12 số điện thoại đường dây nóng về giao thông dịp lễ 2-9
Ngày 30-8, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đã công bố 12 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các ý kiến phản ảnh của người dân về hoạt động vận tải, trật tự an toàn giao thông xảy ra trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9.
12 số điện thoại đường dây nóng về giao thông dịp lễ 2-9
Ngày 30-8, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đã công bố 12 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các ý kiến phản ảnh của người dân về hoạt động vận tải, trật tự an toàn giao thông xảy ra trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9.
Hiện trường vụ xe máy “kẹp” 5 đâm vào dải phân cách khiến 4 người chết, 1 người bị thương nặng tại Thái Nguyên ngày 25-8 – Ảnh: THÁI NGUYÊN
Theo đó, phản ảnh về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa; tình hình trật tự an toàn giao thông, ùn tắc giao thông liên hệ Cục Cảnh sát giao thông theo số 0995.67.67.67.
Phản ảnh các thông tin về lĩnh vực giao thông đường bộ theo các số: 0983.60.89.89 của Vụ Vận tải và 0916.60.80.85 của Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Phản ảnh và giải đáp trong lĩnh vực đường sắt, liên hệ số 0865.36.75.65 của Cục Đường sắt Việt Nam.
Phản ảnh và giải đáp những thông tin liên quan đến lĩnh vực hàng không, liên hệ theo số 0916.562.119
Phản ảnh và giải đáp những thông tin liên quan đến lĩnh vực đường thuỷ nội địa, liên hệ theo các số: 0942.10.74.74 – 0243.845.18.88
Phản ảnh về tình hình trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông liên hệ các số: 0989.088.719 – 0981.759.328 – 0941.329.634 – 0936.198.387 của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; số 0977.497.891 của Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị người dân khi phản ảnh tới các số điện thoại đường dây nóng cần có đầy đủ thông tin: hành trình, địa điểm, biển kiểm soát phương tiện, số hiệu chuyến bay, thời gian, lỗi vi phạm hoặc vấn đề gây mất trật tự an toàn giao thông, ưu tiên dùng tin nhắn để đảm bảo chính xác, thuận tiện và an toàn.
Cảnh báo sau những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến môtô, xe máy
Chiều 30-8, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã có công văn gửi chủ tịch ban an toàn giao thông quốc gia các địa phương tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho người đi môtô, xe máy, xe đạp điện.
Lý do cơ quan này ban hành công văn là liên tiếp trong những ngày qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến môtô, xe máy, các nạn nhân tử vong, bị thương đều rất trẻ, gây đau thương cho các gia đình nạn nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Điển hình là vụ tai nạn ngày 28-8 tại thôn 9, xã Tân Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai giữa 3 xe máy làm 3 người chết và 2 người bị thương; vụ xe máy chở 5 người chạy tốc độ cao tự đâm va dải phân cách khiến 4 người tử vong, 1 người bị thương nặng ngày 25-8 trên đường Thống Nhất, tổ 1A, phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông Thái Nguyên và Gia Lai, nguyên nhân các vụ tai nạn do người điều khiển xe sau khi đã uống rượu bia, chở quá số người quy định. Tất cả các nạn nhân đều không đội mũ bảo hiểm, nên khi xảy ra tai nạn gây thương vong rất cao.
Trước tình hình trên, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị các chủ tịch UBND kiêm trưởng ban an toàn giao thông tỉnh, thành chỉ đạo ban an toàn giao thông địa phương phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tập trung tuyên truyền, vận động người dân đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi ngồi trên môtô, xe máy, xe đạp điện tham gia giao thông.
Chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của người đi môtô, xe máy, xe đạp điện như: chở quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không có giấy phép lái xe, nhất là thời gian xảy ra nhiều tai nạn từ 18h đến 24h.