60 ngày ở tiền tiêu Tổ quốc
Với dự án mang tên 60 DAYS, 13 tình nguyện viên là những bạn trẻ được chọn lựa từ 500 sinh viên đến từ các trường đại học đã khởi động hành trình 60 ngày ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).
60 ngày ở tiền tiêu Tổ quốc
Với dự án mang tên 60 DAYS, 13 tình nguyện viên là những bạn trẻ được chọn lựa từ 500 sinh viên đến từ các trường đại học đã khởi động hành trình 60 ngày ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).
Học sinh Lý Sơn cùng thảo luận với các tình nguyện viên trong dự án 60 DAYS – Ảnh: TR.MAI |
Võ Tường An, cô gái 18 tuổi đã chinh phục học bổng của hơn 10 trường đại học hàng đầu thế giới, là người đồng sáng lập Tổ chức Giáo dục phi lợi nhuận (ICE) Việt Nam.
Dự án 60 DAYS mong muốn mang những kiến thức ngoài sách vở đến với học sinh, mở ra cho các bạn nhỏ những giấc mơ, ước vọng đến tương lai.
“Sau khi kết thúc dự án 60 DAYS, các tình nguyện viên vẫn tiếp tục kết nối với các em học sinh từ xa. Khi các em có bất kỳ nhu cầu gì về kiến thức hay định hướng nghề nghiệp sẽ được giúp đỡ. Chương trình mang chiều sâu, gieo ý thức vươn xa cho những lớp học sinh kế cận sau này |
VÕ TƯỜNG AN |
Chọn “vương quốc tỏi”
Huyện đảo Lý Sơn là điểm đến được chọn lựa trong chương trình này. Trước khi thực hiện, ICE Việt Nam đã nhiều lần đến Lý Sơn tìm hiểu các vấn đề giáo dục ở đảo, khảo sát nhu cầu học và định hướng nghề nghiệp của học sinh nơi đây.
Mục đích chính của ICE Việt Nam trong 60 DAYS ở “vương quốc tỏi” là chắp cánh cho các bạn trẻ vượt ra khỏi hòn đảo này và đi khắp Tổ quốc.
135 học sinh, phần lớn có hoàn cảnh khó khăn được bổ sung các kiến thức cần thiết cho kỳ thi THPT quốc gia và nâng cao kiến thức, kỹ năng về môi trường, xã hội, kỹ năng sống trên biển… thông qua các buổi dạy lý thuyết, trao đổi kiến thức và thực hành thực tế.
Phạm Vân Khanh, cô sinh viên vừa 20 tuổi đến từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết trước kia bạn đã tham gia làm tình nguyện viên cho rất nhiều chương trình: “Mới đây nhất mình tham gia làm tình nguyện viên dạy tiếng Anh ở chùa Mía (huyện Sơn Tây, Hà Nội). Trước đó mình cũng tham gia dạy tiếng Anh ở rất nhiều nơi. Nhưng được làm tình nguyện viên ở Lý Sơn lần này rất đặc biệt”.
Khanh bảo rằng điểm đặc biệt đó chính là trong thời gian 60 ngày ở Lý Sơn, ngoài phần kiến thức hỗ trợ, bạn còn truyền cho các em học sinh ở đảo ý thức vươn lên.
Võ Thành Chiến, học sinh Trường THPT Lý Sơn, chia sẻ bạn đã học được ở các anh chị tình nguyện viên rất nhiều điều. Trong đó, câu chuyện của Tường An gây ấn tượng mạnh với Chiến.
“Chị Tường An đã chinh phục được học bổng của hơn 10 trường đại học nổi tiếng của thế giới bằng năng lực của mình. Câu chuyện của chị khiến mình thấy rõ làm việc gì cũng cần bản lĩnh, quyết tâm và sự chuẩn bị sẵn sàng, nhất là môi trường học tập và cuộc sống ở môi trường mới” – Chiến nói.
Cùng nhau bảo vệ môi trường
Trong chương trình, các tình nguyện viên thực hiện dự án môi trường “Rác đi về đâu”, thành lập “Tủ sách S-library”.
Với “Rác đi về đâu”, các bạn học sinh và tình nguyện viên chia ra thành nhiều nhóm, đi thực tế ở nhiều khu vực trên đảo Lý Sơn tìm hiểu về thực trạng rác hiện có gồm những loại rác nào, chúng từ đâu ra… Từ đó, đặt ra cách xử lý với từng loại rác để bảo vệ môi trường.
Tường An cho biết ICE Việt Nam sẽ phối hợp với Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Lý Sơn và nhà máy rác ở địa phương này đưa các học sinh đến tận nơi xem cách xử lý và phân loại rác.
“Từ đó các em học sinh ý thức hơn trong việc phân loại rác để đưa rác đi về đúng với điểm cần đến, giúp môi trường xanh sạch đẹp hơn” – An nói.
“Chúng tôi tin khi các em học sinh tự tìm hiểu và xem tác động của rác đến cuộc sống lớn đến mức nào thì sẽ có được ý thức bảo vệ môi trường đảo Lý Sơn” – Tường An nói.
Tại Trường THPT Lý Sơn, hơn 400 đầu sách được vận động từ các nhà hảo tâm, tổ chức tình nguyện, người yêu sách, giúp các học sinh có cơ hội tiếp cận với nguồn tri thức đa dạng, khuyến khích việc đọc sách. Trong đó, nhiều sách về kỹ năng sống và tinh thần khởi nghiệp.
Ngoài ra còn có chương trình “Định hướng nghề nghiệp” kể những câu chuyện nỗ lực vươn lên để có được những thành công trong cuộc sống.
Trải nghiệm chính là học Bạn Trần Ngọc Quỳnh Vi – sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết chuyến hành trình từ đất liền ra đảo mang đến cho bạn những trải nghiệm. “Sáng nay, có một em học sinh đến hỏi tôi: Cô ơi, cô có thể dạy em vào buổi tối được không? Hỏi ra tôi mới biết ban ngày em phải đi làm thêm kiếm tiền” – Vi kể. Các tình nguyện viên mang kiến thức đến cho học sinh Lý Sơn và nhận lại từ chính các bạn nhỏ câu chuyện thực tế biển đảo về bao thế hệ người Lý Sơn ở Hoàng Sa – Trường Sa. “Đó là sự giao lưu và học hỏi lẫn nhau giữa tình nguyện viên và học sinh Lý Sơn” – Tường An nói. |