29/11/2024

Sách hay cho học sinh tiểu học miền Trung

Từ cuối tháng 10-2016 đến nay, dự án sách hay dành cho học sinh tiểu học của một cô giáo ở TP.HCM đã trao 200 tủ sách giáo dục kỹ năng sống, khoa học thường thức, truyện tranh, tiếp cận hơn 60.000 học sinh tiểu học miền Trung.

 DẠY HỌC BẰNG CẢ YÊU THƯƠNG:

Sách hay cho học sinh tiểu học miền Trung

 Từ cuối tháng 10-2016 đến nay, dự án sách hay dành cho học sinh tiểu học của một cô giáo ở TP.HCM đã trao 200 tủ sách giáo dục kỹ năng sống, khoa học thường thức, truyện tranh, tiếp cận hơn 60.000 học sinh tiểu học miền Trung.

 

 

 

Sách hay cho học sinh tiểu học miền Trung
Qua cuộc trò chuyện với học sinh ở Hải Lăng (Quảng Trị), cô Hiền khơi gợi cảm hứng đọc sách cho các em – Ảnh: NVCC

Một ngày sau cơn lũ dữ ở Quảng Bình, cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền đứng giữa sân trường của một huyện nghèo. Cô nhìn thấy cảnh thư viện trường trống trơn, lác đác vài quyển sách giáo khoa, vào giờ ra chơi học trò vẩn vơ ngồi nghịch đất…

Nhìn những cảnh đó, cô Thu Hiền cứ trăn trở: “Phải có gì bổ ích để các em đọc. Không thể thế này mãi được…”.

Và dự án nói trên đã ra đời như thế.

Tặng truyện tranh, tạp chí kỹ năng sống

Mỗi mùa lũ đi qua, đồng bào cả nước lại gửi hàng cứu trợ về các tỉnh miền Trung. Nhưng thay vì tặng sách giáo khoa, vở trắng như nhiều đoàn từ thiện, cô Hiền và đồng nghiệp lại chọn các đầu sách tham khảo, sách dạy kỹ năng sống cho học sinh.

 
 

Cô Hiền cho biết: “Những năm đầu đời, trẻ em Nhật Bản được trang bị kỹ năng sống nhiều hơn kiến thức. Trên tinh thần đó, dự án tập trung vào học sinh tiểu học, giúp trẻ có thói quen đọc sách, góp phần trang bị kỹ năng sống, hình thành nhân cách, lối sống sau này cho các em”.

“Giữa quyển truyện chữ 20.000 đồng và truyện tranh hơn 40.000 đồng, tôi chọn quyển đẹp hơn, hấp dẫn hơn để học sinh hào hứng đọc từng trang sách” – cô Hiền tự hào giới thiệu về 200 đầu sách, tạp chí của dự án do NXB Kim Đồng phát hành.

“Trong đó vẫn có những truyện dài, truyện chữ, nhưng số lượng ít hơn để phục vụ học sinh có thiên hướng văn chương thưởng thức” – cô Hiền nói.

Học sinh được khuyến khích bày tỏ suy nghĩ về quyển sách đã đọc, chia sẻ cảm xúc một cách tự do, chân thành nhất.

Em Đinh Thị Thu Hà, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Thuận Hóa (Quảng Trị), nói về tạp chí Công Chúa: “Sau khi đọc tạp chí, em học được cách làm đồ vật đơn giản, thiết kế váy xinh, thiệp mời dự tiệc và cách làm bánh sinh nhật ngon tuyệt vời”.

“Em sẽ cố gắng học hành chăm chỉ để giỏi như nhân vật Dekisugi (truyện tranh Doraemon). Em sẽ giữ gìn những cuốn truyện để sau này cho em của em đọc” – em Đinh Phương Anh, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Lê Trực (Quảng Bình), chia sẻ.

Cam kết giữa những người thầy

Để có sách cho học trò miền Trung, cô Hiền đã tổ chức quyên góp trên mạng xã hội, với sự đảm bảo duy nhất là lời hứa của một người làm giáo dục. Nhanh chóng, cô Hiền gom được hơn 160 triệu đồng, đặt mua sách, rồi chuyển ra Quảng Bình và Hà Tĩnh. Ba cô giáo tuổi gần về hưu chiều hôm trước còn say sưa trên bục giảng ở Sài Gòn, trưa hôm sau đã mải miết dọc theo những cung đường heo hút tận miền Trung, cơm đùm cơm nắm lót dạ giữa ngày mưa.

“Sau giờ dạy, chúng tôi gõ cửa doanh nghiệp, các trường phổ thông để xin tài trợ. Khi sách đến tận tay hiệu trưởng cùng nhân viên thư viện, công việc chỉ hoàn thành 10%. 90% thành công còn lại nằm ở nhà trường – cô Hiền chia sẻ – Đây không phải hoạt động cho – nhận, mà là sự cam kết giữa những người làm giáo dục. Các thầy cô ở địa phương cùng tham gia dự án, cùng chúng tôi thay đổi tương lai của học trò”.

Trước sự chứng kiến của phòng giáo dục tám huyện được trao tặng sách ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, đại diện ban giám hiệu từng trường ký cam kết thực hiện dự án: tổ chức cho học sinh đọc sách thành thói quen hằng ngày, duy trì phong trào đọc sách, cảm nhận và làm theo sách; khen thưởng, động viên học sinh đọc sách; khuyến khích đặt thư viện lưu động ở sân trường… Dự án trang bị sách ban đầu, sau đó mỗi trường đều có thể liên hệ dự án giúp đỡ để bổ sung nguồn sách hằng năm.

“Đó là bản cam kết bằng tự nguyện lương tâm và trách nhiệm – cô Hiền nói – Chúng tôi đến một vài trường, thắp lên tình yêu đọc sách ở học trò, chia sẻ kinh nghiệm với hiệu trưởng, nhân viên thư viện. Phải khơi gợi để thầy cô thấy trách nhiệm của mình, để họ tự duy trì thư viện. Đó mới là gốc của vấn đề. Thực tế đã có nhiều nơi từ chối dự án vì họ thích thứ khác, trong khi chúng tôi chỉ có sách”.

Ông Phan Trần Duy Hải, hiệu trưởng Trường tiểu học Hương Giang, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết: “Trường ở miền núi, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, giao tiếp tiếng Việt còn yếu. Thư viện trường trước đây được hỗ trợ sách, nhưng hai năm vừa rồi hết nguồn. Khi dự án về trường, học sinh có sách mới, các em rất thích, chăm chỉ vào thư viện, lượt đọc tăng cao. Thấy cô Hiền tâm huyết, thầy cô hưởng ứng theo. Mong dự án sẽ giữ liên lạc thường xuyên với trường, và nguồn sách được đảm bảo lâu dài cho học sinh”.

Cô Hoàng Thị Thu Hiền là người từng gửi tâm thư với tám thỉnh cầu cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Đến nay, dự án sách hay cho học sinh tiểu học của cô Hiền đã tiếp cận 200 trường học ở huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá (Quảng Bình); Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh); Nam Đông, Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) và Hải Lăng (Quảng Trị).

TƯỜNG HÂN