10/01/2025

Học sinh vùng lũ ‘không dám mơ tết’

Tết đang đến thật gần, nhưng với hàng trăm học sinh vùng lũ Bình Định – nơi mà toàn bộ 11 huyện, thị xã, thành phố đều bị lũ chà đi xát lại năm cơn liền – tết dường như còn rất xa xôi…

 TẾT YÊU THƯƠNG CHO HỌC SINH VÙNG LŨ

Học sinh vùng lũ ‘không dám mơ tết’

Tết đang đến thật gần, nhưng với hàng trăm học sinh vùng lũ Bình Định – nơi mà toàn bộ 11 huyện, thị xã, thành phố đều bị lũ chà đi xát lại năm cơn liền – tết dường như còn rất xa xôi…

 

 

 

Học sinh vùng lũ 'không dám mơ tết'
Lũ quét cuốn đứt đường, người dân xóm Xuyên Cỏ phải đưa đón con đi học bằng sõng – Ảnh: DUY THANH

Hằng năm vào dịp này, Đỗ Thị Mỹ Sương (học sinh lớp 9 Trường THCS Mỹ Chánh, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã phụ cha lặt lá mấy cây mai trước nhà cho kịp nở hoa vàng đón tết, đếm ngược ngày chờ đến thời khắc giao thừa, đến mùng 1 tết để được xúng xính áo quần mới đi chúc tết ông bà, bè bạn.

Nhưng năm nay, sau cơn lũ khủng khiếp giữa tháng 12-2016, những niềm vui quen thuộc ấy không còn với Sương…

Tết này chắc chẳng có gì…

Sáng 5-1, chỉ học hai tiết nên sau khi tan học, Sương cùng cha là ông Đỗ Ngọc Quý trở về thăm căn nhà đã sập ở xóm Xuyên Cỏ (xã Mỹ Chánh).

Hai cha con cố dọn dẹp đống đổ nát cho bớt ngổn ngang, chứ căn nhà đã bị sập và lũ cuốn trôi nhà trên, phần nhà dưới còn lại cũng nứt nẻ, rệu rã, sắp đổ, không còn ở được.

“Khoảng 1g30 sáng 16-12-2016, em cùng cha mẹ chạy ra ngoài sân đang ngập lũ đến ngang ngực, nhảy lên chiếc bàn đá ở góc sân để thoát thân sau khi căn nhà bị lũ quét đổ về ào ạt giật sập. Mọi thứ đều bị cuốn trôi trong đêm tối khủng khiếp đó.

Em chỉ kịp ôm chồng giấy khen của chị gái, của em và chiếc cặp có một ít sách vở lên xuồng của người hàng xóm chèo đến vùng cao tránh lũ” – Sương buồn bã kể.

Nhà không còn, cả gia đình Sương về tá túc ở nhà ngoại cách đó khoảng 300m, cũng bị ngập lụt nhưng may mắn không sập. Không còn vở sách, Sương phải tranh thủ mượn vở bạn những lúc giải lao hoặc ra chơi để ôn bài, lấy lại kiến thức để kiểm tra học kỳ 1.

Lên lớp, nghe các bạn ở vùng không bị lũ, không bị cảnh mất nhà vô tư nói chuyện chuẩn bị quần áo mới đón tết, Sương chỉ biết im lặng nén nỗi buồn vào trong.

“Nhà em xây chưa được hai năm, ba má chưa trả xong nợ, giờ bị lũ cuốn trôi, mất sạch rồi. Mấy hôm đầu em đi học lại, mẹ phải mượn tiền bà ngoại mua thêm sách vở, đồng phục cho em, rồi còn phải xoay xở lo tiền cho chị đang học đại học ở TP.HCM nữa.

Nhìn ba mẹ hay buồn, khóc mỗi khi nghĩ về căn nhà đổ, em cũng không dám mở lời về quần áo mới đón tết như mọi năm. Tết này chắc cũng chẳng có bánh trái, hạt dưa gì đâu…” – Sương rơm rớm nước mắt.

Cách nhà Sương vài trăm mét, nhà của Nguyễn Xuân Hiện (học lớp 7 Trường THCS Mỹ Chánh) cũng bị lũ cuốn mất nhà dưới, nơi có căn phòng để đồ đạc, sách vở, học cụ và góc học tập của ba chị em. Mọi sinh hoạt của gia đình giờ dồn về căn nhà trên chỉ rộng chừng 10m2.

Vì quá chật chội nên hai chị (học lớp 12 và lớp 10) được gởi về nhà bà con ăn nhờ ở đậu, chỉ mình Hiện ở lại nhà cũ với cha mẹ. Chỗ học ở nhà của Hiện bây giờ là… chiếc giường xếp để nằm đọc bài, còn “bàn” viết là một chiếc ghế nhựa.

“Tết ư? Em chưa nghĩ gì đến tết hết. Điều em mơ ước bây giờ là làm sao ba chị em lại trở về ngồi chung trên một chiếc bàn, học tập, trao đổi mỗi tối như trước kia” – Hiện bộc bạch…

Học sinh vùng lũ 'không dám mơ tết'
Em Nguyễn Xuân Hiện phải kê ghế để học vì bàn học của ba chị em bị lũ cuốn làm hư hỏng – Ảnh: DUY THANH

Mong được sẻ chia

Xóm nhỏ Xuyên Cỏ nằm bên hạ lưu sông La Tinh sau cơn lũ quét khủng khiếp đêm 15-12-2016 đã trở nên hoang tàn, xơ xác. 11 căn nhà bị lũ cuốn trôi, sập hoàn toàn; 4 căn khác bị đổ tường, sập vách…

Con đường lớn của làng đã bị lũ cuốn đứt, một đoạn dài khoảng 30m giờ đã thành sông, muốn qua lại người dân và học sinh phải lên sõng, lần theo sợi dây giăng ngang để di chuyển.

Trong làng cũng không còn con đường đi nào, nhà này đến nhà kia phải băng qua những đám bùn lầy trơn nhão. Những đìa tôm, đìa cá trong xóm đã bị bứt, vỡ, cá tôm trôi sạch, giờ bỏ hoang tàn…

“Hàng chục học sinh từ mẫu giáo đến cấp III ở Xuyên Cỏ cũng như ở thôn An Xuyên này phải đi ăn nhờ ở đậu nhà người khác vì không còn nhà cửa để ở. Nhiều gia đình không còn tài sản, chưa kể nợ nần rất lớn vì vay mượn để nuôi trồng hải sản. Dân ở đây không còn tết nữa rồi” – ông Lê Minh Sơn, trưởng thôn 
An Xuyên 3, nói.

Câu chuyện ở Xuyên Cỏ chỉ là một lát cắt nhỏ tại vùng lũ Bình Định, nơi mà toàn bộ 11 huyện, thị xã, thành phố đều bị lũ chà đi xát lại năm cơn liền. Còn rất nhiều học sinh như Sương, như Hiện… không dám mơ về tết khi mà cha mẹ chưa thể mua lại áo quần, sách vở cho con sau lũ.

“Gần 700 ngôi nhà đã sập, hầu hết đều là nhà dân có con em trong độ tuổi đến trường, nên chắc chắn các em gặp nhiều khó khăn. Ngành giáo dục và đào tạo Bình Định đã nỗ lực hết sức bằng những gì mình có, cũng như đề xuất chính sách với cấp trên để giúp các em vượt qua khó khăn, trở lại trường sau lũ.

Tuy nhiên, nỗ lực ấy cũng chỉ giúp các học sinh vô cùng khó khăn ở vùng lũ khắc phục phần nào. Chúng tôi rất mong cộng đồng, xã hội cùng chung tay giúp học sinh vùng lũ, không chỉ để các em được sẻ chia chút niềm vui, chút ấm áp khi tết đến xuân về, mà còn góp phần ngăn dòng bỏ học đang hiện hữu” – ông Đào Đức Tuấn, giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Bình Định, tâm sự.

Mời bạn chia sẻ quà xuân cho học sinh vùng lũ

Chia sẻ với những học sinh nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt thiên tai vừa qua, báo Tuổi Trẻ phát động chương trình “Tết yêu thương cho học sinh vùng lũ”.

Chương trình dự kiến sẽ dành 5.500 phần quà tết (trị giá 500.000 đồng/phần) trao cho các em học sinh vùng lũ và các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua tại 16 tỉnh miền Trung, Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, bắt đầu từ ngày 8 đến 23-1-2017.

Bạn đọc tham gia chương trình có thể ủng hộ trực tiếp tại tòa soạn (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc tại các văn phòng đại diện của báo Tuổi Trẻ trên cả nước; hoặc chuyển qua tài khoản báo Tuổi Trẻ, số 102010000118248 tại Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ chương trình “Tết yêu thương cho học sinh vùng lũ”. Quà tặng có thể là tiền mặt, các sản phẩm phục vụ tết (ưu tiên quy đổi ra tiền mặt nhằm hạn chế chi phí vận chuyển trong mùa cao điểm tết).

DUY THANH , [email protected]