29/11/2024

Chỉ mong no bụng để đi học

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, trong khi nhà nhà, người người tất bật đón năm mới thì ở những vùng quê nghèo đã hứng chịu nhiều thiên tai, bà con lại buồn xo vì một năm nữa không có tết.

 

Chỉ mong no bụng để đi học

 Những ngày giáp Tết Nguyên đán, trong khi nhà nhà, người người tất bật đón năm mới thì ở những vùng quê nghèo đã hứng chịu nhiều thiên tai, bà con lại buồn xo vì một năm nữa không có tết.

 

 

 

Chỉ mong no bụng để đi học
Bà Lâm Thi Phê và ba đứa cháu ngoại vừa mất cha bên căn nhà lá – Ảnh: T.TRANG

Trở lại huyện Trần Đề (Sóc Trăng), nơi hàng chục ngàn hecta lúa đã bị tàn phá bởi cơn hạn mặn vừa qua, đến nay di chứng vẫn còn: thanh niên bỏ đi nơi khác gần hết, xóm làng đìu hiu, trẻ con nheo nhóc đến trường hằng ngày bằng đôi dép rách và 
cái bụng rỗng.

“Có cơm ăn là may rồi”

Tin ông Thạch Sum mất trong một vụ tai nạn giao thông ở Bình Dương khi đang đi làm thuê cách đây gần hai tháng đã khiến bà con ở ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú ai cũng bàng hoàng. Ông Sum là người chồng, người cha trụ cột của gia đình 6 nhân khẩu.

Đợt hạn mặn vừa rồi, gia đình ông trắng tay, đất đai cũng cầm cố hết cho ngân hàng, chỉ còn vỏn vẹn căn nhà lá hơn 60m2 làm nơi trú nắng trú mưa.

Anh Huỳnh Trung Hiếu, bí thư Xã đoàn Liêu Tú, nghẹn giọng kể: “Mới mấy tháng đây thôi, chúng tôi đi khảo sát để xây nhà Khăn quàng đỏ cho học sinh nghèo hiếu học, thấy nhà anh sắp sập nên muốn hỗ trợ để gia đình anh có căn nhà chắc chắn hơn nhưng anh nói anh lo được, tụi tui mới chọn gia đình khác, ai ngờ…”.

Bà Lâm Thị Phê (81 tuổi, mẹ vợ anh Sum) cũng nước mắt ngắn dài: “Nó đi mần mấy tháng, tháng nào cũng gửi về hơn 2 triệu đồng để lo cho vợ con. Nó hứa tết này về lợp lại cái nhà, vậy mà nó đành đoạn bỏ vợ với ba đứa con nhỏ…”.

Bà Phê kể thêm trước khi đi Bình Dương làm, anh Sum đã kịp làm giấy khai sinh cho ba đứa con, dặn đi dặn lại vợ là phải để mấy đứa nhỏ đi học cho bằng người ta. Giờ anh Sum mất rồi, vợ anh phải đi nhổ hành tím thuê, mỗi ngày được vài chục ngàn đồng đủ mua gạo cho cả nhà qua bữa.

Ở chái bếp trống hoác, em Thạch Thị Đẹp (9 tuổi, con anh Sum) đang xúc cơm trắng vào tô cho hai đứa em, đứa 6 tuổi và đứa 5 tuổi, ăn để chuẩn bị đi học buổi chiều. Chén cơm trắng không có thịt, cá, thậm chí cũng không có chút nước mắn chan lên. “Có cơm ăn đi học là ngon lắm rồi, bữa nào mẹ không có tiền là bữa đó ăn cháo” – Đẹp lí nhí.

Cách nhà bà Phê vài căn, cũng cảnh bà trông cháu, anh nuôi em khi cha mẹ vắng nhà. Em Lâm Thanh Tuấn (14 tuổi) mồ hôi nhễ nhại đẩy xe củi vừa đi chặt ở xóm trên về, lại lúp xúp lấy nồi cơm vo gạo cho kịp bữa trưa.

Bà nội Tuấn mắt không còn nhìn rõ, nghe tiếng lạch cạch biết Tuấn về nên nói vọng ra sau: “Nay hết gạo rồi, bây coi ra mua đỡ nửa ký gạo đi. Cha mẹ bây chưa gửi tiền về nên chưa kịp mua”. Tuấn thở cái 
sượt, rồi quay đi.

Tuấn nói cha mẹ đi làm thuê ở Hậu Giang, có tháng gửi về được 500.000 đồng, có tháng thì không gửi nên em phải đi chặt củi mướn rồi đem bán lấy tiền mua gạo.

“Ngày nào có cơm đủ ba bữa là mấy đứa em mừng dữ lắm. Bữa nào không đủ gạo, em ráng nhịn không ăn, ăn củ sắn đỡ nhưng đi học cũng đói dữ lắm” – Tuấn nói.

500 bộ quần áo cũ, 
chia trong vòng 60 phút

Anh Trần Thiện, bí thư Xã đoàn Lịch Hội Thượng, nói rằng hỗ trợ không biết bao nhiêu để gọi là đủ cho bà con ở đây. Đợt trung thu vừa rồi, anh em xã đoàn vận động quyên góp được hơn 500 bộ quần áo cũ để phát cho người nghèo.

“Thương lắm, mới thông báo là bà con chạy ra liền, không cần lựa chọn, ai cũng lấy đại mỗi người vài ba bộ, trong vòng một tiếng đồng hồ là không còn bộ nào” – anh Thiện nói.

Dạo một vòng quanh các xã Liêu Tú, Lịch Hội Thượng, Viên Bình… không khí tết ở đây là trước vài ba nhà chỉ phơi vài con khô cá lóc, cá kèo, khá hơn thì có vài chậu vạn thọ vừa chớm nụ. Hỏi tết có chuẩn bị gì không, ai cũng thở dài thườn thượt.

Chị Lâm Sa Phil, ấp Sóc Lèo, xã Lịch Hội Thượng, nói: “Tới giờ tui còn ám ảnh vụ lúa năm rồi, giờ này là lúa trắng đồng hết rồi. Năm nay cả xóm đang hồi hộp không biết lúa thóc có như năm ngoái không, cũng không còn tâm trạng 
nào mà lo tết nữa”.

Chị Thạch Thị Sà Phải, bí thư Huyện đoàn Trần Đề, kể mấy hôm trước có xuống ấp xem tình hình bà con để lập danh sách vận động nhà hảo tâm quyên góp hỗ trợ. Chị nói nhà nào cũng như nhà nào, thiếu trước hụt sau, có nhà ăn cơm chan với nước cà dầm, nhà thì bếp trống hoác, giường chiếu gãy muốn sập mà không mua nổi cái mới.

“Thấy mấy đứa nhỏ mới tội, có đứa quần rách hai bên không còn vá được nữa phải buộc thun dưới ống cho khỏi lơ phơ rồi đi học. Một bữa no, một bộ quần áo lành lặn như có vẻ hơi xa xỉ đối với học sinh ở vùng đất nghèo này” – chị Phải chua xót.

Ông Đặng Thanh Quang, chủ tịch UBND huyện Trần Đề, cho biết đợt hạn mặn vừa rồi khiến bà con như kiệt quệ, đến giờ hầu hết các gia đình đều có người thân đi làm ăn xa chưa trở về. Giọng ông buồn buồn: “Sống ở vùng vựa lúa mà bà con không đủ gạo để ăn. Tết này chỉ mong các nhà hảo tâm hỗ trợ giúp đỡ cho bà con ăn tết chứ tới giờ chưa có sinh khí, mà bà con cũng không dư dả gì để chuẩn bị cho cái tết tươm tất”.

Mời bạn chia sẻ quà xuân cho học sinh vùng hạn, mặn

Chia sẻ với những học sinh nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt thiên tai vừa qua, ngoài việc tiếp tục tiếp nhận và trao quà tết cho học sinh vùng lũ, báo Tuổi Trẻ phát động quyên góp để trao quà xuân dành cho học sinh vùng hạn, mặn.

Chương trình sẽ trao những phần quà tết cho các em học sinh vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, xâm nhập mặn trong năm qua tại các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và đồng bằng sông 
Cửu Long.

Bạn đọc tham gia chương trình có thể ủng hộ trực tiếp tại tòa soạn (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc tại các văn phòng đại diện của báo Tuổi Trẻ trên cả nước; hoặc chuyển qua tài khoản báo Tuổi Trẻ, số 102010000118248 tại Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: Ủng hộ chương trình “Tết yêu thương cho học sinh vùng hạn, mặn”. Quà tặng có thể là tiền mặt, các sản phẩm phục vụ tết (ưu tiên quy đổi ra tiền mặt nhằm hạn chế chi phí vận chuyển trong mùa cao điểm tết).

T.B.


THUỲ TRANG