29/11/2024

Diễn đàn ‘Văn hoá giao thông’: Chính quyền phải có trách nhiệm với dân

Ngày 11-6, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, gần 200 bạn trẻ đã tham dự buổi ra mắt cẩm nang “Văn hoá – an toàn giao thông” và tổng kết diễn đàn về văn hoá giao thông.

 

Diễn đàn ‘Văn hoá giao thông’: Chính quyền phải có trách nhiệm với dân

Ngày 11-6, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, gần 200 bạn trẻ đã tham dự buổi ra mắt cẩm nang “Văn hoá – an toàn giao thông” và tổng kết diễn đàn về văn hoá giao thông.

 

 

 

Diễn đàn 'Văn hóa giao thông': Chính quyền phải có trách nhiệm với dân

Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Sở GTVT TP.HCM, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM và đơn vị đồng hành là Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh tổ chức.

Ý thức kém thì hại mình, hại người

Tham dự chương trình, trung tá Nguyễn Văn Cường – đội trưởng đội tuyên truyền, điều tra tai nạn và xử lý giao thông, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM – đưa ra con số thống kê khiến nhiều bạn trẻ bất ngờ: Năm 2016, toàn TP có 173 vụ tai nạn giao thông do chủ thể tự gây ra (chiếm 20% tổng số vụ) làm 156 người chết (chiếm 20% số người chết do tai nạn giao thông toàn TP). Trong số đó, chỉ có 2/173 vụ tự gây ra tai nạn do yếu tố cơ sở hạ tầng, đường sá không đảm bảo chất lượng, còn lại đều xuất phát từ hành vi không chấp hành luật lệ giao thông của nạn nhân.

Trung tá Cường liệt kê một số lỗi phổ biến như: lưu thông vượt quá tốc độ quy định, lái xe khi đang say rượu bia, đi ngược chiều, lấn làn, lấn tuyến, vừa đi vừa nghe điện thoại, dàn hàng ngang trên đường… Giải pháp cho vấn đề này, trung tá Nguyễn Văn Cường cho hay ngoài giáo dục, tuyên truyền còn cần xử lý, chế tài đủ mạnh mới mong tạo chuyển biến.

 

Có cùng mối quan tâm, đại tá Trần Sơn – nguyên phó trưởng phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an – rất trăn trở khi rất nhiều trường hợp chỉ cần sự thiếu ý thức của một người sẽ gây ra thảm cảnh cho nhiều người. Ông Sơn dẫn chứng bằng vụ tai nạn mới đây, chỉ vì một phút sơ sẩy, tài xế ôtô tải đâm vào xe khách khiến 14 người chết.

Ông Sơn cũng nhận xét hiện nay đa số người dân chỉ chấp hành luật lệ giao thông khi có sự xuất hiện của cảnh sát giao thông. “Phải hướng đến một tầm mức cao hơn về văn hóa giao thông. Đó là ý thức tự giác chấp hành Luật giao thông của người đi đường. Ý thức phải được nuôi dưỡng, phát triển thành phản xạ không điều kiện” – ông Sơn góp ý.

Ông Đỗ Văn Dũng – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chia sẻ một thực tế đáng buồn, đó là trung bình mỗi năm số người thiệt mạng do tai nạn giao thông lên đến hàng chục ngàn người, một con số khiến chúng ta phải giật mình. Đằng sau con số tang thương ấy là những chuyện đau buồn của mỗi gia đình có người thân, bạn bè gặp nạn.

“Những người làm báo chúng tôi cảm nhận nỗi đau ấy một cách thường trực, từ lúc tiếp cận thông tin, phóng viên chứng kiến, ghi nhận hiện trường đến những biên tập viên xử lý tin bài, xuất bản những bản tin ấy. Chúng tôi gọi đó là những bản tin buồn và không bao giờ mong muốn xuất hiện trên trang báo mà các vị cầm đọc mỗi buổi sáng” – ông Dũng nói.

Chia sẻ quan điểm, phó chủ tịch thường trực Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng để xây dựng văn hoá giao thông, một trong những giá trị cần theo đuổi là ý thức chấp hành tốt Luật giao thông, đặc biệt là thói quen nhường nhịn nhau trên đường.

Trong phần giao lưu với các bạn trẻ, khi nghe bạn Lê Ngọc Huy, một cán bộ Đoàn ở Q.1, cho biết bạn chưa từng bị phạt vì vi phạm giao thông, ông Hùng ngỏ ý muốn đến xem chiếc xe máy của bạn Huy và hỏi Huy sử dụng kính chiếu hậu và mũ bảo hiểm loại gì. Huy trả lời: “Em xài kính chiếu hậu chính hãng đúng theo dòng xe và nón bảo hiểm của công ty xe máy bán kèm”.

Nghe đến đây, ông Hùng gật đầu và nói: “Vậy là tốt. Hiện có rất nhiều bạn trẻ không xài hoặc thích xài kính chiếu hậu cỡ nhỏ, nón bảo hiểm thời trang. Điều đó rất nguy hiểm, dễ gây mất an toàn khi lái xe. Các bạn hãy bắt đầu bằng những việc đơn giản như lắp kính đúng quy chuẩn và chọn nón bảo hiểm an toàn”.

Hướng đến 
“tầm nhìn zero”

Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm mang đến chương trình câu chuyện về chuyến công tác tại Bắc Âu mới đây của mình. “Đến Thụy Điển, chúng tôi được nghe nói đến “Tầm nhìn zero”. Con số zero đó có nghĩa là gì? Đó là mục tiêu mà Thuỵ Điển đặt ra: 20 năm sau, đất nước họ sẽ không có người chết và người bị thương vì tai nạn giao thông” – ông Lâm kể.

Theo ông Lâm, Chính phủ Thụy Điển cũng xác định đó là trách nhiệm của chính phủ. Để làm được điều đó, chính phủ phải hành động chứ không thể chỉ trông chờ vào ý thức của người dân. Chính phủ phải thấu hiểu tình trạng thực tế về hạ tầng, về những đặc điểm, thói quen và mức độ ý thức của người dân để có giải pháp phù hợp.

Liên hệ thực tế trong nước, ông Lâm nhấn mạnh để hướng tới những mục tiêu cao hơn về an toàn giao thông, chính quyền phải tham gia, chịu trách nhiệm và đồng hành với người dân thực hiện.

“Ở châu Âu, mỗi khi xảy ra va chạm trên đường, người dân thường vui vẻ, mỉm cười bắt tay nhau nói câu xin lỗi vì sự cố đáng tiếc không ai muốn. Còn sự việc giải quyết thế nào, đúng sai ra sao – đó là chuyện của cảnh sát và công ty bảo hiểm” – ông Lâm nêu và gợi ý báo Tuổi Trẻ nên viết về những mẩu chuyện ứng xử như thế cho độc giả trẻ học tập. Ngoài ra tới đây, theo ông Lâm, Sở GTVT TP sẽ phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ hoàn thiện, phổ biến rộng rãi cẩm nang “Văn hoá – an toàn giao thông”.

Góp ý cho cẩm nang, ông Khuất Việt Hùng đề nghị báo Tuổi Trẻ và các đơn vị phối hợp, đồng hành nên nghiên cứu phát triển cẩm nang thành một ứng dụng có thể tải dễ dàng về điện thoại di động, máy tính bảng… Hình thức thể hiện cần hiện đại, linh hoạt, thông minh, hấp dẫn hơn để tiếp cận được với giới trẻ. Bên cạnh đó có thể tổ chức các cuộc thi nhỏ để thu hút sự tham gia của người dân.

Dưới góc độ lãnh đạo Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, ông Hùng cho biết rất trân trọng và sẽ thường xuyên theo dõi các góp ý của bạn đọc trên báo Tuổi Trẻ để góp phần hoàn thiện hơn về chính sách, cách làm nhằm đạt đến mục tiêu xây dựng văn hoá, đảm bảo an toàn giao thông.

Trao tặng hơn 1.000 cuốn cẩm nang “Văn hoá – an toàn giao thông”

Dịp này, ban tổ chức dành hơn 1.000 cuốn cẩm nang “Văn hoá – an toàn giao thông” trao tặng các bạn học sinh, sinh viên, thanh niên. Thông qua cẩm nang, báo Tuổi Trẻ truyền tải một phần nào nội dung thảo luận của diễn đàn “Văn hoá giao thông” đến các bạn trẻ.

Cẩm nang sẽ được giới thiệu và trưng bày tại phòng trưng bày Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM cùng các sản phẩm nổi bật của báo Tuổi Trẻ gắn liền với diễn đàn và sự kiện này.

MAI HƯƠNG – SƠN BÌNH