Khe cửa hẹp cho hoà bình ở Ukraine
Khe cửa hẹp cho hoà bình ở Ukraine
Trong một tuần qua, cả Nga lẫn Ukraine đều đề cập tới nhu cầu về một cuộc đàm phán chấm dứt giao tranh tại Ukraine. Điều mà dư luận muốn biết nhất lúc này là mức độ sẵn sàng thực chất của mỗi bên ra sao trong đề xuất đàm phán đó.
Hôm 26-12, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trả lời phỏng vấn Hãng tin AP và đã đề cập tới sáng kiến về một “thượng đỉnh hòa bình” diễn ra vào cuối tháng 2-2023 với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres làm trung gian.
Đàm phán là giải pháp
Ngoại trưởng Kubela khẳng định Ukraine sẽ làm tất cả những gì có thể để thắng cuộc chiến trong năm 2023 nhưng cũng lưu ý: “Mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng ngoại giao. Mọi cuộc chiến đều kết thúc theo cách là kết quả của những hành động trên chiến trường và bàn đàm phán”.
Ý kiến của ngoại trưởng Ukraine có phần giống với những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói trong cuộc họp báo ngày 22-5, khi ông nhấn mạnh mọi cuộc chiến rồi cũng phải kết thúc bằng đàm phán và ngoại giao.
Đối với những người mong chiến tranh kết thúc, đây là những điểm sáng khi hai bên rốt cuộc cũng thừa nhận đàm phán là giải pháp. Nhưng cả Ukraine và Nga đều chưa cho thấy điểm chung ở nội dung đàm phán cụ thể. Các phát biểu khác liên quan cũng như tình hình thực địa cũng không ủng hộ khả năng có đàm phán thực tế.
Ukraine cáo buộc Nga bất nhất giữa “thiện chí đàm phán” và số tên lửa phóng ra. Matxcơva cũng khẳng định Kiev từ chối đàm phán và không lý nào đưa ra đề nghị đàm phán hòa bình khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tuyên bố sẽ không bao giờ đàm phán nếu ông Putin còn tại vị.
Nói cách khác, các phát biểu về đàm phán hòa bình là điểm sáng hiếm hoi nhưng đầy hoài nghi trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đã bước vào tháng thứ 11 và hai bên đang chuẩn bị cho viễn cảnh giao tranh tiếp diễn trong năm 2023.
Ukraine đã chuẩn bị hành trang với hy vọng từ hai gói viện trợ mới của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), trong khi phương Tây lo ngại Nga đang ráo riết chuẩn bị cho một đợt tấn công mới.
Quyết định tùy ở mỗi bên
Đối với Nga, việc nhắc tới đàm phán dường như là chiêu bài gây áp lực lên phương Tây – nơi các chính trị gia ủng hộ Kiev đang đối mặt với một số luồng quan điểm chống đối và mất dần kiên nhẫn với cuộc chiến tại Ukraine.
Để giải mã thông điệp về các tuyên bố đàm phán vừa qua, có thể quay lại thời điểm tháng 11 năm nay, khi xuất hiện những thông tin cho rằng quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc giục Ukraine “bày tỏ thiện chí” đàm phán với Nga.
Dù Washington nhấn mạnh không thể ép Ukraine ngồi vào bàn đàm phán khi bị tấn công và mất bốn vùng sáp nhập vào Nga, đây cũng là cách để trấn an dư luận về khả năng giao tranh chấm dứt. Kể từ lúc ấy, Ukraine đã nhắc tới đàm phán kèm theo những điều kiện. Phát biểu của Ngoại trưởng Kubela cũng được đưa ra sau khi ông Zelensky tới Mỹ gặp ông Biden và các nghị sĩ Mỹ.
Tại cuộc họp báo chung ở tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 21-12, ông Zelensky khẳng định “năm sau sẽ là một bước ngoặt”. Ở cuộc phỏng vấn với AP nêu trên, ông Kubela cũng nhắc lại cột mốc 2023 như thời điểm cho quyết tâm thắng lợi của Ukraine và cũng có khả năng là một “hạn chót” cho nỗ lực của họ. Đây là chi tiết phản ánh nỗi lo về việc chiến sự sẽ kéo dài thay vì được giải quyết tại một cuộc họp thượng đỉnh hòa bình vào cuối tháng 2 năm sau như đề xuất của Ukraine.
Các điều kiện tiên quyết của Ukraine hiện nay bao gồm việc trả lại lãnh thổ và rút quân, đều là cái người Nga đã khẳng định không đáp ứng. Bàn về khả năng chấm dứt giao tranh, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng hoặc Ukraine chấp nhận các đề xuất của Nga vì lợi ích của mình hoặc quân đội Nga sẽ quyết định.
“Các đề xuất của chúng tôi về phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa ở những vùng do Kiev kiểm soát, loại bỏ các đe dọa với an ninh của Nga, bao gồm cả những vùng đất mới của chúng tôi, đã được phía Ukraine biết rõ. Chuyện rất đơn giản ở đây: hãy thực hiện chúng vì lợi ích của các anh, bằng không vấn đề sẽ do quân đội Nga quyết định”, ông Lavrov nói.
Xung đột kéo dài đến bầu cử Mỹ?
Cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt giữa hai bên khiến đàm phán hòa bình ngay lập tức là điều bất khả thi, thậm chí có đàm phán cũng phải mất thêm vài tháng, như nhận xét của AP.
Trả lời báo Tây Ban Nha El Pais, chuyên gia về Ukraine tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu, cũng cho rằng ông Putin muốn kéo dài cuộc chiến nhằm đẩy Ukraine vào cảnh khó khăn cũng như khiến sự ủng hộ quốc tế cạn kiệt. “Có lẽ ông ta (Putin) sẽ kéo dài cuộc chiến tới 2024, năm có tổng tuyển cử Mỹ. Hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra”, ông Lasheras nói.