10/01/2025

Sẵn sàng chết để giữ thanh cao

Ngoài lá thư tuyệt thực, còn rất nhiều tài liệu gồm các phiếu trình của tổng Nha cảnh sát, của thứ trưởng Thanh niên học đường đóng dấu mật gửi tổng thống Việt Nam Cộng hoà báo cáo theo dõi các hoạt động của “sinh viên y khoa Nguyễn Thanh Công”.

 NHỚ NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH SINH VIÊN VIỆT NAM

Sẵn sàng chết để giữ thanh cao

 

Ngoài lá thư tuyệt thực, còn rất nhiều tài liệu gồm các phiếu trình của tổng Nha cảnh sát, của thứ trưởng Thanh niên học đường đóng dấu mật gửi tổng thống Việt Nam Cộng hoà báo cáo theo dõi các hoạt động của “sinh viên y khoa Nguyễn Thanh Công”.

 

 

 

Sẵn sàng chết để giữ thanh cao
Ông Nguyễn Thành Công vui mừng khi “gặp” lại bút tích của mình về một thời hoạt động sôi nổi – Ảnh: My Lăng

Tài liệu về phong trào học sinh sinh viên (HSSV) Sài Gòn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 có lá thư tuyệt thực của sinh viên tên Nguyễn Thanh Công.

Nguyễn Thanh Công 
là ai?

Bản danh sách về lý lịch một số sinh viên học sinh bị giam giữ có tên sinh viên Nguyễn Thanh Công với những thông tin:

“Can tội phản nghịch, bị giam ngày 3-4-1970 và còn can thêm tội đào ngũ. Tiền án: 1 lần can tội hành động phá rối trị an bị toà án quân sự mặt trận vùng 3 chiến thuật phạt 3 năm tù treo. Trước đây y can đã tuyệt thực từ 19-5 đến 25-5-1970 để đòi trả tự do”.

Quay trở lại lá thư tuyệt thực. Lá thư có nội dung rất ngắn gọn nhưng lời lẽ mạnh mẽ: “Tôi nhịn ăn uống đến chết để giữ phần thanh cao trong sạch cho riêng tôi.

Tôi không thể cúi đầu nhận bản án phi nhân của chế độ hiện hữu, chế độ chuyên đàn áp, chụp mũ, trả thù cá nhân và gia đình những người quốc gia tiến bộ. Chỉ có lịch sử Việt Nam mới được quyền phê phán về tôi. Nguyễn Thanh Công. Ngày 10-10-1968”.

Gần 50 năm sau. Một ngày đầu tháng 1-2017, run run đọc lại lá thư, nhìn lại những dòng bút tích của mình 49 năm trước, nhớ về một thời sôi nổi rực rỡ nhất của tuổi trẻ, chàng sinh viên y khoa ngày ấy giờ đã 73 tuổi, xúc động bảo:

“Tôi không nghĩ sẽ tìm lại được lá thư này. Đó là thư tuyên bố mục đích của cuộc tuyệt thực. Khi đó tôi là tổng thư ký Hội đồng đại diện sinh viên Sài Gòn niên khoá1967-1968.

Sau này tôi đổi tên là Nguyễn Thành Công với mong muốn sự nghiệp cách mạng giành lại hòa bình thống nhất đất nước sớm thành công”.

Vốn là con của một cán bộ làm việc trong Bộ Nội vụ của chính quyền VNCH, cậu là chánh án Tòa án dân sự nhưng Nguyễn Thanh Công lại rất tích cực tham gia hoạt động phong trào HSSV, bắt đầu từ năm 22 tuổi, khi đang là sinh viên năm 2 ĐH Y khoa Sài Gòn. Nguyễn Thanh Công trở thành đảng viên dự bị, đúng vào ngày sinh nhật mình: 10-6-1968.

24 tuổi, đủ quyết định cuộc đời độc lập

Sáng 20-9-1968, Nguyễn Thanh Công định sớm quay ra trụ sở Tổng hội sinh viên thì ba anh với vẻ mặt lo lắng cho hay chiều qua tướng Trần Thiện Khiêm – phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Nội vụ – bảo ông về nói với con trai: chọn hoặc quay trở lại trường chuyên chú học hành và được cho đi tu nghiệp ở Pháp và Mỹ, khi trở về có địa vị xã hội, hoặc chọn tiếp tục “nghe theo Việt Cộng, xách động đòi hoà giải h đàm chống đối chánh phủ”.

“Ông Khiêm khẳng định với ba tôi rằng: Nếu không, một tuần sau tôi sẽ bắt nó, còn ông sẽ bị kỷ luật. Tôi nhìn vào đôi mắt tha thiết của ba, tôi bỗng thấy thương ba mẹ và các em vô cùng. Tôi im lặng khá lâu. Tôi chọn học y khoa vì mục đích sống là hành y đạo, không bị ai khuyến dụ theo và không vì mục đích mưu cầu lợi lộc cho bản thân.

Nghĩ vậy, tôi đứng phắt dậy, vòng ra sau ghế ôm nhẹ vai ba bằng động tác yêu thương, hiếm khi cha con tôi có dịp dành cho nhau. Tôi nói: Con yêu ba mẹ, yêu cả nhà ngang như con yêu con và con yêu biết bao người Việt đau khổ vì cuộc chiến tranh cần đến lúc chấm dứt này.

Cho nên con xin ba can đảm trả lời đúng như lời này của con với ông tướng Khiêm là: Nguyễn Thanh Công đã trưởng thành đến tuổi 24, có đủ trách nhiệm và quyền hạn một công dân trong xã hội để quyết định cuộc đời mình một cách độc lập, không dính dấp can hệ chi đến cha mẹ anh em. Nếu chánh phủ muốn bắt giam xin hãy bắt mỗi mình nó. Cha mẹ sanh con không thể sanh lòng”.

Gần một tuần sau, sáng 26-9-1968, Nguyễn Thanh Công bị một đại đội cảnh sát ập vào trụ sở tổng hội bắt đi. Đến ngày 3-10-1968, T án quân sự mặt trận lưu động vùng 3 chiến thuật đã kết án Nguyễn Thanh Công 3 năm tù và sau “khoan hồng” đổi thành 3 năm tù treo với tội danh “phá rối cuộc trị an”.

Ông Công bắt đầu tuyệt thực từ ngày 10-10-1968 để chống lại bản án. “Họ cố xử tôi 3 năm tù treo. Tù treo nhưng lại không thả, cô lập tôi hoàn toàn. Tôi tuyên bố tuyệt thực đến chết nếu không được thả. Suốt 14 ngày tôi chỉ uống nước lạnh.

Đến lúc tôi gần chết thật thì họ hoảng hồn, mang đi cấp cứu cưỡng bức. Tôi nói cấp cứu cưỡng bức vì khi đó tôi cũng phản đối cấp cứu. Sau khi tôi bị bắt, ba tôi từ chỗ là tham sự Sở hành chánh pháp chế Bộ Nội vụ bị chuyển về làm công chức Toà thị chính Vũng Tàu” – ông Công kể.

Gia đình phải trả giá. Các em không được học hành đến nơi đến chốn. Có người bị bắt đi lính. Nhưng Nguyễn Thanh Công vẫn gắn với phong trào đấu tranh của HSSV Sài Gòn. Ngày 9-3-1970, ông bị bắt lần thứ hai và đến ngày 23-7-1973 mới được trao trả về Lộc Ninh, sau 3 năm 4 tháng 22 ngày. Sau h bình, đến năm 1976 ông Công mới đi học lại trong khi bạn bè ra trường năm 1968, 1970.

“Thế hệ chúng tôi rất nhiều người tham gia với một nhiệt tình yêu nước, vô cùng trong sáng. Điều đó tạo thành sức mạnh cho phong trào đấu tranh HSSV thời đó” – ông Nguyễn Thành Công nói.
MY LĂNG