Tết sớm ở vùng chân sóng
Trong hai ngày 10 và 11-1, chương trình “Tết yêu thương cho học sinh vùng lũ” đã trao 1.100 phần quà đến các em học sinh ở Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định và Quảng Nam.
Tết sớm ở vùng chân sóng
Trong hai ngày 10 và 11-1, chương trình “Tết yêu thương cho học sinh vùng lũ” đã trao 1.100 phần quà đến các em học sinh ở Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định và Quảng Nam.
Niềm vui đi nhận quà “Tết yêu thương” của các em học sinh vùng lũ Quảng Trị – Ảnh: L.Đ.D. |
Mỗi phần quà của chương trình dù chưa nhiều (500.000 đồng/phần, gồm 300.000 đồng tiền mặt và 200.000 đồng quà bánh tết), nhưng nói như thầy Lê Sơn Khoa – phó hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 phường Bình Định: “Tết yêu thương cho học sinh vùng lũ” là một chương trình ý nghĩa, thiết thực, động viên lớn không chỉ về vật chất mà cả tinh thần cho những học sinh khó khăn do lũ gây ra. Dự chương trình, tôi cảm nhận được một tình cảm ấm áp, giàu tình người đang lan toả”.
Niềm vui xuân sớm
200 suất quà đã được báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Nam trao trong sáng 11-1 cho học sinh các trường tiểu học Võ Thị Sáu, Mạc Đĩnh Chi và THCS Phan Châu Trinh (xã Bình An, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Buổi chiều cùng ngày, báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn Quảng Trị trao tiếp 300 suất quà tại xã Hải Khê (huyện Hải Lăng) và tại xã A Túc (huyện Hướng Hoá, Quảng Trị).
Buổi trao quà tại tỉnh Quảng Trị đã được các anh chị phụ trách ở Hội đồng Đội tỉnh Quảng Trị biến thành một cuộc vui xuân sớm cho các bạn nhỏ đến từ nhiều địa phương trong tỉnh bị ảnh hưởng do thiên tai.
Không chỉ gánh hậu quả của trận lũ hồi tháng 11 mà còn rất nhiều em được trao quà lần này đến từ những hộ gia đình hành nghề đi biển bị thiệt hại vì sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.
Cho dù những khó khăn của một năm thiên tai dồn dập vẫn trĩu nặng trên đôi vai các ông bố bà mẹ, nhưng tiếng hát tiếng cười của các em học sinh về vui tết yêu thương vẫn ngân lên bên bờ sóng của vùng biển Hải Khê.
Em Lê Đức Chính, học sinh lớp 8B, xã Hải Khê, thay mặt các bạn có hoàn cảnh khó khăn nhận quà tết xúc động kể về hoàn cảnh gia đình mình, kể từ sự cố môi trường biển ảnh hưởng lên cuộc sống của gia đình em với nghề đi biển của cha, của hai người anh, và món quà tết tuy nhỏ nhưng khiến em rất vui.
Chính hồn nhiên: “Quà tết bánh kẹo này để cả nhà dành… tiếp khách, còn tiền thì sẽ nói mẹ mua áo mới”. Em Chính cũng là đứa con duy nhất trong nhà được đến trường.
Bà Hoàng Thị Lệ Dũng ở thôn Nam Sơn (xã Trung Giang, Gio Linh) đưa cháu là Trần Văn Anh, học sinh lớp 6 Trường THCS Trung Giang, theo xe Huyện đoàn tổ chức cho các em vào nhận quà, nói: “Cực thì đã cực rồi, nhưng theo cháu đi nhận quà tết, cháu thấy vui là mình vui”.
Nhìn gương mặt rạng rỡ của mấy trăm em học sinh nhận quà ở Quảng Trị, không thể không ước có nhiều suất quà tết hơn nữa, bởi chỉ có 300 suất quà trong số hàng vạn em thiếu nhi đang mong tết. Và mang lại niềm vui cho trẻ thơ không bao giờ là đủ, huống nữa đây là món quà cho các em cùng với dịp xuân về.
Em Nguyễn Minh Lâm, học sinh lớp 4B Trường tiểu học số 2 phường Nhơn Hoà, đến nhận quà với đôi chân trần vì lũ cuốn trôi dép, bà ngoại chưa kịp mua lại – Ảnh: DUY THANH |
Sẽ mua cho cháu đôi giày quai hậu
Trước đó, trong ngày 10-1, chương trình “Tết cho học sinh nghèo vùng lũ” cũng đã trao 400 phần quà đến các em học sinh ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ (tỉnh Quảng Bình) và 200 phần quà cho học sinh ở hai phường Nhơn Hoà, Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định).
Tại Bình Định, trong số những học sinh đến nhận quà, em Nguyễn Minh Lâm (học sinh lớp 4B Trường tiểu học số 2 Nhơn Hoà) thu hút sự chú ý của nhiều người nhất khi được bà ngoại dắt đến UBND P.Nhơn Hòa nhận quà trong đồng phục học sinh, đeo khăn quàng nhưng đôi chân trần.
Bà Nguyễn Thị Châu, bà ngoại của Lâm, cho biết lũ cuốn mất nhiều sách vở, áo quần và cả đôi dép của Lâm.
“Sau lũ khó khăn quá nên tôi chưa đi mua lại dép cho Lâm, cháu phải mang đôi dép cũ sắp đứt. Lúc nãy trên đường đến đây để nhận quà tết thì đôi dép cũ đứt luôn, không mang được nữa. Giờ được tặng tiền quà, tôi sẽ mua cho Lâm đôi giày quai hậu đẹp, để cháu mang dịp tết và đến trường luôn” – bà Châu không giấu được niềm vui, bày tỏ.
Bà cũng cho biết thêm về hoàn cảnh của Lâm, cha mẹ Lâm ly dị sau khi em vừa ra đời, khi em lên 3 tuổi thì mẹ để lại em cho ngoại nuôi để đi bước nữa. Lâm lớn lên, đi học bằng tình thương của ông bà ngoại vốn nghèo khó và lớn tuổi.
Bà Hà Thị Thương, mẹ em Hà Anh Hoài (học sinh lớp 3 Trường tiểu học số 2 Nhơn Hòa), cũng không giấu được niềm vui trên gương mặt khắc khổ khi con trai được nhận quà tết.
Nhà ở vùng trũng, ngập nặng nhiều ngày và đổ sụp hoàn toàn vào giữa tháng 12-2016 khiến hai vợ chồng bà và em Hoài phải đùm túm đi tá túc nhà hàng xóm cho đến nay. “Hai vợ chồng khổ lắm, chỉ đi làm mướn.
Lũ giật sập nhà, mọi thứ bị trôi mất hết, đến cái xoong, cái nồi, chén, bát, áo quần cũng không còn. Hoài thì mất hết cặp, vở sách, đồ dùng học tập, nó khóc miết, tui cũng mua lại nhưng chưa đủ. Nghe báo Tuổi Trẻ trao quà tết cho Hoài, tui mừng ghê lắm, có thể dành một phần tiền quà này sắm cho cháu bộ đồ mới, rồi dành để mua thêm sách cho học kỳ 2 nữa” – bà Thương thổ lộ.
Bạn đọc tham gia chương trình “Tết yêu thương cho học sinh vùng lũ” có thể ủng hộ trực tiếp tại tòa soạn (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc tại các văn phòng đại diện của báo Tuổi Trẻ trên cả nước; hoặc chuyển qua tài khoản báo Tuổi Trẻ, số 102010000118248 tại Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: Ủng hộ chương trình “Tết yêu thương cho học sinh vùng lũ”. Quà tặng có thể là tiền mặt, các sản phẩm phục vụ tết (ưu tiên quy đổi ra tiền mặt nhằm hạn chế chi phí vận chuyển trong mùa cao điểm tết). |
Cùng tham gia trao 400 phần quà cho học sinh ở Bình Định và Quảng Nam, ông Nguyễn Hoàng Minh Tân, giám đốc đối ngoại và marketing của ATY (Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á – Thái Bình Dương) gửi gắm: “Món quà của ATY còn khiêm tốn, nhưng chúng tôi mong muốn được chia sẻ chút tình cảm với đồng bào vùng lũ lụt, đặc biệt là với các em học sinh có nhà cửa bị sập, quần áo, sách vở và tài sản khác bị lũ cuốn trôi. Mong rằng món quà nhỏ sẽ góp phần giúp các em có cái tết ấm áp, vượt qua khó khăn sau lũ, tiếp tục học tập tốt”. |