28/11/2024

Người nước ngoài nói về chuyện xếp loại hạnh kiểm học sinh

Câu chuyện xếp loại hạnh kiểm học sinh vào cuối năm học gây căng thẳng, mệt mỏi cho nhiều giáo viên và tạo áp lực cho học sinh được nhiều người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam quan tâm, chia sẻ.

 

Người nước ngoài nói về chuyện xếp loại hạnh kiểm học sinh

Câu chuyện xếp loại hạnh kiểm học sinh vào cuối năm học gây căng thẳng, mệt mỏi cho nhiều giáo viên và tạo áp lực cho học sinh được nhiều người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam quan tâm, chia sẻ.

 

 

 

Người nước ngoài nói về chuyện xếp loại hạnh kiểm học sinh
Thầy cô gần gũi, thấu hiểu học trò của mình sẽ giúp các em tiến bộ hơn – Ảnh: NHƯ HÙNG

* Ông Stephen Isaacs 
(người Anh):

Mọi trẻ em 
đều quan trọng

Các trường ở Anh không có tiêu chuẩn đánh giá hạnh kiểm như ở Việt Nam. Liệu học sinh ở Anh có tôn trọng giáo viên của mình hơn nếu các em được đánh giá theo tiêu chí xếp loại hạnh kiểm? Tôi nghĩ việc này không cần thiết lắm.

Theo tôi, một hệ thống đánh giá con người về hành vi của họ sẽ luôn luôn cho những vấn đề ở bề nổi, nhưng điều quan trọng là phải xem xét tác động tổng thể lâu dài lên đất nước.

 

Năm 2003, Anh ban hành chính sách “Every Child Matters” (Mọi đứa trẻ đều quan trọng) nhằm đảm bảo rằng tất cả các dịch vụ của chính phủ dành cho trẻ em (kể cả trường học) đều có trách nhiệm chăm sóc cho tất cả trẻ em.

Chính sách này hoạt động như một lời nhắc nhở cho tất cả mọi người rằng nhà trường cũng phải có trách nhiệm trong việc giúp học sinh tiến bộ, và trách nhiệm của nhà trường cũng lớn bằng với bổn phận tự cố gắng hoàn thiện mình của các em.

Đối với Việt Nam, tôi nghĩ việc đánh giá hạnh kiểm được linh hoạt theo quy định của các trường là hợp lý vì lúc nào giữa các trường cũng sẽ có sự khác biệt.

Nếu so sánh một trường học vùng sâu vùng xa ở nông thôn tỉnh Quảng Nam với một trường ở trung tâm TP.HCM, học sinh ở hai nơi sẽ có nhiều cơ hội khác nhau để thể hiện thế mạnh của mình.

Việc xếp loại hạnh kiểm học sinh có thể có ở quốc gia này và không có ở quốc gia khác. Nhưng ở đâu cũng vậy, quá trình lớn lên của trẻ em là quá trình phạm sai lầm và học tập từ sai lầm đó. Nhà trường và ban giám hiệu có nhiệm vụ quan tâm học sinh của mình.

Cụ thể là phải hướng dẫn và tạo cơ hội để học sinh sửa chữa sai lầm của tuổi trẻ – quãng thời gian ngu ngốc, thiếu suy nghĩ và bốc đồng.

Trách nhiệm của nhà trường là cho các em biết những hành vi hạnh kiểm tốt là như thế nào. Nếu giáo viên và nhà trường có thể cho các em thấy được các hành vi và lối ứng xử được xã hội đánh giá ra sao, các em sẽ có một mục đích rõ ràng để phấn đấu.

Người trẻ biết nhận định đúng và sai, đạo đức và vô đạo đức nhờ vào kinh nghiệm mà họ học được từ cha mẹ, thầy cô và bạn bè.

Ngay cả khi còn nhỏ, trẻ em có thể được dạy về các hành vi lịch sự, từ bi, lòng tôn trọng, và có lẽ quan trọng nhất là khả năng chấp nhận rằng những người khác có những ý kiến và sự ưu tiên khác nhau. Là một giáo viên, tôi có trách nhiệm hướng dẫn các em trên con đường học tập đó.

Giáo viên và ban giám hiệu nhà trường phải luôn cư xử đúng mực. Họ phải là tấm gương để học sinh noi theo. Nếu học sinh tiếp thu nhiều thông điệp khác nhau ở trường học hoặc tại nhà, các em sẽ bị bối rối và sinh nghi ngờ

Ông GREGORY JOHN KLEVEN

* Ông Gregory John Kleven (người Mỹ):

Học sinh cần giúp đỡ hơn là xếp loại

Tôi dạy tiếng Anh ở Việt Nam từ năm 1992 tại nhiều trường trung học và đại học cũng như các cơ sở giáo dục tư nhân.

Tôi nghĩ việc giám sát hành vi xã hội của học sinh và xem đó là một tiêu chuẩn để xếp loại học tập là một cách làm hay.

Việc này nhằm đảm bảo cho các em không chỉ có điểm số học tập tốt mà còn có được những kỹ năng xã hội cần thiết cho tương lai.

Học sinh cần phải được cảnh báo khi mà hành vi xã hội của các em không phù hợp với tiêu chuẩn của cộng đồng. Các em cần được biết mình sai ở chỗ nào và làm thế nào để tránh không tái diễn.

Ở Mỹ, chúng tôi không có hệ thống đánh giá hạnh kiểm như ở Việt Nam, nhưng tôi nghĩ nếu làm việc này giáo viên phải chắc chắn rằng họ có phương pháp chính xác để đánh giá học sinh.

Tất cả các trường học cũng phải có cùng tiêu chuẩn để đánh giá hành vi của học sinh, chứ không phải mỗi trường một chính sách.

Tiêu chuẩn có thể khác nhau tuỳ độ tuổi học sinh chứ không phải tùy vùng miền, nơi chốn.

Từ kinh nghiệm giảng dạy của mình ở Việt Nam, tôi thấy nhiều học sinh, đặc biệt là các em còn nhỏ, thường thiếu tự tin và tự tôn.

Điều này ngăn cản các em phát huy được hết tiềm năng của mình khi ra xã hội. Nếu bị một điểm hạnh kiểm thấp trong hồ sơ học tập, các em có thể bị tổn thương rất lớn.

Ngoài ra, việc bị xếp loại hạnh kiểm xấu cũng sẽ cản trở các em tiến bộ. Nguy hiểm hơn nữa là một số em có thể chọn cách buông xuôi vì các em không tin vào chính mình nữa.

Trong khi đó, những gì các học sinh này thực sự cần là được giúp đỡ để phát triển kỹ năng xã hội của mình.

Tôi nghĩ việc giáo viên cần làm là xác định được những em cần giúp đỡ trong trường hợp này và cho các em sự hướng dẫn thích hợp.

* Rizwan Khan (giáo viên dạy cấp II, Trường quốc tế Việt Úc):

Xếp loại hạnh kiểm yếu không giải quyết được vấn đề

Tại Anh, trường học có nhiều hình thức kỷ luật học sinh khác nhau như nhắc nhở bằng miệng, cảnh cáo bằng văn bản hoặc thậm chí là đuổi học, tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, việc hành xử phải rất khéo léo chứ không thể cứng nhắc, bởi trong vài trường hợp, học sinh có hành vi tiêu cực vì chúng gặp chuyện gia đình hoặc những vấn đề ở bản thân.

Nếu giáo viên không thấu hiểu và ứng xử một cách hợp lý thì rất dễ gây ảnh hưởng đến việc học của trẻ về lâu dài.

Đôi khi, chỉ cần một vài lời nói đơn giản, ví dụ như hỏi trẻ “Con cảm thấy ổn chứ?” lại có tác dụng rất lớn. Khi cảm nhận được sự quan tâm của giáo viên hoặc cha mẹ dành cho mình, trẻ có thể sẽ cải thiện hành vi.

Bên cạnh đó, trường học ở Anh còn có nhân viên tư vấn tâm lý cho học sinh. Trẻ có thể chia sẻ những vấn đề về tình cảm, tâm lý của mình với tư vấn viên và nhận được lời khuyên rất hữu ích.

Tôi tin chắc rằng việc xếp học sinh vào loại hạnh kiểm yếu không giúp giải quyết được vấn đề. Tôi cũng không nghĩ rằng các em học sinh Việt Nam lại thuộc dạng quá ngỗ nghịch. Từ lúc sang Việt Nam dạy đến nay, tôi gặp rất ít trường hợp các em có hành vi tiêu cực hay quậy phá.

BÌNH MINH ghi

NGỌC ĐÔNG thực hiện