15/01/2025

Hàng Mỹ vào Việt Nam: nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu cũng tăng

Tại các cửa hàng, siêu thị chuyên hàng Mỹ ở quận 1, 3, Tân Bình (TP.HCM), các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ được bày bán rất đa dạng: thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ chơi, thời trang…

 

Hàng Mỹ vào Việt Nam: nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu cũng tăng

Tại các cửa hàng, siêu thị chuyên hàng Mỹ ở quận 1, 3, Tân Bình (TP.HCM), các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ được bày bán rất đa dạng: thực phẩm, hoá mỹ phẩm, đồ chơi, thời trang…
 
 
 

Hàng Mỹ vào Việt Nam: nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu cũng tăng - Ảnh 1.

Nhiều loại hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ bày bán tại siêu thị US.Mart ở quận 1 (TP.HCM) – Ảnh: NGỌC HIỂN

 

Trên bao bì sản phẩm, thông tin giới thiệu, mô tả được thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh, phía dưới in dòng chữ “made in USA”, ngoài ra có dán thêm một nhãn phụ bằng tiếng Việt khái quát một số thông tin cơ bản về sản phẩm.

Bên cạnh các thương hiệu xa lạ, không mấy phổ biến tại Việt Nam, nhiều sản phẩm thuộc các thương hiệu quen thuộc với người Việt song ở phiên bản Mỹ được khoác lên mình diện mạo khác lạ, dung tích lớn hơn hoặc những dòng sản phẩm chưa có tại Việt Nam như Coca Cola hương cherry, vani, dầu gội Dove cho nam giới phiên bản vỏ đen tuyền…

“Không ít khách hàng khi nhìn vào các sản phẩm nội địa Mỹ nghĩ là hàng giả, hàng nhái vì cùng tên thương hiệu nhưng thiết kế không giống như hàng bán ở siêu thị. Mình phải chỉ vào dòng chữ “made in USA” và số mã vạch thì khách mới tin là hàng Mỹ chính hiệu” – chị Tiên, nhân viên một siêu thị hàng Mỹ tại quận 1, cho biết.

34,4 tỉ USD

là tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2019.

Nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu cũng tăng

Không chỉ các mặt hàng nông sản thực phẩm, nhiều nguyên vật liệu công nghiệp, máy móc thiết bị Mỹ cũng tăng vào Việt Nam. Tại chi nhánh TP.HCM của một doanh nghiệp ở Q.Phú Nhuận chuyên phân phối độc quyền các loại khóa vân tay, két sắt của một tập đoàn Mỹ, các nhân viên tại đây cho biết số lượng hàng hóa bán ra thị trường tăng lên mỗi năm.

Theo vị đại diện chi nhánh, nhiều khách hàng là doanh nghiệp, hộ gia đình chọn các sản phẩm két sắt nhập từ Mỹ bởi giá không quá đắt đỏ. Riêng loại két sắt khóa điện tử với mức giá tầm 14 triệu đồng được vị này cho biết bán chạy cho các hộ gia đình, và các loại két sắt mini được nhiều khách sạn cao cấp chuộng dùng.

Theo đại diện bộ phận nhập khẩu của một doanh nghiệp lớn chuyên phân phối thiết bị y tế có trụ sở tại TP.HCM, lượng vật tư y tế sản xuất tại Mỹ nhập về Việt Nam hiện chiếm từ 10-20% nhập khẩu của doanh nghiệp này.

Theo đó, tuy vật tư y tế của Mỹ có giá thành cao hơn song các thương hiệu Mỹ uy tín, được khách hàng ưa chuộng nên doanh nghiệp này vẫn mở rộng nguồn cung.

“Khi đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện, các sản phẩm Mỹ cũng được đánh giá cao nhưng chủ yếu là các bệnh viện quốc tế, bệnh viện lớn” – vị này nói nhưng cho hay vẫn còn nhiều khó khăn khi nhập hàng Mỹ, như công ty Mỹ thường có nhiều ràng buộc hoặc yêu cầu phân phối độc quyền, vật tư y tế đa số đều phải qua hải quan kiểm hoá trực tiếp…

Theo Tổng cục Hải quan, sáu tháng đầu năm nay, nhóm sản phẩm “máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện” được nhập khẩu từ Mỹ lên đến 2,63 tỉ USD (làm tròn), tăng hơn 1,15 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng nhập khẩu “khủng” kế tiếp là bông các loại, chiếm đến 1,12 tỉ USD, tăng 282 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn – chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (Vicosa), Mỹ luôn là đối tác chính của Việt Nam trong việc cung cấp bông từ nhiều năm qua để Việt Nam sản xuất ra xơ và kéo thành sợi, từ đó xuất khẩu đi các nước.

Từ 0 lên 60 tỉ USD

 

dai su my 14-8 3(read-only)

Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink tham quan triển lãm Food and Hotel Vietnam Show lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội – Ảnh: TLSQ Mỹ cung cấp

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cho biết thương mại và đầu tư là những viên đá đặt nền móng cho quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là một trong những thị trường đang phát triển nhanh nhất của Mỹ. 

Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy từ việc gần như không có trao đổi hàng hóa hai chiều cách đây 25 năm, thương mại hai chiều Việt – Mỹ đến nay đã đạt gần 60 tỉ USD. Năm 2018, Mỹ xuất khẩu số hàng h trị giá gần 10 tỉ USD, tăng gấp 4 lần so với thập niên trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Mỹ gồm máy tính và đồ điện tử, bông, máy móc, trái cây, đậu nành và các loại hạt.

Trong khi đó, thương mại nông nghiệp giữa hai nước đang phát triển, với mức tăng trưởng tới 50% vào năm 2018. Hiện Việt Nam là thị trường xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ 7 của Mỹ. Với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và tăng trưởng GDP ổn định của Việt Nam, Mỹ cho biết vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển thêm nữa.

Theo Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, việc đảm bảo thực hiện các điều khoản thương mại – đầu tư tự do, công bằng và qua lại lẫn nhau với tất cả đối tác của Mỹ, trong đó có Việt Nam, là ưu tiên hàng đầu đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Chúng tôi duy trì cam kết hợp tác với Việt Nam để thực hiện các bước nhằm giải quyết việc mất cân bằng thương mại và những rào cản tiếp cận thị trường của chúng ta theo hướng mang tính xây dựng. Chúng tôi đang nỗ lực trở thành nhà xuất khẩu và là đối tác nổi bật hỗ trợ phát triển một đất nước Việt Nam thịnh vượng” – Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM khẳng định.

BÌNH AN (dịch từ thông tin do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cung cấp)

Xuất khẩu sang Mỹ tăng ổn định

Bà Phan Thị Thanh Xuân – tổng thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) – cho biết nếu so với mức kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng da giày của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 420 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, “đây là mức tăng tương đối ổn định, không có dấu hiệu biến động”. 

Ở lĩnh vực dệt may, ông Phạm Xuân Hồng – chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek) – cho rằng dù kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt 7 tỉ USD trong nửa đầu năm nay, tăng đến 640 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, “nhưng tỉ lệ tăng trưởng của sáu tháng đầu năm 2019 lại tăng khá thấp, chưa đến 10% so với mức 17-18% mà năm trước đó đã đạt được”.

Dù vậy, với tình thế gay go đang diễn ra và Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam hiện nay, “hoàn toàn không thừa nếu việc cảnh giác, phối hợp cùng cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ tình hình xuất khẩu trong thời gian tới” – ông Hồng nói.

Trong khi đó, theo báo cáo xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Tổng cục Hải quan công bố, trong 36 nhóm hàng được phân loại mã hàng chi tiết xuất khẩu sang thị trường Mỹ hiện nay, các mặt hàng giữ tỉ trọng xuất khẩu lớn không chỉ trong cán cân thương mại chung của cả nước mà còn là những mặt hàng “đại diện” về giá trị xuất khẩu cao nhất hiện nay.

Cụ thể, trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ lên đến 27,5 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2019, dệt may chiếm hơn 7 tỉ USD, da giày – vali – túi xách xấp xỉ 4 tỉ USD, gỗ và sản phẩm gỗ gần 2,25 tỉ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện khoảng 2,3 tỉ USD…

Các nhóm hàng này khi xuất sang thị trường Mỹ theo thời gian hầu hết đều có xu hướng tăng dần đều, tỉ lệ tăng trưởng duy trì ở mức ổn định ít nhất 5%/năm.

 

 

NGUYỄN TRÍ – BÌNH AN – TRẦN VŨ NGHI