Tết bình an đầu tiên của tử tù từng bị tuyên án oan suốt 43 năm
Năm nay, cụ ông Trần Văn Thêm (80 tuổi, trú ở thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đón một cái tết bình an đầu tiên sau 43 năm bị tuyên án oan.
Tết bình an đầu tiên của tử tù từng bị tuyên án oan suốt 43 năm
Năm nay, cụ ông Trần Văn Thêm (80 tuổi, trú ở thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đón một cái tết bình an đầu tiên sau 43 năm bị tuyên án oan.
Căn nhà cổ kính nằm tít bên trong một con ngõ nhỏ lích chích tiếng gà mổ cám ngô. Cụ ông Trần Văn Thêm đứng bên chuồng gà, tay rải thức ăn đều trên chiếc máng nhựa. Đôi chân run rẩy, ông lập cập bước ra mở cổng khi thấy có khách đến nhà. “Chiếc chân phải của tôi trở trời đau nhức, năm nay đã 80 mùa xuân rồi. Tôi cảm tạ trời đất cho mình sống được đến tuổi này để hôm nay được đón cái Tết đầu tiên của người sau 43 năm bị oan”, cụ Thêm nói với khách.
Mái nhà cụ Thêm vẫn giản đơn như hồi 5 tháng trước chúng tôi đến thăm khi cụ mới được Tòa án nhân dân tối cao xin lỗi công khai. Bàn thờ với mứt tết, bánh chưng thơm mùi nhang, trẻ con chạy lăng xăng ngoài sân.
Điều khác biệt nhất có lẽ là chuồng gà ngay gần cổng ra vào. Có 24 con gà, cả trống lẫn mái, mỗi con chừng gần 3 kg đang đua nhau mổ cám. Cụ Trần Văn Thêm hồ hởi khoe: “Tôi bắt về nuôi khi chúng cũng khá lớn rồi. Nuôi để ra Tết, chừng 12 tháng Giêng làm cơm mời bà con tới dự lễ thượng thọ tôi lên 80 tuổi”.
Từ những ngày đầu năm dương lịch 2017, cán bộ UBND xã Yên Phụ đã tới tặng giấy chúc mừng thượng thọ cho cụ Thêm. Theo phong tục truyền thống của làng Đức Lân, cứ 12 tháng Giêng, những cụ già thượng thọ sẽ được mặc áo dài đỏ, đội khăn đóng, làm lễ bái lạy tổ tiên tại nhà riêng để con cháu, anh em họ hàng tới chúc thọ. Cụ Thêm nói: “Có thể các con cháu tôi làm 60, 70 mâm cỗ để mời bà con dòng tộc. Cơm canh đơn giản thôi, nhưng đó là phong tục bao nhiêu đời nay”.
Năm 1973, cụ Thêm bị kết tội giết người em họ (cụ Văn, người cùng đi buôn trám với mình từ năm 1970). Năm 1974, Toà án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm kết tội y án sơ thẩm mức án tử hình với cụ Thêm. Tuy nhiên, năm 1975 có người đến nhận tội là người giết cụ Văn, cụ Thêm được ra tù.
Tuy nhiên, bản án tử hình vẫn còn đeo đuổi bên cụ Thêm suốt hơn 4 thập niên. Không quản tuổi già, sức yếu, nghèo khổ, cụ Thêm vẫn cùng các cháu mang đơn kêu oan đi gửi khắp nơi. Cho đến ngày 11 tháng 8 năm 2016, cụ chính thức được Toà án nhân dân tối cao xin lỗi công khai, rũ bỏ bản án giết người em họ.
TIN LIÊN QUAN
Xin lỗi công khai cụ ông 80 tuổi bị án oan 43 năm
“Việc khởi tố, truy tố và xét xử đối với ông Trần Văn Thêm là không đúng, quá trình minh oan kéo dài nhiều năm đã gây tổn thất cho ông và gia đình…”, đại diện cơ quan tố tụng T.Ư nói.
Rưng rưng bên chén nước trà, cụ ông tóc bạc, da đồi mồi hồi tưởng: “Có những đêm đau đầu, đau chân không thể ngủ, tôi nằm thao thức nhớ đến những ngày trong tù cơ cực. Ngày đó Tết cũng chẳng có gì hơn ngày thường. Một ngày với hai bát cơm nhỏ, miếng thịt mỡ”.
“Năm 1975 tôi được ra tù, tôi vẫn nhớ cũng là những ngày giáp tết. Anh cán bộ công an đưa cho tôi một tờ giấy miễn lao động ở địa phương, rồi bảo bây giờ anh em lái xe về nghỉ tết hết rồi, không ai đưa tôi về được, nên mua cho tôi vé tàu, đưa tôi về Đông Anh, Hà Nội, họ đánh điện về xã, xã gọi con tôi ra đón. Ngày đó không hiểu sao, nhầm giờ đón kiểu gì, tôi không gặp ai ở Đông Anh, cứ thế lủi thủi đi bộ về nhà thì gặp cháu tôi. Cháu chở tôi bằng xe đạp về đến nhà thấy vợ con đang mếu máo, ai cũng khóc, tôi cũng khóc”, cụ Thêm xúc động.
“Tết này tôi thương vợ tôi”
Cụ Thêm đang ở cùng người con trai tên Trần Văn Lộc, năm nay ngoài 50 tuổi, ông Lộc bị điếc, lúc nghe được lúc không, nhiều năm chỉ đi làm thợ xây. Ngày tết, vợ chồng ông Lộc gói được gần chục chiếc bánh chưng, thịt con gà để cúng tổ tiên. Ông bà, con cháu quây quần bên mâm cơm đơn giản.
Thắp một nén nhang lên bàn thờ, cụ Thêm rưng rưng: “Tết này tôi thương vợ tôi. Bà ấy mất năm 1982, khi chưa tròn 50 tuổi. Cả một đời vất vả vì tôi, vì 6 đứa con, bà ấy lao lực mà bệnh rồi chết. Hơn 40 năm trước, những ngày tôi ở trong tù, cứ gần Tết bà ấy lại bắt tàu lên trại giam thăm tôi, lỉnh kỉnh đồ tiếp tế. Mà có gì đâu, chỉ có ngô rang. Bà ấy nói tôi nhai kỹ, uống nước, thế là no”.
“Lúc bà ấy hấp hối, bà ấy bảo phải cố gắng làm sao để tôi được minh oan. Bây giờ tôi được minh oan rồi, Tết đầm ấm rồi, có bánh chưng, có thịt gà, tâm hồn tôi thanh thản vô cùng thì bà ấy không còn nữa”, cụ Thêm nhìn xa xăm.
Cụ Thêm tuổi cao, di chứng những năm tháng trong tù và lao động nặng nhọc khiến cụ ngày càng yếu đi, nhiều bữa chỉ có thể ăn cháo, uống sữa. Cụ bảo, có những đêm đầu đau tưởng chết lịm đi, cứ xoa xoa tay vào bên phải đầu thì đỡ, buông tay ra là buốt tận óc. Điều trăn trở của cụ Thêm là đến nay, khoản tiền bồi thường cho những năm tháng cụ phải ngồi tù oan chưa thấy đâu.
“Nếu không có luật sư Hoà, luật sư Lợi (hai luật sư Nguyễn Văn Hòa, Vũ Văn Lợi, đoàn luật sư thành phố Hà Nội kiên trì giúp cụ Thêm minh oan – PV), tôi chắc chắn không có ngày hôm nay. Tôi chỉ mong trước khi nhắm mắt, được nhận tiền bồi thường, để bù đắp cho 6 đứa con tôi đã vì tôi mà khổ sở suốt hơn 40 năm qua. Bây giờ chúng nó vẫn còn nghèo lắm. Tôi cũng muốn cảm ơn những luật sư đã giúp đỡ tôi, dù họ có nhận hay không…”, cụ Thêm mong mỏi.
“Tết này cũng chỉ bánh chưng, thịt gà thôi nhưng khác lắm”
Đó là tâm sự của bà Trần Thị Xuân, con gái lớn của cụ Thêm.
Năm cụ Thêm vào trại tạm giam (năm 1970 – PV), bà Xuân 12 tuổi nhưng đã viết thư tay gửi khắp nơi kêu oan cho bố. Năm cụ Thêm ra tù, bà Xuân 17 tuổi, mới lấy chồng. Mẹ mất, bà Xuân quán xuyến ruộng vườn chăm 5 người em khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho các em, sống trong buồn tủi giữa đời khi bố vẫn mang án “giết người”.
“Năm nào Tết cũng chỉ có bánh chưng, thịt gà, nhưng Tết này khác lắm cô ạ. Chúng tôi đã ngẩng cao đầu đi giữa làng mà không còn day dứt vì bố tôi bị oan. Tôi chỉ mong tiền bồi thường sớm đến được với bố tôi, năm nay cụ đã 80 tuổi rồi”, bà Xuân bộc bạch.
|
Thúy Hằng