06/11/2024

‘Mái nhà’ cho ngư dân giữa Trường Sa

Một âu tàu có sức chứa hàng trăm tàu với nhiều dịch vụ hỗ trợ vừa được Bộ NN-PTNT đưa vào sử dụng ở quần đảo Trường Sa giúp ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 

‘Mái nhà’ cho ngư dân giữa Trường Sa

Một âu tàu có sức chứa hàng trăm tàu với nhiều dịch vụ hỗ trợ vừa được Bộ NN-PTNT đưa vào sử dụng ở quần đảo Trường Sa giúp ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.



Âu tàu ở đảo Đá Tây có thể chứa 200 tàu tránh trú bão	 /// Ảnh: Trung Hiếu

 

Âu tàu ở đảo Đá Tây có thể chứa 200 tàu tránh trú bãoẢNH: TRUNG HIẾU

Sức chứa hơn 200 tàu thuyền tránh bão
 
 
Làng chài ở đảo Núi Le
Không chỉ có trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây, ở đảo Núi Le còn đang gấp rút xây dựng làng chài có chức năng tương tự. Làng chài được xây dựng trên diện tích 3.000 m2, có trạm tiếp tế xăng dầu, cung cấp lương thực, nước miễn phí, nhà tránh bão cho ngư dân. Làng chài còn có chức năng hướng dẫn, sửa chữa và thay thế kịp thời hệ thống đèn báo hiệu luồng để tàu thuyền ra vào đảm bảo an toàn. Sau Núi Le, một làng chài tương tự cũng sẽ được triển khai ở đảo Tốc Tan. Những làng chài như vậy vừa hỗ trợ ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo
 

Những ngày cuối tháng 5, đoàn công tác số 15 đi thăm quân và dân quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, đã ghé thăm đảo Đá Tây.

Ấn tượng nhất của hòn đảo này là tàu thuyền của ngư dân ra vào tấp nập. Khi chúng tôi có mặt, nhiều tàu câu mực, đánh bắt cá ngừ của ngư dân Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận… đang trú tránh thoải mái tại âu tàu ở đảo Đá Tây A.
Dẫn chúng tôi đi một vòng trên đảo, ông Chu Minh Sơn – Trưởng ban Quản lý dịch vụ hậu cần nghề cá (gọi tắt là trung tâm hậu cần nghề cá) đảo Đá Tây, cho hay trung tâm thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Bộ NN-PTNT) đi vào hoạt động từ giữa năm 2005.
Trung tâm có nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu thuyền của bà con ngư dân trong nước như thực phẩm, nhu yếu phẩm, nhiên liệu dầu nhớt và sửa chữa các tàu thuyền hư hỏng, cứu hộ, cứu nạn trên biển…
“Trong những năm qua trung tâm hậu cần nghề cá tại đảo đã từng bước hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực cho hàng ngàn con tàu của bà con ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển Trường Sa, DK1. Đây là điểm tựa vững chắc, là địa chỉ tin cậy cho những con tàu ra khơi khai thác, đánh bắt dài ngày trên biển”, ông Sơn nói.
Xác định tầm quan trọng của Đá Tây đối với bà con ngư dân, mới đây Bộ NN-PTNT đã khánh thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá quy mô lớn được xây dựng, phát triển trên nền móng trung tâm cũ. Việc xây dựng trung tâm mới được triển khai từ đầu năm 2013, đến nay phần lớn các công trình lớn đã hoàn thành như âu tàu rộng 8 ha có sức chứa hơn 200 tàu thuyền tránh trú bão, âu tàu có thể chứa tàu có trọng tải hơn 2.000 tấn; triền đà để kéo tàu hư hỏng lên bờ sửa chữa; nhà máy nước đá công suất gần 1.000 cây đá/ngày; hồ chứa nước ngọt 3.000 m3 với công suất lọc nước biển 50 m3/ngày; nhà tránh bão cho ngư dân…
Điều đáng nói trung tâm sẽ cung cấp miễn phí nước ngọt cho ngư dân, miễn phí công sửa chữa tàu bè; cung cấp lương thực, thực phẩm, xăng dầu… cho ngư dân bằng với giá bán ở bờ. Ngư dân nếu có nhu cầu bán hải sản sẽ được trạm thu mua lại với giá tốt.
“Việc sửa chữa tàu ở Đá Tây hết sức quan trọng. Đây là khu vực nằm cách xa bờ, tàu bè ra đây chỉ cần hư hỏng nhỏ nếu không có nơi sửa chữa sẽ phải kéo về bờ hoặc kéo về các đảo nằm cách chỗ đó rất xa. Lúc đó chuyến đi biển coi như trắng tay, ngư dân sẽ thua lỗ nặng”, ông Sơn nói.
'Mái nhà' cho ngư dân  giữa Trường Sa - ảnh 2

“Sói biển” Mai Khả Dục

Gặp “sói biển” cứu tàu ở Đá Tây
Một niềm vui khi tới đảo Đá Tây là được gặp lại người có biệt danh “bác sĩ” hay “sói biển” Mai Khả Dục. Ông Dục quê ở Nga Sơn (Thanh Hoá), từng là cựu binh, năm nay 47 tuổi nhưng có hơn 25 năm thâm niên ở Trường Sa. Hiện ông thuộc biên chế của trung tâm hậu cần nghề cá đảo Đá Tây.
Ít người biết rằng sau khi xuất ngũ, về quê ông Dục từng làm việc ở Sở Thuỷ sản Thanh Hoá nhưng rồi nỗi nhớ biển cồn cào khiến ông viết đơn tình nguyện xin ra Trường Sa.
Hơn 25 năm gắn bó với nắng gió Trường Sa nên nhìn bề ngoài ông Dục già hơn tuổi, tóc lại điểm bạc. Những người ở trung tâm hậu cần nghề cá đảo Đá Tây kể do suốt ngày sửa chữa ở khoang máy tàu nên người ông Dục lúc nào cũng lem luốc dầu nhớt, mặt đen nhẻm và hai bàn tay chai sần. Nhưng có một điều ở ngư trường Đá Tây, chỉ cần nhắc tới biệt danh Dục “bác sĩ” hay Dục “sói biển” là ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận… ai cũng biết. Bởi phần lớn tàu biển của ngư dân đánh bắt ở biển Trường Sa đều được ông Dục sửa chữa ít nhất một lần dù đó là hỏng hóc lớn hay nhỏ.
'Mái nhà' cho ngư dân  giữa Trường Sa - ảnh 3

TIN LIÊN QUAN

Lo ngại lấn biển Mũi Né làm trung tâm du lịch

UBND tỉnh Bình Thuận vừa phê duyệt dự án “Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến – Mũi Né” với diện tích 198 ha, tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn lên tới gần 10.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Năm – chủ tàu đánh cá ở Phú Yên đang neo trú ở đảo Đá Tây, kể cách đây hơn 3 năm, tàu của ông đang đánh bắt cá ngừ ở gần khu vực Đá Tây thì bị hỏng máy. Tàu vừa vượt mấy trăm hải lý ra Trường Sa, chưa câu được con nào mà phải quay về bờ thì coi như lỗ nặng. “Cũng may lúc đó tôi nhớ tới Đá Tây, nhớ tới anh Dục nên nhờ tàu bạn đi cùng kéo vào đây. Chỉ nửa ngày hì hục trên tàu anh Dục sửa ngon ơ. Tụi tui phấn khởi lại băng ra biển đánh bắt mấy tuần lãi mấy trăm triệu đồng. Cứ nhớ mãi ơn của anh Dục mà gặp lại ảnh coi như không có chuyện gì”, ông Năm kể.
Hỏi hơn 25 năm cứu tàu, sửa chữa tàu ở Trường Sa ấn tượng với ca cứu tàu nào nhất, ông Dục nhớ lại: Ấn tượng nhất là đêm cứu hộ tàu mưa bão mịt mùng đúng ngày thành lập QĐND VN cách đây 6 năm. Đêm ấy, tổ sửa máy vui văn nghệ mừng ngày thành lập quân đội.
Đến rạng sáng, ông nhận được tín hiệu cấp cứu của một tàu ngư dân phía bắc đảo Đá Tây. Giữa đêm tối mịt mùng sóng gió giật cấp 9, ông cho tàu cơ động về vị trí cấp cứu. Tàu cá của ngư dân bị vỡ lốc máy, nước tràn vào khoang giữa, nguy cơ chìm. Không do dự, miệng ngậm đèn pin, ông lao luôn xuống hầm máy sửa chữa. Sau mấy giờ hì hục, tiếng máy tàu giòn giã vang lên trong sự vỡ oà niềm vui của mọi người.
“Hồi đó cơ sở ở trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây còn nghèo nàn. Có khi biết tàu bị hư nhưng mình không đủ trang thiết bị nên lực bất tòng tâm. Có lúc rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh tàu ngư dân vượt sóng hàng trăm hải lý ra đây bị hư nên phải kéo vào bờ. Còn giờ đây có một âu tàu vững chãi, đủ trang thiết bị sửa chữa thì nơi đây như một mái nhà cho ngư dân ở biển khơi”, ông Dục vừa dõi mắt nhìn ra âu tàu và tin tưởng nói.

 

Trung Hiếu