Vì sao những ngày mưa lại khiến ta mệt mỏi và buồn ngủ?
Nếu tất cả những gì bạn muốn làm trong ngày mưa là cuộn tròn ngủ thì bạn không cô đơn. Bạn thuộc hội những người hiểu sâu sắc ý nghĩa câu “đi qua những ngày mưa mới yêu thêm những ngày nắng”.
Vì sao những ngày mưa lại khiến ta mệt mỏi và buồn ngủ?
Nếu tất cả những gì bạn muốn làm trong ngày mưa là cuộn tròn ngủ thì bạn không cô đơn. Bạn thuộc hội những người hiểu sâu sắc ý nghĩa câu “đi qua những ngày mưa mới yêu thêm những ngày nắng”.Combo mưa – buồn ngủ – mệt mỏi có thể lý giải bằng khoa học Shutterstock
Bác sĩ Michelle Drerup tại Phòng khám Cleveland (Mỹ), nói với Bustle rằng việc thiếu ánh sáng mặt trời đi kèm với mưa là “yếu tố chính làm tăng cơn buồn ngủ”. Điều này được giải thích bởi sự gia tăng melatonin và giảm seratonin.
Melatonin là một loại hormone giúp điều chỉnh chu kỳ thức – ngủ. Cơ thể sản xuất càng nhiều melatonin, bạn sẽ càng mệt mỏi. Melatonin phụ thuộc vào ánh sáng. Đó là lý do tại sao chúng ta ngủ vào ban đêm. Mặt trời mọc buổi sáng ngăn chặn việc sản xuất melatonin và đánh thức chúng ta dậy.
Tuy nhiên, trời nhiều mây và mưa, sản lượng melatonin vẫn cao vào ban ngày khiến ta buồn ngủ.
Trong khi đó, ít ánh nắng mặt trời lại làm chúng ta tạo ra ít seratonin – một chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến hạnh phúc – dẫn đến cảm giác chán nản và thiếu động lực. Do đó, những ngày mưa thường ta lười biếng, chậm chạp…
Một yếu tố khác gây nên cơn buồn ngủ ngày mưa là độ ẩm, Drerup chia sẻ thêm trên Bustle. Theo bác sĩ này, mưa làm không khí “nặng nề và khó chịu”, “độ ẩm có thể khiến ta kiệt sức vì các cơ chế mà cơ thể sử dụng để giữ cho chính nó mát mẻ”.
The Weather Station thì cho rằng yếu tố tạo nên những cơn ngáp và ham muốn ngủ của chúng ta là do tiếng mưa rơi và mùi mưa. Tiếng mưa tạo thành nhịp điệu, như bài hát ru. Còn mùi mưa do sự pha trộn của nước mưa với không khí, thực vật, đất đai… đem lại sự dễ chịu. Tất cả kết hợp tạo thành loại thuốc an thần mạnh khó cưỡng.
Vượt qua cơn buồn ngủ ngày mưa bằng các cách sau đây:
– Tập thể dục: Hoạt động thể chất tăng lên làm tăng mức năng lượng, kích thích trạng thái tinh thần.
– Tiếp xúc với ánh sáng: Bật đèn sáng hoặc ngồi gần cửa sổ, ban công để nhận được ánh sáng tự nhiên.
– “Tiếp sức” bằng caffeine: Để thoát khỏi cảm giác buồn ngủ, bạn có thể uống cà phê hoặc trà. Caffeine tác động lên các tế bào não và kích thích chúng. Bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt trong vòng 20 đến 30 phút.
– Tập thở: Nếu bạn buồn ngủ và không muốn thực hiện bất kỳ hoạt động thể chất nào, hãy thử bài tập thở. Hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng sẽ làm cho bạn cảm thấy tỉnh táo hơn.
– Chợp mắt: Trong trường hợp mọi cố gắng thức tỉnh đều thất bại thì… ngủ thôi. Sau giấc ngủ ngắn, bạn sẽ cảm thấy tươi mới và có thể tiếp tục công việc của mình hiệu quả hơn thay vì cứ gật gù, ngáp dài liên tục.
TẠ BAN