01/01/2025

Dân Trung Quốc về quê vẫn đông nhưng không còn bị hành xác

Hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ trở về quê mừng năm mới. Từ chỗ lộn xộn, trong vòng một vài năm, chính quyền Bắc Kinh đã biến mọi thứ trở nên quy củ. Không phải quốc gia nào cũng làm được điều đó.

Dân Trung Quốc về quê vẫn đông nhưng không còn bị hành xác

Hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ trở về quê mừng năm mới. Từ chỗ lộn xộn, trong vòng một vài năm, chính quyền Bắc Kinh đã biến mọi thứ trở nên quy củ. Không phải quốc gia nào cũng làm được điều đó.
 
 
 
 

Dân Trung Quốc về quê vẫn đông nhưng không còn bị hành xác - Ảnh 1.

Người dân Trung Quốc lũ lượt về quê ăn tết ở ga xe lửa Hành Dương, tỉnh Hồ Nam ngày 1-2 – Ảnh: AFP

Mọi con đường dẫn về quê ở tỉnh Sơn Đông đã trở nên quen thuộc với chị Iris Lan – người đang làm việc tại Thượng Hải – trong gần 20 năm qua. Mỗi độ tết đến, chị lại khăn gói về quê. Quãng đường 800km vẫn như thế qua ngần ấy năm nhưng với chị, Sơn Đông và Thượng Hải đang ngày càng gần nhau.

Nỗi ám ảnh phải đứng hàng giờ, chen chúc trên xe lửa loại thường đeo bám chị Lan suốt 14 năm trời. Những năm may mắn chị có thể ngồi, nhưng khi không kịp, có được “chỗ đứng” là một cuộc tranh giành thật sự ngoài ga tàu. Quá mệt mỏi, chị Lan chuyển sang giải pháp tự lái xe về quê. Nhưng bởi vì ai cũng mệt mỏi và chán nản như chị, con đường về nhà càng thêm xa vào mỗi dịp tết.

Thế rồi đường sắt cao tốc (HSR) nối Thượng Hải – Sơn Đông ra đời và nhanh chóng trở thành ưu tiên số một của chị Lan trong hai năm trở lại đây. Quãng đường hơn 800km giờ chỉ mất hai giờ rưỡi đi tàu. Tất nhiên, chị vẫn mất thời gian đi từ ga tàu về đến nhà ở Sơn Đông – một khoảng cách ngắn hơn Sơn Đông – Thượng Hải, nhưng cần năm tiếng rưỡi để đi bằng ôtô.

Nhiều lựa chọn

Cô Zoey Trịnh, 29 tuổi, cũng là một “fan” của tàu cao tốc HSR kể từ khi tuyến đường HSR Bắc Kinh – Giang Tây được đưa vào sử dụng cách đây hai năm. Nó giúp cô rút ngắn thời gian về quê còn một nửa, gần sáu giờ. “Tôi hay tải mấy bộ phim về để “giết” thời gian trong lúc ngồi tàu. Nếu lúc trước xem hết rồi mà vẫn chưa tới nhà, bây giờ chỉ sợ không kịp xem hết là đã về tới quê” – Zoey cười chia sẻ.

Nỗi ám ảnh phải mang lỉnh kỉnh đồ ăn, nào là mì gói, cháo ăn liền cũng tạm biệt Zoey và nhiều người kể từ khi hệ thống HSR ra đời. Hành khách giờ đây có thể ung dung ngồi trên tàu cao tốc, lướt web tốc độ cao và đặt sẵn đồ ăn thông qua ứng dụng điện thoại. Đồ ăn và thức uống nóng sẽ được giao lên tàu ngay khi nó đến ga kế tiếp trong thời gian ngắn. Dịch vụ này do đơn vị quản lý HSR cung cấp nhằm đảm bảo vệ sinh, rút ngắn thời gian chờ đợi và có mặt tại 27 nhà ga chính trên toàn Trung Quốc.

“HSR, hàng không, xe tự lái và các ứng dụng chia sẻ xe đang ngày càng trở thành lựa chọn ưu tiên của người Trung Quốc trong mỗi kỳ xuân vận” – chuyên gia Triệu Kiếm thuộc Đại học Giao thông Bắc Kinh nói với báo Straits Times.

Dân Trung Quốc về quê vẫn đông nhưng không còn bị hành xác - Ảnh 2.

Hành khách trải nghiệm máy mát xa đầu khi ngồi chờ ở nhà ga xe lửa Hongqiao tại Thượng Hải hôm 1-2 – Ảnh: REUTERS

Tính đến cuối năm 2017, tổng chiều dài mạng lưới HSR của Trung Quốc đã lên tới 25.000km, chiếm hơn 66% chiều dài đường sắt cao tốc của thế giới. Năm nay, chỉ trong vòng hơn một tháng, 3.038km đường sắt cao tốc đã được đưa vào sử dụng, kịp phục vụ cuộc “xuân vận” đang tới gần. Ở những nơi hệ thống HSR chưa vươn tới như tỉnh Thanh Hải, người có tiền chọn cách đi bằng máy bay. “Khi thu nhập ngày càng tăng, người dân Trung Quốc bắt đầu đặt tiện nghi trong việc di chuyển lên đầu” – giáo sư Triệu nhận xét.

Ai cũng có thể về nhà

Khi mạng lưới HSR ngày càng mở rộng, số lượng tàu lửa thông thường sẽ giảm, đẩy nhiều lao động nhập cư thu nhập thấp vào cuộc chiến với chính bản thân. Về lý thuyết, mọi người đều có thể đặt vé tàu lửa loại thường trên mạng, một nỗ lực nhằm chấm dứt cảnh lộn xộn vì xếp hàng ở các nhà ga của Chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, đối với các lao động phổ thông, việc đặt vé trên mạng dường như là điều gì đó họ vẫn chưa bắt kịp. Những người có kinh nghiệm thường sử dụng các dịch vụ đặt vé của bên thứ ba để chiếm chỗ.

Dù hiện tại tàu lửa thông thường vẫn là lựa chọn phổ biến, vai trò của nó sẽ nhường cho tàu cao tốc trong tương lai. Điều này khiến bà Tăng Ninh – 48 tuổi, giúp việc nhà ở Bắc Kinh – lo lắng. Bà chọn đi tàu thường, mất 450 nhân dân tệ rồi quá giang các xe để về nhà, thay vì đi tàu cao tốc sẽ mất hơn 1.000 nhân dân tệ, gần 1/3 thu nhập một tháng của bà. “Tôi muốn mua vài thứ cho gia đình nên chọn cách tiết kiệm này. Tết mà, trong nhà cũng cần chút thịt cá” – bà Ninh nói.

Trong bối cảnh nhiều người vẫn thích tự lái xe về quê ăn tết, chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực kéo giảm kẹt xe trong mỗi kỳ “xuân vận” bằng nhiều cách. Một trong số này là khuyến khích và thúc đẩy các ứng dụng chia sẻ xe, chẳng hạn như Didi Chuxing – đối thủ một thời của Uber.

Theo tính toán, khoảng 33 triệu lượt chia sẻ xe sẽ được tiến hành trong giai đoạn cao điểm trước tết. Phương án giảm phí sử dụng đường cao tốc cho các xe đầy chỗ ngồi cũng được cân nhắc.

BẢO DUY