Tiếp tục biểu tình lớn ở Hồng Kông
Ngày 16.6, biểu tình lại nổ ra ở Hồng Kông để phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi dù chính quyền đã tuyên bố hoãn vô thời hạn việc thảo luận về dự luật.
Tiếp tục biểu tình lớn ở Hồng Kông
Ngày 16.6, biểu tình lại nổ ra ở Hồng Kông để phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi dù chính quyền đã tuyên bố hoãn vô thời hạn việc thảo luận về dự luật.
Biểu tình ở Hồng Kông ngày 16.6 ẢNH: REUTERS
Hình ảnh trực tiếp trên truyền hình cho thấy từ khoảng 15 giờ (giờ địa phương), các con đường dẫn từ công viên Victoria đến khu vực trung tâm Hồng Kông, nơi đặt trụ sở các cơ quan chính quyền, đều kín đặc người biểu tình. Đám đông hô khẩu hiệu và cầm các biểu ngữ lớn yêu cầu hủy bỏ hoàn toàn dự luật cũng như đòi Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức.
Theo tờ South China Morning Post dẫn nguồn một tổ chức dân sự tại Hồng Kông ước tính gần 2 triệu người tham gia cuộc biểu tình, còn theo cảnh sát là 338.000 người, đông hơn hẳn so với cuộc đại biểu tình hôm 9.6. Khi đó, phe phản đối tuyên bố có hơn 1 triệu người tham gia, còn con số của cảnh sát là 240.000 người.
Hôm qua, nhân viên văn phòng Terence Lai tham gia biểu tình cho South China Morning Post hay anh bị kẹt tại vịnh Đồng La suốt 3 giờ đồng hồ vì đám đông chật kín nên rất khó di chuyển. “Chủ nhật trước (ngày 9.6 – NV), bạn còn có thể đi dọc các con đường. Hôm nay, bạn khó mà nhúc nhích”, anh nói. Đến khuya 16.6, người biểu tình vẫn chưa giải tán nhưng không ghi nhận cuộc đụng độ nào giữa đám đông và lực lượng an ninh. Trước đó, bạo động bùng phát hôm 12.6 khiến ít nhất 80 người bị thương, bao gồm 22 nhân viên công lực.
Cuộc biểu tình mới diễn ra một ngày sau khi bà Lâm thông báo ngừng vô thời hạn việc thảo luận dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Theo dự luật, nhánh hành pháp Hồng Kông có quyền xem xét và quyết định đưa nghi phạm bị truy nã đến những nơi mà đặc khu chưa có thỏa thuận dẫn độ như đại lục, Macau hay Đài Loan. Tuy nhiên, người biểu tình chỉ trích dự luật làm giảm sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông, khiến nghi phạm đối diện cáo buộc không rõ ràng hoặc bị xét xử không công bằng ở đại lục. Chiều qua, South China Morning Post dẫn thông cáo từ Cơ quan Thông tin truyền thông Hồng Kông cho biết Đặc khu trưởng Lâm xin lỗi người dân, đồng thời hứa sẽ “chân thành và khiêm tốn tiếp nhận mọi chỉ trích cũng như sẽ cải thiện để phục vụ công chúng”. Tuy nhiên, chính quyền không đưa ra bình luận nào về yêu cầu hủy bỏ dự luật.
Cùng ngày, tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài xã luận lên án “tay sai chống Trung Quốc” của các thế lực bên ngoài Hồng Kông. “Một bộ phận người dân Hồng Kông đã và đang dựa dẫm vào người nước ngoài hay người trẻ, làm con tốt và tay sai cho các thế lực bên ngoài Hồng Kông. Điều này hoàn toàn bị toàn bộ người dân Trung Quốc phản đối, bao gồm phần lớn người dân yêu nước ở Hồng Kông”, bài xã luận viết. Cũng trong hôm qua, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ thảo luận vấn đề Hồng Kông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 tại Nhật Bản từ ngày 28 – 29.6.
PHÚC DUY – KHÁNH AN