23/12/2024

Căng mình phòng dịch tả heo châu Phi lan vào phía Nam

Dù dịch tả heo châu Phi (AFS) xảy ra ở 2 tỉnh miền Bắc đã được xử lý, cơ quan chức năng TP.HCM đang triển khai nhiều chốt chặn heo có dấu hiệu bệnh hoặc không rõ nguồn gốc.

 

Căng mình phòng dịch tả heo châu Phi lan vào phía Nam

Dù dịch tả heo châu Phi (AFS) xảy ra ở 2 tỉnh miền Bắc đã được xử lý, cơ quan chức năng TP.HCM đang triển khai nhiều chốt chặn heo có dấu hiệu bệnh hoặc không rõ nguồn gốc.


Căng mình phòng dịch tả heo châu Phi lan vào phía Nam - Ảnh 1.

Đa số hộ nuôi heo tại Việt Nam ở quy mô nhỏ, tình trạng vận chuyển heo giữa các địa phương khó kiểm soát dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao – Ảnh: TRẦN MẠNH

Sau khi công bố phát hiện một số ổ dịch tả heo châu Phi ở Hưng Yên và Thái Bình, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, tiêu hủy những đàn heo AFS.

Nếu thấy triệu chứng như heo sốt cao trên 40 độ, xảy ra ở tất cả các nhóm heo, người nuôi cần báo ngay cho cơ quan thú y. Mỗi ký heo hơi bị tiêu hủy do dịch, người nuôi được hỗ trợ 38.000 đồng.

Ông Nguyễn văn Long (trưởng phòng dịch tễ, Cục Thú y)


Nguy cơ dịch vào phía Nam rất cao

Đến nay, tính từ ổ dịch đầu tiên phát hiện tại thành phố Hưng Yên, đã qua 20 ngày theo dõi và lấy mẫu kiểm nghiệm thường xuyên đều cho kết quả âm tính. Ở những vùng có nguy cơ xảy ra dịch cũng được lấy mẫu liên tục, hàng ngàn mẫu đã được lấy đem đi phân tích nhưng không phát hiện ổ dịch mới.

Tuy nhiên, theo ông Phùng Đức Tiến – thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguy cơ lây nhiễm dịch tả heo tại các tỉnh phía Nam rất cao. “Loại dịch này do virút lây lan qua tiếp xúc, qua đường thức ăn, qua vận chuyển hay qua vật chủ trung gian… nên việc ngăn chặn khó khăn nhất là dịp trước và sau tết”, ông Tiến khuyến cáo.

Đặc biệt, nguy cơ virút từ Trung Quốc vẫn còn vì dịch tại nước này đang diễn biến phức tạp, với 105 ổ dịch ở 25/32 tỉnh, số heo bị tiêu hủy gần 1 triệu con. Trong khi đó, riêng tại một cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh, mỗi ngày có hàng chục ngàn người đi lại qua biên giới, nên nguy cơ mang theo mầm bệnh cao.

Theo ông Tiến, thời gian qua các cơ quan chức năng đã kiểm tra và tiêu hủy rất nhiều sản phẩm có nguy cơ mang mầm bệnh vào Việt Nam, nhưng rất khó ngăn chặn hoàn toàn.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trí Công – chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, các chủ trại đã chủ động thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, phòng tránh dịch bệnh. Tuy nhiên, do dịch bệnh chưa có văcxin phòng chống và virút lây lan qua nhiều đường nên không thể yên tâm.

Trong khi đó, giá heo hơi tại các địa phương hiện chênh lệch nhau khá lớn dẫn đến tình trạng vận chuyển qua lại giữa các địa phương nhiều hơn, càng làm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

“Chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi khi heo đã đạt trọng lượng 80 kg/con trở lên có thể bán nếu được giá thay vì để 100 kg/con như thông thường. Đây không phải là bán chạy heo mà là giảm lượng heo trong trang trại xuống để phòng chống dịch bệnh dễ dàng hơn”, ông Công nói.

Tăng cường chốt chặn heo vào thành phố

Theo đại diện Chi cục Thú y tỉnh Long An, do chăn nuôi của Việt Nam chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ nên cơ quan thú y khó bao quát và xử lý dịch bệnh kịp thời nếu không có sự hợp tác từ người nuôi. Ngoài ra, các lò mổ lậu, mổ tại gia có thể mổ heo dịch bệnh và tìm mọi cách tuồn ra chợ lẻ.

Một cán bộ thú y TP.HCM cho biết cái khó là các lò mổ nhiều nguồn heo, trong đó có cả heo miền Bắc được “hợp thức hóa” với nguồn heo tại chỗ nên dịch bệnh càng khó kiểm soát. Việc lấy mẫu, tạm giữ heo nếu có, sẽ chủ yếu dựa trên biểu hiện lâm sàng. Trong khi đó, nhiều trường hợp heo nhiễm dịch tả châu Phi có thời gian ủ bệnh 3-10 ngày đầu với biểu hiện chưa rõ ràng, nếu không kiểm tra kỹ rất dễ lọt vào lò mổ và ra thị trường.

Ông Lê Việt Bảo – chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM – cho hay TP.HCM đã hoàn thành các mẫu tuyên truyền phòng chống, hướng dẫn an toàn sinh học chăn nuôi, biểu hiện heo bị dịch bệnh để chuyển đến từng hộ chăn nuôi. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường chốt chặn xe tại các điểm giao thông quan trọng, cửa ngõ vào TP.HCM, kể cả xe khách.

“Ngoài 5 điểm chốt cố định ở các tuyến đường huyết mạch hoạt động hết công suất, TP sẽ tăng cường 3 đoàn liên ngành chốt chặn kiểm tra trên cao tốc. Nếu thịt không rõ nguồn gốc, heo chết bất thường, có nguồn gốc từ phía Bắc sẽ bị giữ lại để lấy mẫu, kiểm tra”, ông Bảo nói.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM – cũng cho hay đã tổ chức các đội liên ngành để kết hợp các quận, huyện kiểm tra thịt heo ở chợ lẻ, chợ đầu mối. Ngoài các phương pháp lấy mẫu, sẽ tăng cường truy ngược lại nguồn gốc thịt heo bán tại chợ lẻ…

Theo bà Lan, công tác giám sát heo tại trại nuôi và lò mổ rất quan trọng. Nếu trường hợp để heo bệnh lọt ra chợ lẻ, việc kiểm tra rất gian nan. Việc phát hiện virút bệnh này chủ yếu là thử huyết thanh, nếu heo đã giết mổ thì việc kiểm nghiệm trở nên phức tạp và khẳng định: “Thịt heo nhiễm dịch tả hiện không gây hại trên người. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên mua thịt có nguồn gốc rõ ràng, ăn thịt heo phải nấu chín…”.

Ông Nguyễn văn Long (trưởng phòng dịch tễ, Cục Thú y):

Người nuôi và thương lái phải hợp tác ngăn dịch

 

onglongthuy

Ông Nguyễn Văn Long – Ảnh: Chí Tuệ

Đây là loại bệnh mới, xét nghiệm nhiều lần nên nhiều phương pháp xét nghiệm virút dịch tả châu Phi của các doanh nghiệp hiện nay cho ra kết quả “ảo”, dương tính không đúng. Để đảm bảo chính xác, các mẫu cần được kiểm nghiệm ở 8 trung tâm của Cục Thú y được rải đều ở các địa phương lớn trên cả nước. Chỉ cần 3-5 giờ sau khi tiếp nhận mẫu sẽ cho ra kết quả.

Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chỉ đạo khẩn cho các địa phương ứng phó. Ngoài ra, các cách nhận biết, chuyên môn về dịch bệnh cũng đã công bố rộng rãi và có cả kịch bản ứng phó khi dịch bùng phát.

Thời gian tới, Cục Thú y sẽ trực tiếp làm việc với nhiều địa phương cả nước để ngăn không cho dịch bùng phát. Tuy nhiên, quan trọng nhất là sự hợp tác của người nuôi, nếu người nuôi và thương lái không hợp tác, sẽ rất khó khăn trong việc ngăn dịch bùng phát.

Tương đồng với virút AFS tại Trung Quốc?

Ngay sau khi xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của heo bệnh tại Hưng Yên và Thái Bình có kết quả dương tính đối với bệnh AFS, Cục Thú y đã chỉ đạo Chi cục Thú y vùng VI tiến hành giải trình tự gen (vùng gen p72) của các mẫu virút AFS tại Việt Nam.

Kết quả phân tích cho thấy các virút AFS phát hiện tại Hưng Yên và Thái Bình có độ tương đồng về nucleotide 100% so với virút dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Trung Quốc năm 2018 và tại Nga năm 2017.

 

TRẦN MẠNH – NGUYỄN TRÍ