Mùa hè trẻ em phải được vui chơi!
“Học sinh chỉ vui chơi và nghỉ ngơi, có học chỉ nhẹ nhàng theo hướng trải nghiệm thực tế. Các em có thể ôn tập ngoại ngữ, rèn chữ đẹp…” là quan điểm của ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, về tổ chức hoạt động hè 2017 trong nhà trường.
Mùa hè trẻ em phải được vui chơi!
“Học sinh chỉ vui chơi và nghỉ ngơi, có học chỉ nhẹ nhàng theo hướng trải nghiệm thực tế. Các em có thể ôn tập ngoại ngữ, rèn chữ đẹp…” là quan điểm của ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, về tổ chức hoạt động hè 2017 trong nhà trường.
Một buổi sinh hoạt hè 2016 của học sinh Trường tiểu học Châu Văn Liêm, Q.6, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Theo ông Hiếu: “Trên thực tế, nhiều học sinh vẫn phải đi học văn hóa khi hè đến. Sở GD-ĐT TP vừa có đợt kiểm tra tình hình giảng dạy ở các trường trung học. Trong đó có trường thực hiện việc dạy văn hoá cho học sinh khối 12 từ 7h sáng đến 21h. Thời khóa biểu đều đặn từ đầu năm đến nay là sáng, chiều: học; tối: dò bài”.
Cương quyết thực hiện
Trong khi đó, thời điểm này nhiều trường trung học trên địa bàn TP đã lên kế hoạch dạy văn hóa trong hè từ giữa tháng 6. Có trường trễ hơn thì đầu tháng 7 hoặc giữa tháng 7 là nhận học sinh vào học hè.
Ngày 23-5, Sở GD-ĐT TP đã có văn bản đề nghị các trường trung học lên kế hoạch cho học sinh tại đơn vị tham gia hoạt động hè trên tinh thần học sinh được nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động văn thể mỹ, tăng cường rèn luyện các kỹ năng sống, các trải nghiệm thực tiễn, các hoạt động xã hội, tham gia các câu lạc bộ văn học nghệ thuật, câu lạc bộ ngoại ngữ, câu lạc bộ khoa học kỹ thuật…
Ngoài ra, các trường sẽ mở cửa trường, mở cửa thư viện và các cơ sở vật chất khác để hỗ trợ học sinh đọc sách, hoạt động thể dục thể thao, vui chơi; tham gia các sinh hoạt câu lạc bộ đội, nhóm, các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống.
Đồng thời, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu nhà trường không tổ chức dạy học, ôn tập văn hoá trong hè. Ngay cả trung tâm dạy thêm, học thêm trong nhà trường cũng không được dạy thêm trước những nội dung giáo dục phổ thông chính khoá. Riêng các trường ngoài công lập chỉ được tập trung học sinh và tổ chức dạy học ôn tập trong vòng một tháng trước ngày tựu trường và không được thu học phí.
Ông Hiếu khẳng định: “Quy định các trường không được dạy văn hoá, không dạy trước chương trình chính khóa cho học sinh trong hè… đã có từ lâu. Năm nay, TP sẽ kiên quyết thực hiện quy định này”.
Phụ huynh phải cộng tác
Trước thông tin trên, nhiều trường trung học ở vùng ven, ngoại thành lo ngại sẽ không thể tổ chức được chương trình hè như chỉ đạo của sở vì thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất, chưa kể đội ngũ giáo viên cũng khó có thể đảm đương.
Không những thế, một giáo viên ở quận 10 còn đặt nghi vấn: “Trường tổ chức các hoạt động đúng nghĩa theo dạng cho học sinh trải nghiệm thì chắc chắn phải thu phí. Mà chắc gì phụ huynh đã chịu đóng tiền cho con em họ đi sinh hoạt hè.
Nhiều bậc cha mẹ vẫn còn in sâu lối suy nghĩ: đóng tiền cho con đi học văn hoá trong hè sẽ thấy ngay lợi ích trước mắt. Khi vào năm học mới, con em họ học giỏi hơn, điểm cao hơn, cuối cấp thi đậu vào trường mà phụ huynh mong muốn. Còn đóng tiền để chơi hè? Phải coi lại”.
Ông Phạm Ngọc Tiến, phó trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP, nêu ý kiến: “Đúng là cái gì mới sẽ khó. Nhưng trước sau gì nhà trường cũng sẽ phải thực hiện, giáo viên cũng sẽ phải làm quen và thích nghi. Vì mô hình “hoạt động hè” sẽ phổ biến trong thời gian tới như một xu hướng chung, không thể cưỡng lại được.
Tôi được biết đến nay đã có một số trường công lập tự lên kế hoạch tổ chức hoạt động hè rất tốt, chứ không phải tất cả đều khó khăn. Đương nhiên những năm đầu nhà trường phải đầu tư công sức, trí tuệ, thời gian và đặc biệt phải “liệu cơm gắp mắm” – tuỳ theo điều kiện của trường mình mà tổ chức hoạt động hè cho phù hợp”.
Ông Tiến cũng thừa nhận: “Khó khăn không phải từ phía nhà trường, mà chính là quan điểm của phụ huynh. Thực tế đã cho thấy: đa số trường hợp học thêm do phụ huynh yêu cầu con em mình phải đi học.
Tuy nhiên, hiện tại áp lực thi cử đã không còn nặng nề như xưa. Như kỳ thi tuyển sinh lớp 10: nhiều năm nay sở đã có định hướng ra đề theo hướng yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống, chứ không nhằm kiểm tra kiến thức 100% như trước. Ở kỳ thi THPT quốc gia, mặc dù nội dung đề thi vẫn là những kiến thức hàn lâm, nhưng Bộ GD-ĐT đã cải tiến khá nhiều, độ khó của nhiều câu hỏi đã giảm hơn so với những năm trước.
Về khía cạnh này, tôi cho rằng nhà trường cần thuyết phục phụ huynh bằng chính con em họ: học sinh năng động, hoạt bát, vui tươi hơn, khoẻ mạnh hơn, có được một số kỹ năng sống… khi tham gia hoạt động hè thì phụ huynh sẽ ủng hộ. Chưa kể đối với đại đa số học sinh, hè không phải đi học văn hoá là các em vui rồi”.
Tạo đà cho năm học tới Sở khuyến khích các trường trung học, tiểu học đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống, xây dựng các câu lạc bộ về khoa học kỹ thuật, văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao, cho học sinh được trải nghiệm với thực tiễn trong hè… Mục tiêu của hoạt động hè năm nay là tạo nếp và tạo đà cho năm học tới để TP có thể đào tạo nên một thế hệ học sinh năng động, có cơ hội được phát triển toàn diện. Tôi lấy ví dụ: Đến thời điểm này, nhiều trường đã lên kế hoạch dạy bơi, chống đuối nước cho học sinh; nhiều trường lên kế hoạch dạy văn nhưng lồng ghép, cho học sinh tiếp cận với xã hội để ghi lại những điều các em cảm nhận; những em khá hơn thì có thể viết truyện, kịch bản phim… Có trường dạy vật lý thì cho học sinh trải nghiệm với những bài toán thực tế như: đo thể tích hồ bơi, đo chiều cao của toà nhà… |
Tính hướng đi khác cho học sinh yếu “Tôi biết một số trường tư thục lo lắng về việc không được dạy trước chương trình chính khoá trong hè thì học sinh khối 12 sẽ khó tốt nghiệp THPT, do đầu vào có những học sinh quá yếu. Tuy nhiên đã hai năm nay Sở GD-ĐT TP đã không công bố tỉ lệ tốt nghiệp THPT của các trường và cũng không dùng tỉ lệ này để đánh giá chất lượng giáo dục của các trường. Chúng tôi đánh giá trên cơ sở so sánh đầu vào – đầu ra của mỗi trường và các hoạt động giáo dục của trường đó. Đối với những học sinh quá yếu, tôi nghĩ nhà trường nên khuyến cáo và tư vấn cho các em chọn một con đường khác phù hợp hơn, như học nghề chẳng hạn – thay vì học văn hoá. Đừng cố gắng “kéo” các em vào con đường học văn hoá, rất vất vả cho các em và thầy cô đứng lớp”. |