05/11/2024

Đất, nước, biển và hành trình đất thiêng

Hành trình “Đất thiêng gửi Trường Sa” của những thùng đất từ ba miền đất nước, đi bằng đường bộ, đường hàng không rồi đưa xuống tàu HQ996 vượt hàng trăm hải lý ra Trường Sa là một trải nghiệm đầy xúc động.

 

Đất, nước, biển và hành trình đất thiêng

Hành trình “Đất thiêng gửi Trường Sa” của những thùng đất từ ba miền đất nước, đi bằng đường bộ, đường hàng không rồi đưa xuống tàu HQ996 vượt hàng trăm hải lý ra Trường Sa là một trải nghiệm đầy xúc động.

 

 

 

Đất, nước, biển và hành trình đất thiêng
“Đất thiêng gửi Trường Sa” ra đảo Phan Vinh – Ảnh: Hữu Khoa

Nhưng phải đến khi chứng kiến sự gian khó, trang trọng của việc chuyển những thùng đất ấy từ tàu HQ996 xuống những chiếc xuồng CQ để vào đảo, trong sóng biển nhồi lắc dữ dội mới cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa của “Hồn đất quê nhà gửi Trường Sa”.

Mỗi cây xanh là một tượng đài

Đất thiêng khi đến Trường Sa được chọn từ mỗi nơi một nắm, đặt vào bốn chiếc hộp bằng đồng để đưa vào đền thờ ở hai ngôi chùa trên đảo Trường Sa Lớn và chùa Vinh Phúc (đảo Phan Vinh).

Phần đất còn lại được dành để trộn vào cát san hô, hoà trong buổi lễ trồng cây của chương trình “Trường Sa xanh” trên các đảo.

“Đất thiêng gửi Trường Sa” càng ý nghĩa hơn khi đất của mỗi vùng miền được chính những con người đang sống, làm nhiệm vụ ngay trên chính vùng đất – có mặt trong đoàn hành trình – tự tay vốc nắm đất máu thịt quê hương vun bồi cho những gốc cây vừa trồng xuống đảo nhỏ giữa trùng dương.

Phan Vinh là hòn đảo đầu tiên của ước nguyện phủ xanh Trường Sa. Thượng tá Phạm Ngọc Thuỷ – chính trị viên đồn biên phòng Lũng Cú (Hà Giang), khách mời của báo Tuổi Trẻ trong đoàn hành trình – tự tay vốc từng nắm đất đỏ au được lấy ngay cột cờ quốc gia Lũng Cú đặt vào gốc cây.

Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông Vừ A Bằng trang trọng mở vali đựng đất từ đồi A1 (Điện Biên Phủ) ông mang theo hoà cùng đất đảo Phan Vinh. Chị Tuyết Anh – thành viên của đoàn, quê ở Củ Chi – tự mình vun đất Củ Chi cho những mầm xanh vừa đặt xuống…

Nhìn màu đất từ nhiều vùng đất nước vượt trùng dương ra tới đây: màu đỏ đất cực Bắc, màu vàng của đất Trường Sơn, màu nâu bóng của bùn non đất Mũi… tất cả hoà trộn vào trong màu trắng tinh khôi mịn màng của những lớp cát san hô trên đảo, lòng cứ rưng rưng.

Ở đất liền, mỗi cây xanh mọc lên là điều hiển nhiên. Nhưng trên những đảo nhỏ giữa đại dương này, mỗi cây xanh lớn lên và toả bóng đều mang dáng vẻ của một tượng đài can trường nơi đầu sóng.

Trong mao mạch của cây sẽ thấm đẫm nhựa sống chắt chiu từ những nắm đất thiêng. Trong màu xanh của tán lá mai này sẽ có bóng cây của núi rừng Trường Sơn, của bần đước Cà Mau hiển hiện.

Đất, nước, biển và hành trình đất thiêng
Trồng cây xanh trên đảo Phan Vinh – Ảnh: Hữu Khoa

Từ chiếc pông tông đến nhà giàn hiện đại

Nói về niềm tin ở Trường Sa và nhà giàn DK1, không gì ấn tượng hơn khi nhìn vào gương mặt những người lính.

“Đất liền cứ yên tâm ở chúng tôi” là câu nói của những người lính. Yên tâm không chỉ vì tinh thần quật cường của lính, yên tâm bởi cứ mỗi lần trở lại Trường Sa thấy đời sống vật chất và tinh thần của chiến sĩ được nâng cao thấy rõ.

Chuyến đi của chúng tôi ra đây gần 10 năm trước, dễ thấy ở đâu cũng có những khẩu hiệu kẻ lên những bể nước và vườn rau: “Nước là Máu – Rau là Thuốc”.

Bây giờ hai nỗi khó khăn về nước và rau ấy cơ bản đã ổn định. Hình ảnh ấn tượng nhất, đầy sức gợi về Trường Sa và nhà giàn DK1 hôm qua và hôm nay chính là hình ảnh cái pông tông chứng tích ở điểm đảo Thuyền Chài C và một nhà giàn thế hệ mới DK1/2 kiên cố trên thềm lục địa ở bãi Phúc Tần.

Chúng tôi ngắm nhìn rất lâu cái pông tông đã gỉ sét, im lặng nằm trên bãi san hô vây quanh điểm đảo Thuyền Chài C.

Đúng 30 năm trước – năm 1987, để xác lập chủ quyền trên quần đảo Trường Sa cùng với nhiều điểm đảo khác, chiếc pông tông này được đưa ra đây cắm neo trên lớp san hô của bãi Thuyền Chài.

Giữa mênh mông sóng nước, những tấm bạt căng ra trên sàn pông tông là nơi ăn ở, sinh hoạt và chiến đấu của một nhóm 5 chiến sĩ và cán bộ khoa học, thiết lập chủ quyền bằng lá cờ đỏ sao vàng ngày ngày tung bay trên bãi.

Bây giờ chỉ riêng điểm đảo Thuyền Chài C đã mọc lên ba cụm nhà vững vàng và hiện đại, như một công sự của đất nước cắm giữa đại dương.

Cũng như thế, 8 năm trước, khi thực hiện loạt bài nhân 20 năm ngày thành lập Trạm nghiên cứu khoa học kỹ thuật và dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là DK1), chúng tôi không thể hình dung có một ngày sẽ đặt chân lên những nhà giàn hiện đại như DK1/2 ở bãi Phúc Tần.

Khởi thủy của những nhà giàn bề thế hôm nay cũng chỉ là những chiếc pông tông như chúng tôi đã gặp ở điểm đảo Thuyền Chài C.

Từ chiếc pông tông đến những nhà giàn bền vững, những nhà giàn thế hệ mới, đó không chỉ là công trình vệ quốc. Đó chính là niềm tin thiêng liêng mà Tổ quốc đặt trên vai những người lính, những cán bộ khoa học. Và tin yêu đó cũng gieo mầm trong chúng tôi – những thành viên hành trình “Đất thiêng gửi Trường Sa”, của những người mong ngóng từ đất liền.

Từ Cà Mau đến Lũng Cú, từ dải Trường Sơn đến quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, mấy nghìn năm qua có mảnh đất nào không thấm máu người Việt?

Tặng máy siêu âm cho bệnh xá đảo An Bang

Đất, nước, biển và hành trình đất thiêng
Đảo An Bang, nơi Tuổi Trẻ quyết định tặng một máy siêu âm cho bệnh xá trên đảo – Ảnh: Hữu Khoa

Trong chuyến đi này, đoàn công tác báo Tuổi Trẻ đã đến thăm, tặng hơn 100 phần quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở nhiều điểm đảo, nhà giàn như đảo Đá Lát, Trường Sa Lớn, Đá Tây B, Phan Vinh A, Tốc Tan A, Thuyền Chài C, An Bang và nhà giàn DK1/2 (bãi Phúc Tần).

Trong số hơn 100 phần quà trị giá hơn 250 triệu đồng có lương thực, thực phẩm, sách báo, quạt tích điện, tủ cấp đông, máy vi tính, máy bơm nước, tivi… kể cả tôngđơ cắt tóc, thùng tưới rau, hạt giống rau củ quả, vợt cầu lông cho sinh hoạt cá nhân của cán bộ, chiến sĩ.

Đặc biệt tại đảo An Bang, khi nghe trung tá Phạm Văn Lợi – trực chỉ huy đảo – cho biết bệnh xá đảo này đang rất cần một máy siêu âm để phục vụ khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng như bà con ngư dân, báo Tuổi Trẻ đã quyết định nhanh sẽ mua tặng bệnh xá An Bang một máy siêu âm phù hợp với việc khám, chữa bệnh trên đảo.

Cũng trong chuyến đi này, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Quân chủng hải quân, Bệnh viện Quân y 175 chuyển 450 bao phân vi sinh và hơn 1.000 cây xanh các loại như: bàng vuông, tra, dương… để trồng trên các đảo Trường Sa Lớn, Phan Vinh, Đá Tây A nhằm góp phần phủ xanh Trường Sa.

KHƯƠNG XUÂN


LÊ ĐỨC DỤC – ĐÀ TRANG – MINH LUẬN