28/11/2024

Hạnh phúc vỡ oà nơi đảo xa

Chuyến tàu đưa đoàn công tác số 16 của lữ đoàn 146, Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân đưa các thân nhân ra thăm cán bộ chiến sĩ công tác trên đảo Trường Sa vừa trở về sau 18 ngày lênh đênh trên biển.

Hạnh phúc vỡ oà nơi đảo xa

 Chuyến tàu đưa đoàn công tác số 16 của lữ đoàn 146, Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân đưa các thân nhân ra thăm cán bộ chiến sĩ công tác trên đảo Trường Sa vừa trở về sau 18 ngày lênh đênh trên biển.

 

 

 

Hạnh phúc vỡ òa nơi đảo xa
Chị Bùi Thị Thương vui mừng khi gặp lại chồng trên đảo Trường Sa Đông – Ảnh: NGỌC LOAN

“Được ra thăm con ở một hòn đảo giữa biển thế này mới thấy con và những người đồng chí giỏi thế nào

Ông LÊ VIỆT ĐỨC (Thanh Hoá)

Các chiến sĩ trên 11 đảo được gặp người thân sau quãng thời gian dài ngày với những cảm xúc khác nhau.

Có giọt nước mắt của sự xúc động, có tiếng cười hạnh phúc và những cái ôm thật chặt của vợ chồng, của những ông bố, bà mẹ sau cả năm trời chưa được gặp con.

Mong ngóng từng ngày

Sau nhiều ngày trông mong, vừa bước chân lên đảo Trường Sa Đông, chị Bùi Thị Thương đưa mắt nhìn quanh nhưng không thấy chồng đâu.

Mặt chị chùng xuống, thoáng buồn. Chừng sau 10 phút, thấy chồng trong bộ quân phục đi ra, chị cười rưng rưng, chị hiểu là anh vừa hoàn thành công việc.

Rồi chị ngồi nép bên anh, nắm tay anh, nghe anh kể chuyện về cuộc sống những ngày trên đảo, kể chuyện cái tết đầu tiên anh ở đảo, anh cũng hỏi han chị về con gái, bố mẹ, công việc ở nhà…

Trường Sa Đông là đảo thứ tư đoàn đưa thân nhân lên đảo. Những ngày trên tàu, lúc nào chị Thương cũng háo hức đếm lùi thời gian được gặp chồng là đại uý Phan Đức Thiện. Chị cùng con gái sống ở Quảng Ninh. Trước khi đi thăm anh, chị gửi con gái 6 tuổi về cho bà nội ở Nam Định.

Trước hôm được vào đảo, tàu neo gần, nhìn thấy đảo mà chưa được vào khiến chị càng nôn nao hơn. Tối đó, chị ra mạn tàu đứng nhìn về phía ánh đèn của đảo.

Trời chưa sáng, chị đã cùng mọi người thức dậy sửa soạn đồ đạc rồi ngồi chờ. Lên đảo kể chuyện mới biết trên đảo anh cũng mong ngóng từng ngày.

Hạnh phúc vỡ òa nơi đảo xa
Bà Nguyễn Thị Thu xúc động khi chia tay con để lên tàu về đất liền – Ảnh: NGỌC LOAN

Gặp con quên hết cả đau

Người cha, người mẹ, người vợ nào cũng thấy con mình, chồng mình khác đi nhiều sau cả năm trời ra đảo.

Đó là làn da đen ngăm, sạm nắng, lẫn vào sự rắn rỏi, chững chạc, đặc biệt là với những chiến sĩ trẻ lần đầu xa nhà ra đảo.

“Bình thường mỗi tháng mới được nghe điện thoại của con một lần, giờ ra đây được thấy con khỏe mạnh, rắn rỏi, trưởng thành hơn là mừng rồi. Đen đi chút cũng được, không sao, vậy mới là lính đảo.

Ngày nhận được thông báo ra thăm con là nôn nao lắm, chỉ mong cho đến ngày đi. Gặp được con là vui rồi, quên hết cả say sóng. Sóng gió không là vấn đề gì nữa” – ông Đinh Văn Hưng (60 tuổi, quê Nam Định) cười giòn chia sẻ khi gặp con trai trên đảo Đá Lát.

Bước chân lên mỗi đảo, đón đoàn là những khuôn mặt hồ hởi, nụ cười rạng rỡ bật lên trên làn da ngăm đen của các chiến sĩ.

Chiến sĩ Hà Văn Linh (20 tuổi) công tác trên đảo Thuyền Chài A, mặt hớn hở khi nhìn thấy cha bước lên đảo. Một năm không gặp, Linh nói thấy cha gầy nhiều, lại còn đang bị đau chân, nên thương lạ.

Hai tuần trước khi ra thăm con, ông Hà Văn Nghĩa – cha của Linh – bị ngã trật gân chân, nhưng được ra thăm con nên ông cố gắng chống gậy để đi.

Những ngày đi lại trên tàu và hôm lên đảo, ông vẫn phải chống gậy và có người đỡ mỗi lần lên xuống. Ngồi cùng con trong buổi giao lưu văn nghệ trên đảo, ông Nghĩa cười nói: “Gặp con, quên hết cả đau rồi”.

Chăm chút 
từng món quà ra đảo

Những món quà giản dị, chủ yếu là “cây nhà lá vườn” từ quê mang đi được gói ghém, đóng thùng cẩn thận. Đó là từng thùng xoài, dưa leo, trứng, thực phẩm khô… Đặc biệt là những món quà tinh thần là hơi ấm, những lời hỏi han, động viên của người thân.

Ông Lê Việt Đức (64 tuổi, quê Yên Định, Thanh Hoá) ra thăm con rể trên đảo Trường Sa Đông. Cha con gặp nhau, bắt tay nhau, vỗ vai, cười giòn giã.

Vợ anh do con nhỏ, bận công việc nên không thể ra thăm chồng. Từ lúc nghe tin được ra thăm con, ông suy nghĩ muốn có món quà đặc biệt tặng con và các chiến sĩ.

Trên tàu, ông làm hai bài thơ tặng con là “Vô tư” và “Em yêu màu áo anh”, động viên con mình cùng các cán bộ chiến sĩ yên tâm công tác hoàn thành nhiệm vụ nơi đảo xa. Ông còn mang theo nhiều quà từ quê ra cho con và các chiến sĩ.

Ông nói: “Món quà lớn nhất là tình cảm, và không đơn thuần chỉ là tình cảm, mà còn thấy thiêng liêng. Được ra thăm con ở một hòn đảo giữa biển thế này mới thấy con và những người đồng chí giỏi thế nào”.

Nhận món quà của mẹ gửi từ tay một người trong đoàn ra thăm đảo, chiến sĩ Vương Trọng Tín, công tác trên đảo Trường Sa lớn, thật vui mừng.

Đó là hai cái săm xe đạp, một lọ dầu gió và hai cái thẻ điện thoại. Tín tiếc vì mẹ không thể ra thăm. Từ ngày nghe tin được đi thăm con, bà Phan Ngọc Lệ – mẹ Tín – đã cẩn thận chuẩn bị từng món quà, bọc gói kỹ càng.

Ngày khám sức khoẻ, bà được kết luận huyết áp cao sau nhiều lần đo đi đo lại nên không thể đi. Bà gửi gắm nhờ một người trong đoàn mang quà ra cho con, bởi bà biết ở ngoài đảo xa, con trai cũng đang mong bà.

Thời gian nhanh quá!

Đảo Trường Sa lớn là đảo duy nhất tàu cập cảng để đón thân nhân lên tàu, chúng tôi được chứng kiến những cuộc chia tay đầy xúc động của vợ chồng, cha con, mẹ con.

Có những chiến sĩ trẻ thường ngày vẫn nghiêm nghị, cứng rắn nhưng vào lúc chia tay, đứng trên cầu cảng, mặt mếu máo, mắt rưng rưng, cố với tay cha khi cha đã lên tàu.

Đứng trên tàu, bà Nguyễn Thị Thu ôm con khóc nức nở. Chàng thiếu úy to cao Nguyễn Văn Cường (23 tuổi) ôm mẹ, vỗ vào vai mẹ, động viên mẹ. Khi tàu sắp rời đi, anh phải quay về đảo, bà vẫn chạy theo, tay cố níu vạt áo của con.

Cầm khẩu trang lau nước mắt, bà kể chín ngày bà ra đảo, tối nào anh cũng ngủ với mẹ, gối đầu lên tay mẹ.

Cường là con út trong nhà, ra đảo Trường Sa công tác đã hơn một năm rưỡi. Biết con trai thích ăn mít nên bà mang ra năm quả mít to bự, mỗi quả gần chục cân.

“Ở nhà Cường thương mẹ lắm, việc gì cũng đỡ đần cho mẹ. Là con trai nhưng sống rất tình cảm nên càng thấy nhớ nhiều hơn. Ra thăm con thấy anh em chúng nó thương nhau lắm, chia sẻ cho nhau mình cũng đỡ lo.

Những ngày trên đảo, anh đưa cô đi chụp hình nhiều lắm. Chờ mãi mới đến ngày ra với con, mà chín ngày ở cùng con thấy nhanh quá” – bà Thu chia sẻ.

Khi tàu rời cảng, hình bóng các chiến sĩ đã xa dần, bà Thu vội chạy qua mạn bên kia của tàu để kịp nhìn lại đảo, tay vẫn vẫy chào.

Trứng vịt lộn vợ gửi chồng nở thành đàn vịt

Hạnh phúc vỡ òa nơi đảo xa
Những chú vịt con nở trên tàu được ra Trường Sa – Ảnh: NGỌC LOAN

Trong những món quà chị Phạm Thị Châm mang ra thăm chồng là 120 quả trứng vịt lộn để ăn. Chồng chị ở đảo Tốc Tan C, là đảo xuống gần cuối cùng trong hành trình ra thăm các đảo. Do thời gian dài và thời tiết nóng nên nhiều quả trứng lần lượt nở thành vịt con trước khi tàu cập bến vào đảo.

“Sáng trước hôm vào đảo, ngủ dậy nghe tiếng kêu chiêm chiếp mà không biết tiếng gì. Sau mới thấy một con vịt con đã ra khỏi vỏ trứng, lông còn ướt nhẹp. Nhiều quả trứng khác cũng bắt đầu rạn vỏ. Rồi mình cũng cho ăn, hôm sau thì mang lên đảo” – chị kể.

Ngày lên đảo, 10 quả trứng vịt đã nở thành con. Chồng chị cùng các chiến sĩ nâng niu từng chú vịt con, các anh cho biết sẽ chăm sóc và nuôi đàn vịt, bởi đó là món quà, tình cảm từ đất liền.

Câu chuyện về những quả trứng vịt lộn nở thành vịt con trên tàu được các anh ví như những sự sống sinh ra ở Trường Sa.

Ở trên đảo Tốc Tan B, ngoài những con vịt lớn còn có năm con vịt con đang được nuôi. Một chiến sĩ trên đảo cho biết đó là vịt được đưa ra từ đất liền từ hơn một tháng trước, nở trên đường ra đảo.

NGỌC LOAN