Nên ăn nhanh hay ăn chậm?
Nên ăn nhanh hay ăn chậm?
Nếu để ý, chúng ta dễ nhận thấy có người ăn uống rất vội vàng, người lại từ tốn nghiền thức ăn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng việc ăn nhanh hay ăn chậm tác động đến cơ thể như thế nào.
Trên chuyên trang dinh dưỡng Precision Nutrition, chuyên gia Brian St. Pierre (đang làm việc tại Mỹ) cho biết khi ăn quá nhanh, chúng ta thường ăn nhiều hơn mức cần thiết, dẫn đến tiêu hóa kém, tăng cân và mất kiểm soát thói quen ăn uống.
Cụ thể, chuyên gia Pierre giải thích rằng thông thường, phải mất khoảng 20 phút kể từ khi bắt đầu bữa ăn để não gửi đi tín hiệu no. Do đó, nếu ăn quá nhanh thì cơ thể sẽ không kịp nhận ra là đã no, và sẽ tiếp tục nạp thêm một lượng thức ăn không cần thiết.
Nếu ăn quá nhanh thì cơ thể sẽ không kịp nhận ra là đã no MINH HỌA: SHUTTERSTOCK |
Trong một nghiên cứu của Đại học Rhode Island (Mỹ), các chuyên gia đã tiến hành phục vụ bữa trưa với cùng 1 món ăn cho 30 phụ nữ có cân nặng bình thường. Họ cũng được chia thành 2 nhóm, gồm nhóm ăn nhanh và nhóm ăn chậm.
Kết quả sau đó cho thấy khi ăn nhanh, những người phụ nữ tiêu thụ đến 646 calo trong 9 phút. Còn khi ăn chậm, với thời gian ăn lên đến 29 phút, các nữ tình nguyện viên tiêu thụ chỉ 579 calo.
Ngoài ra, nhóm phụ nữ ăn bữa trưa vội vàng cũng báo cáo rằng họ đói nhanh hơn 1 giờ so với nhóm ăn trưa chậm rãi. Nghiên cứu kết luận ăn nhanh không chỉ dẫn đến lượng thức ăn tiêu thụ nhiều hơn, dễ gây thừa calo và khiến chúng ta mau đói hơn.
Chuyên gia Pierre nhấn mạnh học cách ăn chậm hơn là một trong những điều đơn giản nhưng hiệu quả nhất mà ta có thể làm để cải thiện sức khỏe tổng thể của mình. Ăn chậm sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, cân nặng được kiểm soát dễ dàng và giúp ta không khó chịu sau bữa ăn.
“Thời gian lý tưởng cho một bữa ăn nên kéo dài từ 20-30 phút. Bạn nên cắn nhỏ thức ăn và nhai kỹ, điều này không chỉ giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn, mà còn làm tăng trải nghiệm hương vị, giúp bạn có bữa ăn trọn vẹn”, chuyên gia Pierre nói.
TRÀ LINH
TNO