29/11/2024

Thầm lặng nghề vớt rác, vớt cả xác và cứu người trên kênh

Để có được những dòng kênh xanh giữa lòng TP.HCM, không thể không nói đến sự vất vả, nhọc nhằn của những người công nhân miệt mài vớt rác trên những dòng kênh.

 

Thầm lặng nghề vớt rác, vớt cả xác và cứu người trên kênh

Để có được những dòng kênh xanh giữa lòng TP.HCM, không thể không nói đến sự vất vả, nhọc nhằn của những người công nhân miệt mài vớt rác trên những dòng kênh.



Thầm lặng nghề vớt rác, vớt cả xác và cứu người trên kênh

Nhọc nhằn vớt rác
Mỗi ngày, đội công nhân vớt rác (thuộc Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM) làm sạch kênh Tân Hóa – Lò Gốm, Nhiêu Lộc – Thị Nghè vớt gần 10 tấn rác trên 2 tuyến kênh này. Với tổng chiều dài hơn 16 km (kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài 9 km, kênh Tân Hoá – Lò Gốm dài 7,5 km), để vớt hết rác trên 2 tuyến kênh trong ngày không phải là điều đơn giản.
Từ 5 giờ sáng, anh em công nhân đã tập trung ở đội tàu nằm ở Q.1, kiểm tra, chuẩn bị phương tiện cẩn thận rồi chia làm hai hướng bắt đầu đi vớt rác. Phải đi sớm, bởi càng muộn, nắng càng gay gắt, mùi hôi trên một số đoạn kênh càng nồng nặc, công việc vất vả hơn. Ròng rã suốt cả ngày trời, đến 18 – 19 giờ thì công việc mới tạm ổn. Rác dưới kênh sau khi vớt lên tàu, gom lại sẽ được tập trung về bến thuyền (Q.1); từ đó xe chở rác đến lấy đưa đến các bãi xử lý.
Anh Nguyễn Trí Hùng, công nhân đội vớt rác, tâm sự: “Làm việc này đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai mới chịu được. Hằng ngày phơi mình dưới nắng, mùi hôi từ rác, mùi tanh từ nước dưới kênh bốc lên, xộc vào mũi rất khó chịu nhưng anh em vẫn phải chịu đựng, tiếp xúc riết rồi quen”. Anh Hùng cho biết, bình thường vớt lục bình và những loại rác thông thường thì còn đỡ, những hôm đầu mùa mưa là cực nhất vì rác đủ thứ ở khắp nơi, trôi từ các cống dồn ra kênh, nước kênh cũng bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối rất khó chịu.
 
 
Thầm lặng nghề vớt rác, vớt cả xác và cứu người trên kênh - ảnh 2

Nhiều người nghĩ vớt rác là trách nhiệm của công nhân nên họ cứ vô tư xả xuống. Những lúc như vậy cũng buồn lắm, nhưng mình không thể để cho dòng kênh bị dơ bẩn được

Thầm lặng nghề vớt rác, vớt cả xác và cứu người trên kênh - ảnh 3
 

Anh Nguyễn Trí Hùng, công nhân đội vớt rác Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM

 

Ông Phan Ngọc Hải, Đội trưởng đội vớt rác, nhớ lại các đợt mưa đầu mùa năm 2016 làm nước kênh bị ô nhiễm nặng khiến cá chết hàng loạt, nổi trắng kênh và bốc mùi không tả nổi: “Sáng ra thấy cá nổi trắng, nhiều người vừa sốc, vừa buồn”. Đợt đó, mỗi ngày đội vớt rác phải chạy đi, chạy lại vớt hàng tấn cá chết.

Buồn nhất là ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường.
Anh Hùng kể, nhiều lúc vừa vớt rác xong, người dân lại vứt nguyên bịch rác xuống kênh, trôi lềnh bềnh ngay trước mặt các anh, buộc các anh phải quay tàu trở lại chỉ để nhặt một bịch rác. Đặc biệt là một số quán nhậu dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, rác từ các quán nhậu được âm thầm quẳng xuống kênh.
“Nhiều người nghĩ vớt rác là trách nhiệm của công nhân nên họ cứ vô tư xả xuống. Những lúc như vậy cũng buồn lắm, nhưng mình không thể để cho dòng kênh bị dơ bẩn được”, anh Hùng nói.
Vớt xác, cứu người
Trong suốt thời gian làm công nhân vớt rác, hai anh Nguyễn Trí Hùng, Trương Tiến Sĩ cũng không nhớ mình đã cứu sống được bao nhiêu người rơi xuống kênh. Có người bị té, cũng có người nhảy xuống kênh tự tử. Anh Sĩ nhớ lại cách đây vài tháng, mới hơn 3 giờ sáng, hai anh em đang kiểm tra tàu ở trạm thì nghe tiếng kêu thất thanh.
Kinh nghiệm cho biết đang có chuyện chẳng lành nên anh Hùng vội phóng tàu qua phía có tiếng la. Hai anh thấy bốn thanh niên, hai trai hai gái, đang lóp ngóp dưới dòng nước sâu. May mắn các anh cứu được cả bốn.
Hỏi chuyện thì ra tối hôm đó, hai đôi nam nữ ngồi trên bờ nói chuyện rồi xảy ra giận hờn. Một bạn nữ nhảy xuống kênh tự tử, ba người kia cũng vội lao theo cứu bạn nhưng khốn nỗi chẳng ai biết bơi. “Chỉ cần trễ vài phút nữa là có chuyện đau lòng rồi”, anh Sĩ bộc bạch. Sau khi được cứu lên bờ, cả bốn thanh niên vừa bàng hoàng, vừa xấu hổ bỏ đi một mạch, chẳng nói lời cảm ơn nào.
Cứu được người là chuyện vui, nhưng việc khiến công nhân vớt rác day dứt mãi là những khi phải vớt tử thi. Anh Hùng cho biết trong 2 năm gần đây, đội của anh đã vớt đến… 20 xác chết.
Anh Sĩ nhớ lại khi mới vào làm nghề, anh đã phải bỏ cơm mấy ngày sau lần đầu tiên vớt xác chết. Đó là một tử thi đã chết mấy ngày, đến khi xác nổi lên thì đã trương sình. Nhận được tin báo, anh Sĩ cùng vài đồng nghiệp đến đưa xác vào bờ rồi giao cho công an xử lý.
Cứ như vậy, lâu lâu lại có một xác chết nổi lên và các anh phải làm thêm công việc lẽ ra không phải của mình. “Riết rồi công nhân tụi tôi trở thành nhân viên cứu hộ bất đắc dĩ hồi nào không hay, nhưng đó là việc nên làm, dù có cứu được người hay vớt được xác thì bất cứ ai khi thấy cũng phải làm thôi à”, anh Hùng cười.
Cứu người là việc phải làm, vớt xác cũng không ngại nhưng điều mà các công nhân vớt rác cảm thấy bất an nhất là đụng phải những người câu cá trên kênh.
“Gặp người hiền thì đỡ chứ có hôm gặp phải kẻ dữ là có chuyện à”, anh Sĩ nói. Anh cho biết mỗi lần đi vớt rác, khi tàu chạy sát bờ, thấy dây câu của những người câu cá là phải né vì sợ bị gây chuyện. Anh Hùng nhớ lại có lần anh vớt rác, vướng vào dây câu của 2 thanh niên, họ liền gây chuyện và làm dữ. Khi tàu vớt rác về trạm, họ cũng không buông tha mà chạy theo tiếp tục gây chuyện.
“Nhìn những thanh niên xăm trổ đầy mình, hung dữ nên tôi phải ra xin lỗi thì họ mới thôi. Hôm trước, có một công nhân vớt rác bị nhóm người câu cá gây sự, ném nguyên cục đá to vào tàu”, ông Hải bức xúc.
“Những lúc như vậy, chúng tôi buồn lắm nhưng nhiệm vụ vẫn phải làm. Chỉ mong người dân có ý thức hơn và thành phố quyết liệt hơn nữa để chấm dứt tình trạng câu cá trên kênh, giữ sạch cho môi trường”, anh Hùng chia sẻ.
Vớt luôn cả đống ví
Trong đống rác vớt được, các công nhân cũng thấy rất nhiều… ví, bóp! Trò chuyện với PV, các công nhân đội vớt rác kể mỗi năm đội vớt được không biết bao nhiêu là ví, bóp, đến nỗi không thể nhớ được. “Ban đầu, chúng tôi vớt được không biết xử lý ra sao, đành để đó cả đống. Nhưng khi nghĩ đến những người bị mất giấy tờ chắc khổ sở lắm, nên chúng tôi tìm cách liên lạc với khổ chủ đến nhận lại”, anh Hùng nói. Theo anh Hùng, có thể kẻ gian đã trộm hoặc cướp được tài sản của khách, sau khi moi hết tiền thì vứt ví, bóp xuống kênh để phi tang.
Dù làm việc tốt với cái tâm, nhưng cũng không ít lần các anh lại bị nghi ngờ là kẻ xấu. Đó là khi anh gọi điện cho khổ chủ lấy lại ví, họ nghi ngờ các anh chính là thủ phạm đã cướp ví rồi bây giờ gọi cho khổ chủ để kiếm chác. Anh Hùng kể rất nhiều lần chủ của chiếc ví đến nhận đồ nhưng lại dẫn theo nhiều người hỗ trợ, có người còn dẫn theo cả công an đến nữa. Tuy nhiên, khi đến nơi, thấy các anh là công nhân vớt rác thì họ thay đổi thái độ, vui vẻ ngay. “Tâm lý ai khi mất đồ đều vậy mà, ngay cả mình cũng thế thôi, cho nên mình cũng không trách gì họ và nếu có nhặt được tài sản thì mình vẫn tiếp tục làm như vậy”, Sĩ tâm sự.


Hải Nam