Để đi xa, đừng mang nặng
Sau những hồ hởi ban đầu với cảnh đẹp, kiến trúc độc đáo của hàng ngàn cổng Torii màu cam đỏ đầy ấn tượng, đường dốc ngày một cao để lên đến đỉnh, mọi người đều đã thấm mệt. Nhiều người đành bỏ cuộc. Đường đi thưa vắng người dần…
Để đi xa, đừng mang nặng
Đường lên Đền Fushimi Inari –taisha (Kyoto, Nhật Bản) NHIÊN AN
Đi chơi xuân, cho con đến Đền Fushimi Inari –taisha (Kyoto, Nhật Bản), ngôi đền chính trong hệ thống gồm 32.000 đền thờ thần Inari của đất nước hoa anh đào. Đền tọa lạc dưới chân núi Inari, trên độ cao 233m so với mực nước biển. Đường dẫn lên đền là một hệ thống nhiều đường mòn kéo dài khoảng 4 km và mất khoảng 2 giờ để đi lên.
Sau những hồ hởi ban đầu với cảnh đẹp, kiến trúc độc đáo của hàng ngàn cổng Torii màu cam đỏ đầy ấn tượng, đường dốc ngày một cao để lên đến đền, mọi người đều đã thấm mệt. Nhiều người đành bỏ cuộc. Đường đi thưa vắng người dần…
Vút bay khi buông bỏ cả những thứ từng là điều quan trọng
Đi trong cái lạnh mùa đông của Nhật Bản, càng lên cao gió càng mạnh, càng buốt hơn, với những người quanh năm sống ở TP.HCM, nơi chỉ có 2 mùa mưa nắng, thì rõ ràng đây là một thách thức không nhỏ. Động viên con cùng đi đến đỉnh, chúng tôi muốn đây cũng là dịp dạy con vượt trở ngại, thách thức để đạt đến mục tiêu đặt ra trong cuộc sống.
Trong những lần dừng lại nghỉ ngắn để tiếp tục hành trình, con cười, nói: “ Bây giờ cái túi đeo nhỏ xíu này cũng thấy nặng. Nếu bỏ lại mấy thứ này sẽ đi nhanh và không mệt!”. Nhận xét của con đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Mang vác nhiều thứ sẽ khiến ta nặng nề, dễ mệt nhọc, nhất là trong những hành trình đi xa, vượt dốc, trèo đèo…. Bởi thế trong những chuyến leo núi, lời khuyên là mang gọn nhẹ, chỉ những vật dụng tối giản và cần thiết. Thực tế với những kẻ quanh năm ngồi bàn giấy, đi thang máy, ra ngoài đường một chút là leo lên xe, ít vận động thì để đi lên núi, đôi khi cầm theo một chai nước cũng là nặng. Chai nước là thứ cần thiết tối giản cho cuộc hành trình nhưng đến một lúc nào đó ta cũng thấy nó nặng nề để tiếp tục đi xa, leo cao khi ta chỉ có thể mang vác nỗi thân xác ta.
Trong cuộc sống cũng vậy. Để nhẹ nhàng, thư thái mà đi suốt hành trình của một đời người, ta đừng “mang vác” quá nhiều thứ bên mình.
Càng lên cao, càng thưa vắng người đi Ảnh: Nhiên An |
Ai đã từng xem phim Up (Vút bay) đều nhớ đến đoạn khi quyết định giúp chú bé Russell cứu Kelvin (chú chim khổng lồ quý hiếm), để khiến căn nhà bay trở lại, ông lão Carl Fredricksen buộc phải quyết định bỏ lại những đồ vật gắn liền với cuộc sống của ông và người vợ yêu quý đã mất. Những thứ này, đối với ông, đã từng là kỷ vật không thể thiếu được trong cuộc sống của ông sau khi người vợ yêu quý mất đi. Nhưng khi ông đã bỏ lại ngay cả những thứ nghĩ không bao giờ có thể bỏ được thì ngôi nhà trở nên thật nhẹ nhàng và nó bay trở lại để giúp ông đi tiếp một hành trình mới.
Đoạn này của bộ phim gợi nhiều suy nghĩ sâu sắc, giúp con người sống tích cực và hạnh phúc với cuộc sống trong hiện tại.
Ngắm nhìn bầu trời cao rộng trong từng chặng hành trình Ảnh: Nhiên An |
Nếu đọc cuốn Giải bài toán hạnh phúc (Solve for happy engineer your path to joy) của Mo Gawdat, Giám đốc kinh doanh Google {X}, người đọc cũng sẽ thấy ông nêu ra những cách để có được hạnh phúc thật đơn giản, cái nhìn đời trong suốt, biết xua tan những ảo tưởng…
Trong lời giới thiệu cuốn sách, Mo Gawdat viết: “Từ ngày mới đi làm, tôi đã tận hưởng rất nhiều thành công, sự công nhận, tiền tài. Nhưng có đủ hết đấy mà tôi lúc nào cũng không vui… Tôi nhận thấy, mình càng phát đạt thì lại càng kém vui”. Mo kể ngay cả khi trong một buổi tối lên mạng, chỉ với 2 cú nhấp chuột , ông mua liền 2 chiếc Rolls-Royce cổ. Rồi khi những chiếc xe Anh cổ điển đẹp đẽ này đến đậu trước nhà cũng không khiến Mo cảm thấy vui và hạnh phúc! Nhưng Mo Gawdat lại nhớ rằng: “Điều trớ trêu chính là khi còn trẻ, mặc dù phải vật lộn để tìm được lối đi trong đời, thường xuyên cố gằng để đạt đến mục tiêu, tôi luôn rất hạnh phúc”.
Ấy là vì theo Mo, đó là khi chúng ta đang ở “trạng thái mặc định”- trạng thái của hạnh phúc. Là một người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, ông phân tích: “Hãy nhìn vào máy tính, điện thoại thông minh và các thiết bị khác. Chúng đều chứa phần cài đặt ưu tiên có sẵn của các nhà thiết kế và người viết chương trình. Một thiết bị mới tinh từ nhà máy, được cài đặt theo cách mà người sáng chế nghĩ là tốt nhất, được gọi là “trạng thái mặc định””. Từ đó ông dẫn giải đến hình ảnh của con người. Khi chúng ta mới sinh ra và bước vào giai đoạn mà ông cho là “start-up” của đời người thì hạnh phúc của ta là được thỏa mãn những nhu cầu căn bản đói thì được bú, khát thì được uống, buồn ngủ thì được ngủ, không bị đau nhức, không bị hoảng hốt, không sợ cô đơn…
Hãy nhớ đến cái thời không cái gì làm bạn giận, bạn lo, bạn cáu. Bạn hạnh phúc, bình thản, thư thái Ảnh: Nhiên An |
Cuối cùng, Mo Gawdat đúc kết: “Nhưng đâu phải chỉ với trẻ con, “trạng thái mặc định” đó cũng áp dụng cho cả bạn. Hãy nhớ đến cái thời không cái gì làm bạn giận, không cái gì khiến bạn lo, không cái gì làm bạn cáu. Bạn hạnh phúc, bình thản, thư thái”.
Rõ ràng, tất cả những câu chuyện này đều gửi một thông điệp rằng cứ sống nhẹ nhàng ở “trạng thái mặc định”, biết buông bỏ ta sẽ đi xa và sống hạnh phúc trong hành trình đời người.
Thế nhưng để làm được điều này không phải là điều dễ dàng.
NHIÊN AN