29/11/2024

‘Lớp học’ đặc biệt trên đường phố

Sài Gòn nắng như nung, xe cộ như nêm nhưng trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5) có “lớp học” đặc biệt chỉ có 2 thầy trò đội nắng mưa để dạy và học con chữ.

 

‘Lớp học’ đặc biệt trên đường phố

Sài Gòn nắng như nung, xe cộ như nêm nhưng trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5) có “lớp học” đặc biệt chỉ có 2 thầy trò đội nắng mưa để dạy và học con chữ.



Hai thầy trò cùng tên Tú ở “lớp học” đặc biệt 	 /// Ảnh: Đăng Nguyên

 

Hai thầy trò cùng tên Tú ở “lớp học” đặc biệtẢNH: ĐĂNG NGUYÊN

Đó là câu chuyện của 2 người tên Tú: anh Lê Hà Tú (27 tuổi, TP.HCM) và bé Bùi Ngọc Tú (9 tuổi, TP.Huế). Thầy là một nhân viên ngân hàng và trò là cô bé bán vé số chưa một lần đến trường.
“Lớp học” giữa trưa
 
 
Hai chị em Tú được nhận vào học bổ túc văn hoá
Ông Quách Trung Hiếu, Bí thư Quận đoàn 5, cho biết: Quận đoàn đã tìm được một chỗ học bổ túc văn hoá cho hai chị em bé Tú học 5 buổi/tuần. Quận đoàn hỗ trợ học phí và dự định vận động tặng hai chị em một chiếc xe đạp để có điều kiện chở nhau đi học.
 

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tú được cả gia đình đưa từ Huế vào TP.HCM bán vé số. Ba mẹ xuống tỉnh Bình Dương làm công nhân, hai chị em Tú cùng bà nội ở lại thành phố kiếm sống.

Còn Tú, vào những giờ nghỉ trưa, anh thường ngồi cà phê vỉa hè trước trụ sở ngân hàng, nơi anh làm việc. Trẻ em kiếm sống ở đường phố là chuyện thường tình ở cái thành phố đông đúc, sôi động này nên ngay từ đầu, thấy bé Tú bán vé số, anh Tú vẫn thấy bình thường. Anh còn nghĩ, đó là những đứa trẻ bị lợi dụng. Dần dà, cái duyên “thầy trò” đã gặp nhau. “Nhìn em bán vé số mà tung tăng nô đùa, ngày nào cũng hớn ha hớn hở, bán vé số như đi chơi, đưa tay chìa xấp vé số rồi lại nhảy múa. Ở em không có sự tha thiết năn nỉ mời khách, khuôn mặt lại không hề mệt mỏi, ủ rũ như những đứa trẻ đường phố khác. Thế là tôi ấn tượng và bắt chuyện”, anh Tú nhớ lại.
Suốt cả tháng, anh Tú mua cơm cho bé ăn. Anh vui cười: “Bé rất lém, cơm mua cho thì nhận, hỏi về mình thì dứt khoát không nói. Một tháng sau khi tiếp chuyện, tôi mới biết gia cảnh của em, hỏi em ở đâu, em không biết! Tôi có bảo em nhìn bảng đường đọc địa chỉ, mới phát hiện bé không biết chữ. Thế là từ đó, tôi nảy ý nghĩ phải dạy chữ cho em”.
Là nhân viên thuộc bộ phận tiếp thị của một ngân hàng, cũng nhiều áp lực nên anh chỉ tranh thủ được nửa tiếng trong giờ nghỉ trưa. Anh chia sẻ:
“12 giờ vào lớp, dạy nửa tiếng tôi đi ăn trưa để kịp vào việc tiếp. Trời nắng to, phải che dù. Tôi có bảo em vô trong sảnh cơ quan mình cho mát, nhưng em không chịu vì vào đó học thì không bán được vé số. Công việc áp lực, nắng nôi nhưng nghĩ bé chừng đó tuổi ngồi học được, tại sao mình lại không? Thế là 8 tháng qua, thầy trò đội cả nắng mưa…”.

“Con vui vì được đi học”…

Được ba mẹ cho ăn học để có công việc như hôm nay, anh Tú tin chắc vào sự học mới giúp thoát khỏi cảnh đói nghèo. Anh thật lòng cho biết: “Bé nghèo nên mới không đi học, mình mua giúp cho em vài tờ vé số thì chỉ giải quyết khó khăn tức thời. Dạy em học, em biết chữ mới giúp em lâu dài, vì đơn giản học mới thoát nghèo”.
Bài học đầu tiên, anh dạy về những thanh điệu trong tiếng Việt. Thật khó khăn vì bé Tú chỉ thích học vẽ, học tô màu. Anh kết hợp cả hai cho bé, tạo niềm hứng thú… trong buổi học vỡ lòng.
Động lực của anh chính là sự ham học của bé Tú. Dù mưa hay nắng, gần 12 giờ là em có mặt trước ngân hàng, hôm nào anh xuống muộn, em thắc thỏm ngóng tin.
Da nhuốm màu nắng, đôi mắt long lanh, bé Tú nói: “Con vui vì được đi học. Ban đầu con gọi chú, nhưng bà nội con bảo, ai dạy chữ cho mình thì gọi là thầy. Con rất thương thầy và chỉ muốn sau này thầy dạy cho con mãi”.
Đôi tất nhuốm bụi bặm, đôi dép hồng có hình Hello Kitty như sở thích của bao đứa trẻ nhưng cũ xì, đen nhẻm, quần áo cũ, chiếc mũ sùm sụp… nhưng đôi mắt bé lém lỉnh vẫn dõi theo từng con chữ. Bé Tú ngồi học, bà và chị đứng chờ. Rồi “thầy” Tú vào công sở, 3 người lại sấp ngửa ngược xuôi để chờ đến 12 giờ hôm sau.

 

Đăng Nguyên – Thảo Thương