Không thể biến học sinh thành… chuột bạch với STEAM
Đó là ý kiến của thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Bùi Thế Duy tại buổi tọa đàm về giáo dục STEAM được tổ chức tại ĐH Fulbright Việt Nam ngày 7-4.
Không thể biến học sinh thành… chuột bạch với STEAM
Đó là ý kiến của thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Bùi Thế Duy tại buổi tọa đàm về giáo dục STEAM được tổ chức tại ĐH Fulbright Việt Nam ngày 7-4.
Theo ông Duy, các trường phổ thông, đại học khi muốn áp dụng STEM hay STEAM cần phải có quá trình chứ không thể đại trà và mang tính hình thức.
“Học sinh như tờ giấy trắng, chúng ta không thể đưa các em ra thành chuột bạch được. Chúng ta phải có thí điểm, và khi thấy kết quả tốt, có lợi mới nhân rộng. Không thể một ngày đẹp trời các em đang học như bình thường, chúng ta tự dưng bắt các em hãy tự ra ngoài tìm kiếm vấn đề, bài toán tự giải quyết như với STEM hay STEAM.
Theo tôi, đó là sai lầm của nhiều giáo viên hay một số trường khi ngay lập tức đặt ngay vấn đề học sinh hãy làm nhóm đi, hãy sáng tạo đi, giải quyết vấn đề đi… Điều này có thể gây ra hiệu ứng ngược bởi thực tế trong các kỳ thi sáng tạo, nhiều sản phẩm của học sinh đều là do bố mẹ làm”, ông Duy nói.
Để giáo dục STEM hay STEAM có thể được nhân rộng, theo ông Duy ban đầu cần sự bắt buộc, chẳng hạn có thể đưa hình thức giáo dục này vào các chương trình đào tạo như trong các dự án kiểm tra cuối kỳ hay giữa kỳ.
Học qua dự án thường mất nhiều thời gian hơn cho người giảng dạy bởi liên tục phải ra đề bài mới, liên tục phải hướng dẫn, nghe thuyết trình và chấm điểm…, đòi hỏi nỗ lực rất lớn và đam mê ở giáo viên hay giảng viên.
Do đó, ông Duy cho biết cần có sự tác động và thúc đẩy từ phía nhà trường mới mong có thể tạo đà đưa STEAM vào thực tiễn rộng rãi ở các môn học.
Giám đốc học thuật ĐH Fulbright Việt Nam – ông Ryan Derby-Talbot – tại buổi tọa đàm – Ảnh: TRỌNG NHÂN
Giám đốc học thuật ĐH Fulbright Việt Nam – ông Ryan Derby-Talbot – cho biết trong STEAM hay bất cứ một hình thức giáo dục nào khác, các kỹ năng cơ bản sau luôn được đánh giá cao: tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, khả năng biểu đạt – thuyết phục, khả năng nhìn nhận, đánh giá vấn đề…
Thay đổi thói quen là chuyện không dễ mà cần nỗ lực. Điển hình, các sinh viên khi chuyển từ lớp 12 lên ĐH Fulbright được học năm đồng kiến tạo trước khi bước vào năm nhất để có thể hòa nhập vào môi trường mới, cách học mới.
“Và thực tế, việc thầy cô không dùng phương pháp giảng dạy mà chủ yếu là hướng dẫn, trong khi sinh viên tự tìm hiểu, tự làm dự án và rồi trình bày trở lại cho giảng viên giúp các em tiến bộ nhanh hơn nhiều so với chúng tôi kỳ vọng”, ông Ryan nói.
Theo ông Ryan Derby-Talbot, STEAM hướng đến giáo viên hơn là học sinh và thành công của STEAM chính là nằm ở sự sáng tạo của giáo viên.
STEM khác STEAM như thế nào?
Ông Trần Minh Triết (phải) – phó hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM – tại buổi toạ đàm – Ảnh: TRỌNG NHÂN
STEM là một phương pháp giáo dục tích hợp các ngành khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán (Mathematics). Gần đây, người ta bắt đầu nói nhiều đến STEAM, trong đó thành tố “A” là Nghệ thuật (Art) được đưa vào giữa những thuật ngữ khoa học – công nghệ trước đó.
Theo ông Triết, nguyên nhân của thay đổi là do các chuyên gia giáo dục bắt đầu nhận thấy bên cạnh khoa học công nghệ, toán học thì cần nghệ thuật để có sức sáng tạo.
“Đưa thêm phần Art từ STEM thành STEAM thì có thể tạo sự cân đối hài hòa giữa những phần chặt chẽ hợp lý của khoa học công nghệ và toán, và sự linh hoạt, cởi mở trong ý nghĩ tư tưởng.
Trong giáo dục STEAM, những người trước đây làm việc với STEM sẽ phải nghĩ nhiều hơn tới cộng đồng, với xã hội, và mục đích cuối cùng là hướng đến cách giải quyết những vấn đề cho xã hội, nghĩ đến những viễn cảnh rộng lớn hơn”, ông Triết nói.
Tuy nhiên, STEM vẫn là nền tảng để có khả năng đề xuất ra giải pháp chặt chẽ bên cạnh sự nhạy cảm, rung động khi quan sát các vấn đề xung quanh, có khả năng nhìn thấy các nhu cầu thực tế, có khả năng phá vỡ những gì đang có để tạo ra đột phá.