29/11/2024

Thêm tiếng nói công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Toà án quốc tế khẳng định Monsanto phải chịu trách nhiệm về chất độc da cam tại Việt Nam nhưng tập đoàn này vẫn ngoan cố chối bỏ.

 

Thêm tiếng nói công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

 

Toà án quốc tế khẳng định Monsanto phải chịu trách nhiệm về chất độc da cam tại Việt Nam nhưng tập đoàn này vẫn ngoan cố chối bỏ.




Một cuộc tuần hành của cựu binh Mỹ yêu cầu bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam Mỹ lẫn VN  /// Ảnh: Veterans for Peace

 

Một cuộc tuần hành của cựu binh Mỹ yêu cầu bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam Mỹ lẫn VNẢNH: VETERANS FOR PEACE

 

Sau cuộc điều tra kéo dài 6 tháng, Tòa án Quốc tế về Monsanto tại TP.The Hague (Hà Lan) ngày 18.4 kết luận Tập đoàn Monsanto (Mỹ) gây tổn hại môi trường, phạm tội ác “diệt chủng thiên nhiên” và tội ác chiến tranh vì sản xuất cũng như cung cấp cho quân đội Mỹ chất độc da cam/dioxin thời chiến tranh VN.
Dù kết luận này không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng đây là bản án rõ ràng về trách nhiệm của Monsanto.
“Đây là một thực tế khách quan về hậu quả chiến tranh nặng nề tại VN, nhất là do tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam đã được sử dụng. Đề nghị Monsanto tôn trọng kiến nghị tham vấn của tòa án và sớm có những hành động thiết thực góp phần giải quyết hậu quả do chất độc da cam/dioxin để lại”, TTXVN dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Tập đoàn Monsanto là một trong 8 công ty ký hợp đồng tổng trị giá 57 triệu USD với Lầu Năm Góc nhằm cung cấp chất diệt cỏ và làm rụng lá – còn gọi là chất độc da cam chứa hoá chất cực độc dioxin – cho quân đội Mỹ thực hiện chiến dịch Ranch Hand ở VN.
Trong giai đoạn 1961 – 1971, có đến 45 triệu lít chất độc da cam được rải xuống, khiến khoảng 4,8 triệu thường dân VN bị phơi nhiễm dioxin. Số liệu thống kê cho thấy 4 triệu người VN nhiễm độc, 500.000 trẻ em sinh ra bị dị tật và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến thế hệ thứ 3 và 4 do dioxin vẫn còn ngấm sâu trong đất.
Bên cạnh đó, theo AFP, Toà án Quốc tế về Monsanto cũng khuyến nghị các nhà lập pháp thế giới cần sớm xem xét luật hoá tội ác “diệt chủng thiên nhiên” và huỷ hoại môi trường. Thông cáo của toà cho rằng nếu tội “diệt chủng thiên nhiên” được đưa vào hệ thống luật quốc tế thì vấn đề chất độc da cam có thể thuộc phạm vi phán xử của Toà Hình sự quốc tế (ICC).
Thêm tiếng nói công lý cho nạn nhân chất độc da cam1

Người nước ngoài xem triển lãm về hậu quả của chất độc da cam tại VNẢNH: GIA KHIÊM

Chối bỏ trách nhiệm
Phản ứng trước kết luận nói trên, người phát ngôn của Monsanto Charla Lord tuyên bố toà án do các nhà hoạt động “chống công nghệ mới trong nông nghiệp” và “chống Monsanto” dựng lên. Trong nhiều thập niên qua, tập đoàn này luôn tìm mọi cách để phủ nhận vai trò của mình về những di hoạ tàn khốc của nó, bất chấp lời kêu gọi lương tri từ VN và cộng đồng quốc tế.
 
 
Vào năm 1964, thượng nghị sĩ Robert Kastenmeier yêu cầu chính phủ từ bỏ “vũ khí hóa học” ở chiến trường VN vì gây tổn hại thanh danh nước Mỹ, nhưng chính quyền Washington bác bỏ ý kiến này. Ngay sau đó, Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo VN đang trở thành phòng thí nghiệm vũ khí hoá học và hơn 5.000 nhà khoa học ký tên vào kiến nghị phản đối sử dụng vũ khí hoá học và sinh học ở VN.
 

Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam VN khởi kiện Monsanto và một số công ty hoá chất khác tại New York. Thụ lý vụ kiện là thẩm phán Jack Weinstein. Hồi năm 1984, ông này từng chủ toạ phiên toà phân xử giữa các công ty hoá chất Mỹ và những cựu binh từng tham chiến ở VN về hậu quả của chất độc da cam.

Khi đó, Monsanto và các bị đơn khác đồng ý bồi thường 180 triệu USD trong thời gian 12 năm. Thế nhưng đến năm 2004, chính thẩm phán Weinstein lại đứng về phía các công ty hóa chất Mỹ khi cho rằng bản thân việc cung cấp chất độc da cam cho quân đội không cấu thành tội ác chiến tranh.
Do vậy, toà án Mỹ bác bỏ đơn kiện từ phía VN. Sau khi có phán quyết bất công này, người phát ngôn của Monsanto, ông Jill Montgomery tuyên bố tập đoàn “không chịu trách nhiệm” đối với bất kỳ thương tật hay cái chết nào do chất độc da cam gây ra. “Chúng tôi thông cảm với những người tin rằng họ bị ảnh hưởng, nhưng các chứng cứ khoa học khẳng định nó không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người”, ông Montgomery ngang nhiên nói.
Đến năm 2009, một toà án quốc tế được thiết lập tại thủ đô Paris của Pháp để giải quyết vấn đề liên quan đến chất độc da cam và nạn nhân VN, nhưng cả chính phủ Mỹ lẫn Monsanto đều từ chối xuất hiện.
Giới chuyên gia cho rằng chính phán quyết của thẩm phán Weinstein đã chống lưng cho Monsanto chối bỏ trách nhiệm bồi thường cho người dân VN.
Ông Len Aldis, nhà hoạt động xã hội người Anh đã dành hơn 20 năm đấu tranh cho các nạn nhân chất độc da cam VN, đã luôn đặt câu hỏi về sự bất công này lúc sinh thời (ông qua đời vào năm 2016 – NV): “Tại sao cùng một vụ kiện, cùng một bị đơn là Monsanto và các công ty hoá chất, bên nguyên đơn cũng chịu những dị tật từ chính chất độc da cam lại không được bồi thường chỉ vì họ là người VN? Phải chăng phía Mỹ e là nếu buộc Monsanto và các công ty hoá chất bồi thường, ngay cả chính phủ Mỹ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới và kéo theo hàng loạt vụ kiện khác?”.
Sự bất công đối với các nạn nhân không dừng lại ở đó. Trong khi Mỹ vẫn chưa chịu thừa nhận trách nhiệm đối với những hậu quả của chất độc da cam đối với người VN, chính phủ nước này vẫn đang tiếp tục công nhận hàng loạt biểu hiện, căn bệnh và con số thương vong “được cho là” có liên quan đến chất độc da cam của cựu binh từng tham chiến tại VN.
Trong một bài viết cho Thanh Niên trước đây, nhà báo Mỹ Calvin Godfrey đúc kết vấn đề bằng câu hỏi tu từ: “Tại sao lại có cách đối xử khác nhau đối với các nạn nhân của cùng một loại hóa chất chết người?”.
Thêm tiếng nói công lý cho nạn nhân chất độc da cam 2

Máy bay UC-123 rải chất độc da cam tại VNẢNH: US AIR FORCE

“Tiến sĩ Cam”
Năm 2016, quốc hội Mỹ phân bổ 7 triệu USD cho chương trình viện trợ y tế và người khuyết tật ở VN, nhưng các nhà hoạt động xã hội và cựu binh Mỹ cho rằng số tiền hỗ trợ không thấm vào đâu so với hậu quả đau lòng mà các nạn nhân gánh chịu hàng chục năm qua. “Chúng tôi không có bằng chứng khoa học rõ ràng kết luận mối liên hệ giữa dioxin và khuyết tật. Nhưng Mỹ thừa nhận rằng những hành động của chúng tôi có thể gây ra những ảnh hưởng ngoài ý muốn”, ông Tim Rieser, cố vấn chính sách ngoại giao lâu năm cho Chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ Patrick Leahy, nói với tờ The Washington Post.
Trong khi đó, Monsanto hiện tìm cách trốn tránh bằng tuyên bố tập đoàn hoàn toàn tập trung vào nông nghiệp và việc sản xuất chất độc da cam chỉ là làm theo đơn đặt hàng của chính phủ. Tuy nhiên, báo cáo điều tra gần đây của tổ chức phi lợi nhuận ProPublica (Mỹ) cho thấy Monsanto cùng Công ty hóa chất Dow Chemical đã từ rất lâu luôn tài trợ cho nghiên cứu của một “nhà khoa học” tên Alvin L.Young nhằm chối bỏ sự thật về hậu quả do chất độc da cam gây ra. Được mệnh danh là “Tiến sĩ Cam”, ông này phản bác tất cả các nghiên cứu chỉ ra tác hại khủng khiếp của dioxin đối với con người và môi trường.
Năm 2006, ông Young viết “báo cáo lịch sử” 81 trang về chất độc da cam, với kết luận rằng “bất kỳ cá nhân nào vào khu vực mới bị phun thuốc một ngày không thể phơi nhiễm dioxin” (?!) và dẫn lại các kết quả nghiên cứu chính mình thực hiện 2 năm trước. “Tiến sĩ Cam” sau đó thừa nhận đã nhận tiền của Dow Chemical và Monsanto để thực hiện nghiên cứu, nhưng khẳng định kết quả “khách quan và trung thực”. Lầu Năm Góc thậm chí còn thuê ông Young viết một quyển sách tư liệu về lịch sử dùng thuốc diệt cỏ và làm rụng lá của quân đội Mỹ xuất bản năm 2009.
Ngày 1.5, cựu binh Mỹ trở về từ Iraq Colt Romberger, 32 tuổi, bắt đầu hành trình cưỡi ngựa 5.000 km từ TP.Santa Monica, bang California đến thủ đô Washington, nhằm tăng cường ý thức cộng đồng về hậu quả của chất độc da cam. Cha của Romberger từng tham chiến tại VN và qua đời vào năm 2015 do ảnh hưởng dioxin, theo Đài ABC.
Trong hành trình gần như băng ngang lãnh thổ Mỹ, Romberger cưỡi ngựa đi qua các thành phố lớn, sa mạc, dãy núi và thảo nguyên. Tại mỗi điểm dừng chân, anh kỳ vọng có thể kêu gọi quyên góp tiền cho quỹ hỗ trợ cựu binh do anh thành lập cũng như tuyên truyền về chất độc da cam.
“Tôi không cầm được nước mắt khi nghe những câu chuyện về dioxin”, Romberger tâm sự. Anh kể thêm rằng một cựu binh ở TP.Norfolk gửi 200 USD tiền hỗ trợ cho chuyến đi, nhưng khi Romberger gọi điện thoại để cảm ơn thì ông đã qua đời, cũng vì di chứng của chất độc da cam.


 

Phúc Duy – Tuấn Phạm