Khai tử cách ghi nhãn ‘made in Vietnam’ với hàng nội địa
Đó là quy định trong dự thảo thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hoá là sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam vừa được Bộ Công thương đưa ra.
Khai tử cách ghi nhãn ‘made in Vietnam’ với hàng nội địa
Đó là quy định trong dự thảo thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hoá là sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam vừa được Bộ Công thương đưa ra.Chiều 14-8, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã có buổi trao đổi, cung cấp thông tin với báo chí về các nội dung liên quan đến dự thảo thông tư. Tài liệu hỏi đáp được các tác giả Trần Quốc Khánh, Phan Văn Chinh, Trịnh Thu Hiền soạn thảo cũng được đưa ra tại buổi trao đổi thông tin này.
Theo tài liệu này, thông tư áp dụng cho hàng lưu thông trên thị trường Việt Nam, bao gồm cả hàng nhập khẩu vào Việt Nam.
Nếu hàng nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn mác thể hiện xuất xứ không phải xuất xứ Việt Nam thì khi lưu thông trên thị trường, việc ghi nước xuất xứ sẽ được thực hiện theo nghị định 43/2017 về ghi nhãn hàng hóa và không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư.
Trường hợp hàng nhập khẩu lại gắn sẵn nhãn mác thể hiện đó là “hàng Việt Nam” thì thông tư này sẽ được áp dụng. Cơ quan chức năng sẽ có quyền yêu cầu người nhập khẩu chứng minh đó là hàng Việt Nam trước khi cho phép hàng hóa được thông quan.
Theo đó, hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trong 2 trường hợp: hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam; hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.
Các doanh nghiệp không được thể hiện các nội dung “lắp ráp tại Việt Nam”, “gia công tại Việt Nam” hay “thiết kế bởi Việt Nam”, mà chỉ được phép lựa chọn một trong các cách quy định như: sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam; hàng hoá của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam; sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất; chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo; chế tác tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tác…
Theo dự thảo, hàng hóa không được ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, ví dụ “made in Vietnam” hay “product of Vietnam”. Thông tư này áp dụng cho hàng hoá lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt.
“Chúng ta là người Việt và không có nhu cầu sử dụng tiếng nước ngoài để giao tiếp với nhau” – bản giải đáp nêu.
Dự thảo thông tư cũng quy định, hàng hóa được xem là hàng Việt Nam phải đạt tỉ lệ giá trị gia tăng 30% hàm lượng giá trị nội địa chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam. Do đó, nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN và được cấp giấy chứng nhận xuất xứ nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam.
Việc đặt ra tỉ lệ 30% cũng để tránh tình huống “oái ăm” là cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của Việt Nam.
Cách tính hàm lượng giá trị khu vực sẽ dựa trên “trị giá CIF”, trị giá nguyên liệu nhập khẩu đã bao gồm cả cước vận tải và phí bảo hiểm tính đến cảng hoặc cửa khẩu của Việt Nam; “trị giá EXW” là trị giá xuất xưởng của hàng hóa.
Một số sản phẩm xác định hàng hóa Việt Nam thế nào?
Lốp xe là đầu ra của một nhà máy sản xuất lốp, nhưng lại là đầu vào của ngành sản xuất ôtô, xe máy, theo dự thảo quy định “nguyên liệu” là bất kỳ vật liệu hay chất liệu nào được sử dụng hoặc tiêu tốn trong quá trình sản xuất ra hàng hóa. Vì vậy, nếu được sử dụng như đầu vào của sản xuất ôtô, xe máy, lốp xe sẽ được coi là nguyên liệu.
Cây xoài lấy giống từ Thái Lan đem về Việt Nam trồng thì quả xoài có được coi là sản phẩm của Việt Nam không?
Theo dự thảo cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam được coi là hàng hóa có xuất xứ thuần tuý. Vì vậy, mặc dù cây xoài lấy giống từ Thái Lan nhưng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam nên quả xoài được coi là sản phẩm của Việt Nam.
50% chè Việt Nam phối trộn với 50% chè Sri Lanka, để đánh giá là sản phẩm Việt Nam thì cần xác định giá trị trị giá EXW của sản phẩm chè sau chế biến, xác định sản phẩm cuối cùng là kết quả của quá trình phối trộn đơn giản hay sử dụng phương thức khác.
Các sản phẩm từ trước tới nay vẫn được dán nhãn “made in Viet Nam” hay sử dụng danh xưng “hàng Việt Nam”, theo dự thảo, khi thông tư có hiệu lực thi hành, việc thể hiện nội dung hàng hoá của Việt Nam trên nhãn hàng hoá và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa phải tuân thủ các quy định của thông tư, không có ngoại lệ.