Tết sẻ chia cho thầy, trò vùng bão lũ: Đón tết trong mái lều tạm
Tết đang đến gần, nhưng ở vùng tâm bão số 12 tại Khánh Hoà, gia đình thầy giáo Nguyễn Ngọc Thơ (Trường phổ thông cấp 1, 2 Vạn Thạnh, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) vẫn còn sống bấp bênh trong mái lều tạm.
Tết sẻ chia cho thầy, trò vùng bão lũ: Đón tết trong mái lều tạm
Tết đang đến gần, nhưng ở vùng tâm bão số 12 tại Khánh Hoà, gia đình thầy giáo Nguyễn Ngọc Thơ (Trường phổ thông cấp 1, 2 Vạn Thạnh, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) vẫn còn sống bấp bênh trong mái lều tạm.
Tết là ngày gia đình đoàn tụ hướng về cội nguồn. Giờ tôi chỉ mong xây lại được chiếc bàn thờ đàng hoàng, thắp nén nhang thờ cúng tổ tiên, có nồi bánh chưng xanh để cả nhà quây quần như mọi năm
Thầy giáo NGUYỄN NGỌC THƠ
Trong túp lều thủng lỗ chỗ của thầy Thơ chỉ còn chiếc tivi đen trắng là có giá trị. Nhắc đến chuyện những ngày tết cổ truyền đang sắp đến gần, thầy Thơ chỉ lẳng lặng nhìn con trai đang chuẩn bị đồ đi lặn biển rồi thở dài: “Năm nay gia đình tôi chắc không có tết, con cái ai cũng chạy ăn từng bữa thì tâm trí đâu mà nghĩ đến tết”.
33 năm tích góp, đổ sập trong đêm
Cuối con đường đất đá lởm chởm ở thôn Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) có ba túp lều căng lên bằng bạt nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cấp 4. Đó là nơi trú ngụ của gia đình 9 người của thầy Thơ suốt hơn ba tháng sau bão số 12.
Giọng thầy nghẹn lại khi chia sẻ: “Hơn nửa đời người sống ở làng biển Đầm Môn này, biết bao thiên tai đã trải qua, không ngờ có ngày tôi phải đối diện với một cơn bão khủng khiếp khiến cuộc sống gia đình đảo lộn hoàn toàn”.
33 năm dạy học tích góp, thầy Thơ mới dựng được căn nhà cấp 4 cho gia đình. Hai con đầu, cứ hễ đến tuổi dựng vợ gả chồng, thầy Thơ lại xây nối thêm hai căn phòng ở phía sau cho con. Đêm bão số 12 ập vào, cả gia đình thầy Thơ đều ở trong căn nhà cấp 4 đã xiêu vẹo. Đến 23h, căn nhà bắt đầu tốc mái, tôn bay khắp nơi. Khoảng 30 phút sau, từng mảng ximăng, gỗ trên trần nhà bắt đầu rơi xuống…
“Hoảng sợ, mấy đứa nhỏ khóc ré lên. Thấy nhà tắm và phòng vệ sinh còn kiên cố, tôi cùng mấy đứa con ôm nhau chạy được vào đến nơi thì cả căn nhà đổ sập xuống ngay trước mắt” – thầy Thơ kể.
Vợ thầy Thơ nói rằng nhìn ngôi nhà sập, mấy mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Suốt đêm đó, cả gia đình chen chúc nhau trong nhà tắm và nhà vệ sinh 16m2, mưa gió liên hồi tạt vào khiến quần áo ướt nhem mà chỉ biết chắp tay cầu nguyện.
Mong con có giấc ngủ yên
Sau bão là một chuỗi ngày dài đằng đẵng với gia đình thầy Thơ khi cuộc sống đảo lộn, toàn bộ tài sản đã chôn vùi dưới đống đổ nát. Để có chỗ ăn ngủ, ba túp lều được dựng lên bằng cọc gỗ căng bạt phía trên. Đêm xuống, 9 người trong gia đình thầy Thơ lại chia nhau trải chiếu trong nhà tắm, lều, bạt để nằm ngủ.
“Chỉ thương mấy đứa con, mong sao tết đến chúng có chỗ để ngủ, không phải ở trong lều, nửa đêm lại tỉnh giấc vì mưa dột như bây giờ nữa” – thầy Thơ ngậm ngùi nói.
Vợ thầy Thơ kể chồng mắc chứng bệnh hoại tử chỏm xương đùi, vừa vay ngân hàng 113 triệu đồng chữa bệnh xong thì nay nhà lại đổ sập chẳng còn gì. Cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương giáo viên của thầy.
“Tôi bị bệnh suyễn mấy năm nay không làm được việc nặng. Sau bão, hai con tôi tiếp tục đi biển câu mực, lặn bắt nghêu sò đem bán để đắp đổi qua ngày. Thương nhất là đêm xuống, anh Thơ lại mò mẫm trong lều soạn giáo án cho kịp tiết dạy ngày mai” – vợ thầy Thơ kể.
Thầy Đinh Văn Truyền, phó hiệu trưởng Trường phổ thông cấp 1, 2 Vạn Thạnh, cho biết cơn bão số 12 đã khiến việc dạy và học tại 4 điểm trường với hơn 600 học sinh bị gián đoạn do cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bị hư hỏng nặng. Ngay sau khi bão đi qua, nhà của 52 cán bộ, giáo viên của trường bị hư hỏng nặng, có nhà bị sập, nhà tốc mái…
Tuy vậy, ai cũng gác lại niềm riêng, tập trung đến các điểm trường khắc phục hậu quả, ổn định việc dạy và học.
Ông Nguyễn Thành Nam, chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, cho biết những trường hợp đặc biệt khó khăn có nhà sập hoàn toàn sau bão số 12 đã nhận được hỗ trợ từ nguồn UBND tỉnh. Riêng đối với trường hợp của thầy Thơ, hiện xã mới chỉ hỗ trợ được một chiếc lều di động cùng 7 triệu đồng để gia đình khắc phục sau bão.
“Thiệt hại sau bão là quá lớn, nên với số tiền này mới chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, chưa thể giúp người dân ổn định lại như trước được” – ông Nam nói.
Mời bạn đọc tham gia sẻ chia
Chương trình “Tết sẻ chia cho thầy, trò vùng bão lũ” dự kiến trao 4.800 phần quà, tổng trị giá 2,4 tỉ đồng (mỗi phần quà 500.000 đồng) cho người dân bị thiệt hại do bão lũ trong năm 2017.
Mời bạn đọc cùng tham gia chương trình, có thể ủng hộ trực tiếp tại tòa soạn (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc tại các văn phòng đại diện của báo Tuổi Trẻ trên cả nước. Hoặc chuyển qua tài khoản báo Tuổi Trẻ: số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ. Tài khoản USD: 007.137.0195.845. Tài khoản EUR: 007.114.0373.054. Swift code: BFTVVNVX007. Nội dung ủng hộ chương trình “Tết sẻ chia cho thầy, trò vùng bão lũ”.
Báo TUỔI TRẺ