23/12/2024

Sẽ có đề án tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững

“Cùng với đề án trên, cần phải tập trung vào 4 trọng tâm tạo nền tảng phát triển bền vững cho nền kinh tế”. Ông Nguyễn Văn Bình, trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho biết trong cuộc trò chuyện đầu năm với Tuổi Trẻ.

 

Sẽ có đề án tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững

“Cùng với đề án trên, cần phải tập trung vào 4 trọng tâm tạo nền tảng phát triển bền vững cho nền kinh tế”. Ông Nguyễn Văn Bình, trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho biết trong cuộc trò chuyện đầu năm với Tuổi Trẻ.
 
 
 
 

Sẽ có đề án tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bình, trưởng Ban Kinh tế trung ương – Ảnh: LÊ THANH

Ông Bình nhận định: Năm 2018 kinh tế đã có những bước phát triển nhưng trong thành công phải nhìn lại, có bước chuẩn bị cho phát triển bền vững. Theo kế hoạch, trong quý 1-2019, Ban Kinh tế sẽ trình Bộ Chính trị đề án đưa kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, bền vững, làm định hướng chiến lược cho phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

* Từ thành tựu năm 2018, từ góc độ của Ban Kinh tế trung ương, ông tâm đắc nhất điều gì?

– Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,08%, trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, có hai điều tôi thấy tâm đắc nhất, đó là:

Thứ nhất, sự vươn lên mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều công trình, dự án lớn thuộc các tập đoàn tư nhân được xây dựng và triển khai, hứa hẹn là những động lực bứt phá cho tương lai, như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, các tổ hợp sản xuất ôtô Trường Hải, Vinfast… 

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thu hút được sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư quốc tế, trong nước. Điều này cho thấy sự trưởng thành của khu vực tư nhân, cũng như độ chín muồi của nền kinh tế.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát chỉ ở mức 3,54%, bằng một nửa tốc độ tăng trưởng GDP. Cán cân thanh toán thặng dư, nhiều cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. 

Đây không chỉ là kết quả riêng của năm 2018 mà còn là của cả một quá trình bền bỉ và kiên nhẫn, là thành quả của việc tổ chức thực hiện chuyển đổi thành công theo chủ trương của nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đó là chuyển đổi từ phát triển nóng về đầu tư dàn trải sang kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, không cần thiết tăng trưởng bằng mọi giá, kết hợp tăng trưởng hợp lý với đảm bảo an sinh xã hội.

* Nhưng nền kinh tế vẫn còn những điểm nghẽn, nhất là trong khu vực tư nhân trong khi đây sẽ là trụ cột của nền kinh tế?

– Nền kinh tế đã có bước phát triển nhưng thẳng thắn nhìn nhận chặng đường để Việt Nam trở thành đất nước công nghiệp hiện đại mới chỉ bắt đầu, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài chưa cao…

Ngay khu vực kinh tế tư nhân, tuy có bước phát triển mạnh nhưng sự liên kết, tham gia sâu vào mạng lưới, chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu, chưa thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. 

Hiện mới chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 46% ở các nước trong khu vực ASEAN. Đây sẽ là thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập.

* Như vậy, theo ông, phải tập trung vào những trọng tâm nào?

– Tôi đã từng phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 vừa qua, kinh tế có một năm thành công nhưng cũng là lúc chúng ta cần tĩnh tâm tư duy để xác định các vấn đề lớn mang tính cốt yếu, chiến lược, tạo nền tảng để phát triển cho giai đoạn tới. 

Theo tôi, cần tập trung vào 4 trọng tâm sau: kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0. Vì sao? Môi trường chính trị và vĩ mô ổn định cùng với vị trí địa chính trị thuận lợi là một lợi thế so sánh nổi trội của Việt Nam trong bối cảnh thế giới nhiều biến động. Một quốc gia kể cả có tăng trưởng nhanh cũng không thể thành công nếu thiếu đi yếu tố ổn định và bền vững.

Tiếp theo là tạo sự bứt phá về thể chế trên cơ sở bám sát nghị quyết 11-NQ/TW 2017 về hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bởi trong thế giới phẳng và toàn cầu hóa yếu tố mang tính quyết định, lâu dài và bền vững cho mỗi quốc gia chính là thể chế, là môi trường kinh doanh, là môi trường đầu tư của quốc gia đó. 

Đọc báo cáo của Công ty tư vấn quốc tế McKinsey về đánh giá triển vọng lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo ở khu vực Đông Nam Á (2017), tôi rất ấn tượng với một trong những câu kết, đó là: để phát triển thành công lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, không phải là công nghệ hay vốn, mà là thể chế và chính sách mới là yếu tố quyết định. Đúng như vậy, nếu chúng ta xây dựng được thể chế, chính sách tốt thì nhà đầu tư sẽ tự tìm đến chúng ta và họ sẽ mang theo cả vốn và công nghệ.

4 trọng tâm để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững

– Kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô

– Hoàn thiện thể chế

– Phát triển kinh tế tư nhân

– Phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0.

(Ông Nguyễn Văn Bình – trưởng Ban Kinh tế trung ương)

Sẽ có đề án tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững - Ảnh 3.

Lắp ráp hàng điện tử tại một công ty tư nhân ở Q.Bình Tân, TP.HCM – Ảnh: T.Đ.

 

* Ông có nói đến việc phát triển kinh tế tư nhân, cũng như ứng dụng công nghệ 4.0, chủ trương này ảnh hưởng thế nào đến năng suất lao động của nền kinh tế hiện còn ở mức thấp?

– Trong bối cảnh dư địa chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ không còn nhiều, những chính sách cơ cấu nhằm giải phóng và tạo năng lực sản xuất mới như phát triển kinh tế tư nhân, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước… hoàn toàn có khả năng tạo ra đột phá về cải thiện năng suất lao động, về tốc độ tăng trưởng. 

Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách tổng thể cho khối kinh tế tư nhân để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia và phát triển của khối tư nhân vào nền kinh tế trên cơ sở bám sát nghị quyết 10-NQ/TW 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi khu vực này với sự năng động và linh hoạt vốn có, sẽ là động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và là một trong các đòn bẩy quan trọng, tạo sự cạnh tranh, linh hoạt cho nền kinh tế.

Việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển nguồn nhân lực cũng góp phần tăng năng suất lao động và tính cạnh tranh của nền kinh tế. 

Trong báo cáo “Tương lai số của chúng ta” do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 10-2018, ước tính đến năm 2022, kinh tế số đóng góp khoảng 60% GDP toàn cầu, cùng với đó là khoảng cách giữa nền kinh tế số và nền kinh tế thực, giữa xã hội số và xã hội thực dần xóa nhòa. 

Vì vậy đây là cơ hội để Việt Nam tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và đưa nền kinh tế số thực sự trở thành một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong thời gian tới, bởi trong thời đại công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo thì những rào cản công nghệ truyền thống không còn là khoảng cách lớn nữa, cơ hội được chia đều, tất cả các quốc gia đều cùng một vạch xuất phát và mọi quốc gia đều có thể vươn lên bứt phá.

Xin cảm ơn ông.

Nghị quyết đột phá

Tôi muốn nhắc đến ở đây là nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, được coi là đã “mở lối” cho khu vực kinh tế quan trọng này, tạo không khí phấn khởi cho cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Chỉ 4 tháng sau nghị quyết này được ban hành, Chính phủ đã có nghị quyết số 98/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện, với 4 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, gồm: hoàn thiện thể chế, chính sách; bãi bỏ các rào cản, điều kiện kinh doanh không cần thiết; tăng cường khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng và các nguồn lực; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Sau hơn một năm thực hiện nghị quyết số 10-NQ/TW, dù thời gian chưa đủ để đánh giá toàn diện những thành tựu cũng như hạn chế, song có thể nhận thấy khu vực kinh tế tư nhân đã được tiếp thêm sức mạnh.

Chưa bao giờ khu vực tư nhân Việt Nam có “cơ hội vàng” để bứt phá như hiện nay.

 

LÊ THANH