thuyền dọc con kênh thoáng mát, tách biệt khỏi phố xá ồn ào, kẹt xe, lại được thưởng thức âm nhạc.

Tôi nghe nói TP.HCM đang có kế hoạch phát triển du lịch đường sông, tận dụng hệ thống sông ngòi kênh rạch để phục vụ du khách đến nhiều quận trong TP và các tỉnh lân cận. Theo tôi, đây hoàn toàn là một ý tưởng rất hay.

Tôi nghĩ khi phát triển du lịch đường sông, TP.HCM nên chú ý cải thiện ô nhiễm trên sông, rạch. Nếu có biện pháp dọn dẹp các con kênh sạch sẽ hơn hiện nay, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người hào hứng tham gia các tour du lịch đường sông.

Ngoài ra, nên chú trọng việc trang bị áo phao trên thuyền và quản lý chặt các quy định an toàn nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.

Nếu có thêm được một người hướng dẫn nói tiếng Anh để thuyết minh, giải thích cho du khách các cảnh quan hay công trình hai bên bờ kênh thì tour du lịch trên sông sẽ rất tuyệt vời.

Thách thức du lịch đường sông là... rác
Bà Bridget March – Ảnh: N.ĐÔNG

* Bà Bridget March (người Anh):

Đi thuyền thay taxi

Mọi người đều biết Việt Nam là một đất nước đang phát triển nên hệ thống kênh rạch hiện nay vẫn chưa sạch lắm là điều có thể chấp nhận được. Quan trọng là phải thiết kế tour sao cho ấn tượng với du khách.

Tuy nhiên, nếu cố gắng quảng bá các tour dọc kênh như tour tham quan với các địa điểm, thắng cảnh bình thường, tôi nghĩ du khách có thể sẽ thất vọng. Nhiều con kênh không có nhiều cảnh quan hai bên để ngắm, ngoại trừ một vài ngôi chùa, những hàng hoa sứ trắng hoặc vài tòa nhà cũ kỹ…

Tôi sẽ không bỏ ra 10 USD để ngắm nhìn những điều đó. Tuy nhiên, nếu các con thuyền được xem như một loại phương tiện giao thông để di chuyển xung quanh TP mà ngay cả người địa phương cũng sử dụng, tôi tin du khách sẽ rất thích vì một chuyến tàu như vậy sẽ rất thú vị.

Nếu làm theo hướng này, TP.HCM có thể giải quyết luôn được vấn đề ùn tắc giao thông. Chắc chắn lúc đó du khách sẽ sử dụng thuyền thay vì taxi. Một điều nữa là nếu làm như vậy, du khách có thể thuê chỗ ở tại ngoại ô vì từ ngoại ô họ có thể đi sang quận 1 nhanh chóng bằng thuyền.

Tôi cũng muốn chia sẻ là khách đến từ các nước phương Tây và những người đi du lịch “bụi” thường không thích bị đối xử như khách du lịch. Họ đến để xem cuộc sống của người địa phương là như thế nào và để trải nghiệm cuộc sống ở Sài Gòn.

Họ có thể còn muốn xem phim Việt Nam nếu như có phụ đề song ngữ. Họ cũng thích xem múa lân sư rồng trên phố, thích luôn cả giao thông phức tạp ở đây, chứ không chỉ thích dùng bữa tối trên một con thuyền sang trọng nào đó đi dọc sông Sài Gòn.

Thách thức du lịch đường sông là... rác
Ông Ray Kuschert – Ảnh: NVCC

* Ông Ray Kuschert (người Úc):

Sông, rạch ô nhiễm 
là thách thức lớn

Theo tôi, với thời tiết ấm áp của TP.HCM, trải nghiệm bằng đường thuỷ là một điều tuyệt vời cho du khách. Tôi nghĩ điều này sẽ góp phần nâng TP.HCM lên vị trí được tìm kiếm nhiều nhất ở châu Á đối với khách du lịch nước ngoài.

Tôi có nghe một số ý kiến nói rằng cảnh quan hai bên bờ của những con kênh trong TP vẫn còn hơi chán, nhưng bản thân tôi đã sống ở Việt Nam bốn năm và nhận thấy cảnh quan TP.HCM cực kỳ đẹp.

Theo suy nghĩ của tôi, du lịch đường thủy sẽ sinh lợi hơn nếu kết hợp với các điểm đến như mua sắm, nhà hàng, chùa chiền, và nhiều hoạt động khác trong lúc du khách đi thuyền dọc kênh như kế hoạch phát triển du lịch đường thủy 2017-2020 mà TP đang ấp ủ.

Ở Sydney quê tôi, có những chiếc du thuyền đưa khách đi dọc bến cảng và dọc sông trong khi hành khách thưởng thức đặc sản địa phương và xem ca nhạc trên thuyền. Chuyến đi đó cho du khách cơ hội nhìn ngắm vẻ đẹp đường thủy của TP.

Các chuyến thuyền vào lúc mặt trời lặn cũng là dịp tuyệt vời để các nhiếp ảnh gia sáng tác nên những bức ảnh tuyệt vời.

Với Việt Nam, tôi nghĩ sông, rạch ô nhiễm vẫn là thách thức lớn nhất khi mở tour du lịch đường thuỷ. Do vậy làm sạch sông, rạch khi phát triển du lịch đường thuỷ là vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất.

Thách thức du lịch đường sông là... rác
Hành khách đợi lên thuyền tại một trạm “buýt sông” trên dòng Chao Phraya ở Bangkok (Thái Lan) – Ảnh: KHÁNH HẠ

Đi “buýt sông” ở Bangkok

Tháng 8 năm ngoái, tôi có dịp đi Thái Lan và được trải nghiệm đi thuyền trên sông Chao Phraya. Trước khi xuống thuyền, một anh bạn đã ở Thái nhiều năm mách nước đi “buýt sông” vừa rẻ mà vừa được “làm người bản xứ”.

Tại bến xuất phát, có hai loại thuyền, một loại dành cho du khách và một loại người địa phương ưa chuộng hơn như lời bạn tôi nói, kiểu như một dạng xe buýt trên sông. Nhóm chúng tôi chọn đi “buýt sông” vì muốn trải nghiệm như người địa phương. 

Có lẽ nhiều du khách cùng suy nghĩ như chúng tôi mà trên thuyền mình đi, tôi thấy cũng có một số du khách phương Tây. Giá vé cho một lượt “buýt sông” tính ra tiền Việt chỉ khoảng 15.000 đồng.

Từ trạm khởi hành, thuyền chúng tôi đi qua khoảng 10 điểm dừng, trong đó có một số điểm tham quan như hoàng cung, chợ hoa… Vì là thuyền của người bản xứ đi nên không có hướng dẫn viên du lịch, tuy nhiên nhân viên bán vé cũng nói tiếng Anh đôi chút và thông báo mỗi điểm dừng trước để du khách biết mà xuống.

Đến mỗi trạm, chiếc “buýt sông” thư thái thả và đón khách như một tuyến xe buýt đường bộ.

Trong khi đó, thuyền du lịch dành cho du khách giá vé chỉ 30.000 – 35.000 đồng/lượt và cũng đi cùng tuyến đường với “buýt sông”, chỉ khác là thuyền tốt và khang trang hơn “buýt”.

Đầu tháng 9 năm ngoái, báo chí Thái Lan đăng tin Bangkok tiến hành thử nghiệm dịch vụ “xe buýt đường sông” miễn phí đi dọc kênh Khlong Phadung Krung Kasem từ Hua Lampong đến bến Thewet. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, chỉ trong bảy ngày đầu tiên đã có 8.212 người sử dụng.

Bangkok có hơn 1.600 kênh rạch với tổng độ dài hơn 2.200km, họ đặt nhiều hi vọng vào giải pháp giao thông đường thuỷ để “giải cứu” nạn kẹt xe trên đường bộ nghiêm trọng hiện nay.

KHÁNH HẠ

NGỌC ĐÔNG thực hiện