“Khi con người sinh sống an vui, Thiên Chúa được hiển vinh”
Đức Giê-su Ki-tô, Đấng mà chúng ta đi theo, khi sinh thời không chỉ giảng dạy mà còn là người thực thi, là người đấu tranh cho chân lý, công bằng, tự do, và bác ái; là Đấng đã chết vì con người. Do đó, người thiện tâm không chỉ vui, buồn với con người mà còn phải dấn thân trong mọi cảnh vực của xã hội đấu tranh cho chân lý, công bằng, tự do, và bác ái được tôn trọng, được thực hiện vì đó là nguồn cội của niềm vui và nỗi lo nhân trần.
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14)
Lời ca khen Thiên Chúa và lời chúc bình an cho người thiện tâm dưới thế của các Thiên thần xưa vang vọng từ cách đây 2000 năm đến hôm nay, lay động tâm can của mỗi người chúng ta.
Bình an là Ân Phúc Chúa chỉ trao ban cho những ai là người thiện tâm. Thế nhưng, trên cõi gian trần hiện nay này, ai là người thiện tâm?
Dân gian gọi những ai có lòng lành, lòng tốt là người thiện tâm.
Chúng ta, những người theo Chúa Giêsu Ki-tô, hiểu người thiện tâm là người có chung niềm vui mừng, nỗi buồn lo với con người, nhất là với những người nghèo khó trong thời đại mình đang sống. “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Lời mở đầu của Hiến chế Gaudium et Spes – Vui Mừng và Hy Vọng).
Đức Giê-su Ki-tô, Đấng mà chúng ta đi theo, khi sinh thời không chỉ giảng dạy mà còn là người thực thi, là người đấu tranh cho chân lý, công bằng, tự do, và bác ái; là Đấng đã chết vì con người. Do đó, người thiện tâm không chỉ vui, buồn với con người mà còn phải dấn thân trong mọi cảnh vực của xã hội đấu tranh cho chân lý, công bằng, tự do, và bác ái được tôn trọng, được thực hiện vì đó là nguồn cội của niềm vui và nỗi lo nhân trần.
Quả thật, như Đức Giám mục Bùi Tuần nói, sống thiện tâm không phải dễ dàng và ngài cảm nhận, số người thiện tâm ở nước ta còn quá ít, “là thiểu số bé nhỏ” [1]. Thế nên, xã hội Việt Nam vẫn còn lắm những bất an.
Tôi nhớ, cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Nhứt OP, trong một bài chia sẻ về Linh đạo của Phong trào Tông đồ Môi trường đã trích lời dạy của thánh I-rê-nê, “Khi con người sinh sống an vui, Thiên Chúa được hiển vinh” [2], nói với các Nhóm Học hỏi và Phổ biến Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo tại Huế.
Trong những ngày đón mừng Lễ Kỷ niệm Chúa Giáng sinh, lời chúc BÌNH AN của các Thiên thần và NGÀY THIÊN CHÚA ĐƯỢC HIỂN VINH, ngẫm nghiệm – Thật ý vị.
Tôma Hoàng Kim Khánh
Tập san Giáo huấn Xã hội số 23
[1]. http://ghhv.quetroi.net/02DCBUITUAN/ThaoThuc16_1011_BinhAnDuoiTheChoNguoiThienTam.htm
[1]. http://trungtamhanhhuongchaudoc.com/binh-an-duoi-the-cho-nguoi-thien-tam-gb-bui-tuan_a251
[2]. “Gloria enim Dei homo vivens”, trích tác phẩm “Chống Lạc Giáo”, 4.20.7.