06/11/2024

Những người tốt kỳ lạ

Sóng gió tạm yên cho Tổng thống Trump

  

Những người tốt kỳ lạ

38 tuổi nhưng cuộc đời chị Nguyễn Lữ Kim Thư đã nhiều lần đi qua cái chết. 10 năm sống nhờ bệnh viện, bán vé số kiếm tiền chạy thận nhân tạo, mẹ con chị đã gặp được những tấm lòng ấm áp.

 

 

Những người tốt kỳ lạ
Nguyễn Lữ Kim Thư: “Bao nhiêu tấm lòng đã giúp tôi sống nhiều năm qua, chắc cũng sẽ giúp được các con tôi có một tương lai thành người tốt” – Ảnh: P.VŨ

Đã có rất nhiều người thương mà giúp tôi bao năm nay. Người tốt rất nhiều, con tôi nhất định sẽ có một tương lai…

“Cả mấy tháng nay tôi suy nghĩ đến đau đầu mà vẫn chưa có cách nào giúp họ cho tốt” – chị Anh (quận 10, TP.HCM) nhăn trán nói.

Anh Ninh (quận 2) góp lời: “Chính yếu là tương lai của hai đứa nhỏ”. Chị Chi (quận 9) nói: “Chúng còn nhỏ quá, chúng phải được đi học lại”.

Hai bé trai, Huỳnh Kim Long – 12 tuổi, Nguyễn Thanh Lân – 10 tuổi, nhân vật chính của cuộc bàn luận, vẫn vô tư nghịch ngợm bên bàn trà dù biết mọi người đang nói chuyện về mình.

Mẹ của chúng – chị Nguyễn Lữ Kim Thư, 38 tuổi – nửa nằm nửa ngồi bên mép chiếc ghế, làn da sạm đen, gương mặt héo hắt, hơi thở nặng nhọc, nuốt nước mắt: “Tôi đã hai lần uống thuốc mà không chết được, thôi thì còn sống ngày nào, mẹ con sống với nhau”.

Lấy bệnh viện làm nhà

38 tuổi, nhưng cuộc đời người đàn bà này đã nhiều lần đi qua cái chết. Quê ở Sóc Trăng, 18 tuổi Thư lên Sài Gòn làm công nhân trong một xưởng may nhỏ ở quận Gò Vấp.

Được vài tháng, nửa đêm đang trực tại xưởng bỗng khói lửa bốc cao, Thư trốn chúi đầu vào một cái vòi nước và tỉnh dậy ở bệnh viện, phỏng tróc da cả thân mình.

25 tuổi về quê lấy chồng. Con trai vừa lên 2 thì chồng bị tai nạn giao thông, chết ngay trước cửa nhà. Năm sau, Thư đi bước nữa, có thêm một cậu con trai. Con 13 tháng, Thư mệt, ngất xỉu khi đi làm về. Vào viện cô được thông báo: suy thận giai đoạn cuối. Anh chồng gá nghĩa bỏ vợ, bỏ cả con.

“Từ đó đến nay đã gần 10 năm, tôi lên TP.HCM sống nhờ bệnh viện. Tuần ba lần chạy thận nhân tạo, rời khỏi giường bệnh thì đi bán vé số kiếm tiền nuôi thân, nuôi con.

Hồi con đến tuổi đi học, gửi chúng về quê ở với ông bà nội để đến trường… Nhưng rồi mấy năm nay tôi không còn sức để bán vé số nữa, không bước đi nổi một mình nữa, không có tiền gửi nuôi con nữa, thế là…”.

Cánh tay đen đúa đầy những u cục dấu vết kim truyền của Thư đưa lên gạt nước mắt. Thế là Long nghỉ học từ lớp 4, Lân rời trường từ lớp 2.

Mấy năm nay cả ba mẹ con sống thường trực ở Bệnh viện 115, Chợ Rẫy. Hai cậu bé thay phiên nhau đẩy xe lăn đưa mẹ đến giường chạy thận, đến nhà tắm, đi xếp hàng chờ cơm từ thiện, đi quanh các hành lang xin tiền để gom góp đóng viện phí.

Tối lại, giường bệnh nào trống, góc hành lang nào còn là thành chỗ nằm của mấy mẹ con.

“Bao nhiêu năm đó, đã bao nhiêu người thương mà giúp, mà cho, người 5.000-10.000, người 200.000-300.000 đồng, nhờ đó mà mẹ duy trì được sự sống, con còn lớn lên được.

Nay tôi nghe trong người yếu lắm rồi, phát sinh thêm bệnh khác ngồi không được, nằm không xong, đi xin ăn cũng không đi nổi nữa. Bệnh cả chục năm rồi, có chết cũng không tiếc, chỉ lo cho hai đứa nhỏ…” – người mẹ mắt ngân ngấn nước.

Tính chuyện tương lai cho hai đứa nhỏ

Từ mấy tháng nay Thư được chị Anh, một người tình cờ gặp tại bệnh viện, cưu mang. Đói, ba mẹ con về nhà cô Anh ăn cơm. Mệt, ba mẹ con về nhà cô Anh ngủ nghỉ, tắm giặt. Giờ Thư nói sẽ viết giấy uỷ quyền hai đứa con lại để cô Anh nuôi dạy khi mình có bề gì, cô Anh gật đầu.

Là gật đầu vậy thôi chứ chị Anh lo lắm. Chị bảo: “Tôi không ngủ được vì suy nghĩ. Bản thân mình không còn đi làm, lại đang chăm sóc mẹ già. Nhà chỉ có vợ chồng con trai là có việc làm, có thu nhập.

Lúc thắt ngặt lá rách đùm lá nát, thương mấy mẹ con ở đường cùng mà đưa về nhà đùm bọc chớ việc nuôi dạy hai đứa trẻ nên người đâu phải đơn giản, đâu phải thương mà làm được. Mà không nhận thì cũng đâu có được, hai đứa nhỏ đang tuổi lớn, biết bao nhiêu là cạm bẫy…”.

Anh Ninh, em ruột chị Anh, nghe chuyện liền xăng xái nhận việc sẽ khuyên dạy bảo ban hai cậu bé nghịch ngợm.

Chị Chi, một người mới quen, nghe chuyện cũng đồng ý sẽ chu cấp học phí, tiền sách vở để hai cậu bé trở lại trường tiểu học.

Có thêm người chung tay rồi nhưng còn hàng loạt bài toán phía trước: những hóa đơn viện phí vẫn đều đều xuất ra hai ngày một lần, cần thuê phòng để có chỗ ăn nghỉ, cần tính toán thời gian để bọn trẻ vừa đi học vừa chăm mẹ trong bệnh viện…

Ngồi ở hành lang Bệnh viện Chợ Rẫy buổi trưa khi Thư vừa xong buổi lọc máu, thần thái tỉnh táo hơn hôm trước, mọi người lại tiếp tục bàn về việc học, việc ăn ở, giáo dục của hai đứa trẻ.

Có người e dè đưa ý kiến “xin cho hai đứa vào làng SOS để có chỗ giáo dưỡng quy củ hơn”, vừa nói vừa e ngại người mẹ chạnh lòng. Dẫu sao, đó là nơi của trẻ mồ côi mà.

Thư nghe được, bình thản gật đầu: “Tôi biết mình không sống được bao lâu, tự tôi đã đưa con đến xin vào làng cách nay mấy năm rồi, từ khi ông bà nội không nuôi ở quê nữa. Các thầy thông cảm hoàn cảnh mà nhận. Nhưng tội lắm, biết mẹ đang ở bệnh viện, hai đứa nhỏ cứ tìm cách trốn đi tìm.

Chúng đi bộ từ quận Gò Vấp tới tận quận 10, quận 3, quận 5, mấy lần công an phải giữ lại. Con tìm đến, lem luốc, ướt đẫm mồ hôi. Mẹ thì nằm khô trên giường, người đầy kim truyền. Cứ nhìn nhau mà khóc. Riết như thế, mấy thầy ở làng SOS không giữ được mà tôi cũng không thể xa con nữa…”.

Sau khi góp một món tiền nhỏ để giúp chị Thư trả viện phí “gối đầu” cho một tuần, những người lớn lại chia tay để suy nghĩ tiếp về việc đưa Long và Lân đi học lại vào năm học tới. Dẫu sao mùa hè vẫn còn.

Chỉ riêng Thư là có vẻ yên tâm với thân hình tàn tạ của mình: “Đã có rất nhiều người thương mà giúp tôi bao năm nay. Người tốt rất nhiều, con tôi nhất định sẽ có một tương lai…”.

Hỏi có muốn đi học lại không, Long reo lên: “Hay quá, con còn đọc được sách đó…”, ý nói còn nhớ mặt chữ. Lân thì nhắc: “Thầy nhận xét là con chơi với bạn rất tốt”.

PHẠM VŨ