Vướng rào cản, gói hỗ trợ lãi suất 2% cần… giải cứu

Vướng rào cản, gói hỗ trợ lãi suất 2% cần… giải cứu

Trái với kế hoạch các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỉ đồng cho vay chỉ riêng trong năm 2022, tương đương số tiền lãi hỗ trợ khoảng 16.035 tỉ đồng. Nhưng thực tế doanh số cho vay của chương trình mới đạt gần 3.000 tỉ đồng với dư nợ 25.000 tỉ đồng.

 

 

 

Vướng rào cản, gói hỗ trợ lãi suất 2% cần... giải cứu - Ảnh 1.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% vướng rào cản khiến khó triển khai nhiều tháng qua. Trong ảnh: giao dịch tại một ngân hàng ở TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nguyên tắc được hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải có khả năng trả nợ và phục hồi. Bản thân ngân hàng thương mại không dám khẳng định khách hàng có khả năng phục hồi hay không, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động lớn.

Bà Hà Thu Giang (phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế)

Như vậy, số tiền hỗ trợ lãi suất là 78 tỉ đồng. Kết quả này thực sự chưa đạt như kỳ vọng ban đầu.

 

Nhiều rào cản khiến hỗ trợ cũng gặp khó

Tại buổi họp báo công bố thông tin hoạt động ngân hàng (NH) năm 2022 và định hướng 2023 do NH Nhà nước tổ chức ngày 27-12, câu chuyện ách tắc giải ngân gói 2% lại một lần nữa được đặt ra.

Bà Hà Thu Giang – phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NH Nhà nước – thông tin đến cuối tháng 11, doanh số cho vay của chương trình mới đạt gần 3.000 tỉ đồng với dư nợ 25.000 tỉ đồng. Số tiền hỗ trợ lãi suất là 78 tỉ đồng.

Về khó khăn trong quá trình triển khai chính sách này, theo bà Giang, qua báo cáo của các NH thương mại, vướng mắc chủ yếu là tâm lý e ngại của các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ việc thanh tra, kiểm toán của cơ quan chức năng sau khi được hỗ trợ lãi suất.

Ngoài ra, nguyên tắc được hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải có khả năng trả nợ và phục hồi. Nhưng NH thương mại không dám khẳng định khách hàng có khả năng phục hồi hay không, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động lớn. Mặt khác, bản thân doanh nghiệp cần đáp ứng nhu cầu vốn hơn là hỗ trợ lãi suất. Doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ trực tiếp như giảm thuế.

“Trường hợp chính sách có hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí khả năng phục hồi của khách hàng thì tiến độ hỗ trợ có thể tốt hơn. Tuy nhiên, không thể hỗ trợ được hết 40.000 tỉ đồng mà ngân sách bố trí cho chương trình”, bà Giang nói.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, một rào cản khác là có những ngành nghề được vay, có ngành nghề lại không, dẫn tới những doanh nghiệp đa ngành nghề phải bóc tách cũng là cả vấn đề.

Tại một hội thảo gần đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, cho hay ngành du lịch và hàng không cũng đang thiếu vốn trầm trọng nhưng chính sách thiết kế cho hai ngành này gần như không có.

Việc khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất xuất phát từ phía đối tượng vay, chưa kể hầu hết các NH luôn trong cảnh hết hoặc gần hết room nhiều tháng qua cũng khiến việc giải ngân cho gói hỗ trợ 2% khó khăn. Bản thân NH cũng không tích cực quảng bá vì vay thường đã không có room thì làm sao mà quảng bá vay hỗ trợ lãi suất.

 

Đề xuất mở rộng đối tượng và điều chuyển nguồn

Từ thực tế trên, bà Giang cho hay NH Nhà nước cũng đã báo cáo Chính phủ cho chuyển nguồn sang nhiệm vụ chi có khả năng hấp thụ tốt hơn như chương trình cho vay giải ngân qua NH Chính sách xã hội như cho vay giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ của chương trình cũng có thể được chuyển sang các chính sách miễn giảm thuế. NH Nhà nước gửi dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 31 để lấy ý kiến các bộ ngành và sẽ tổng hợp để báo cáo Chính phủ chính sách hỗ trợ lãi suất 2% trong thời gian tới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong khi chờ ban hành chính sách mới, NH Nhà nước tiếp tục triển khai hỗ trợ lãi suất 2%/năm như hiện hành. Theo đó, ngoài việc kết nối với các doanh nghiệp, hiệp hội để tuyên truyền chính sách này, NH Nhà nước vẫn giao các NH thương mại cân đối nguồn triển khai gói này một cách quyết liệt.

Về việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất, ông Tú cho rằng có ý kiến đề xuất nên hỗ trợ lãi suất 2% cho người mua nhà ở xã hội.

“Quan điểm của NH Nhà nước là rất cần thiết. Như NH Nhà nước đề xuất hỗ trợ đối tượng vay vốn phục vụ sản xuất theo chương trình giải quyết việc làm nghị định 61 năm 2015. Cái này rất cần vốn, vốn sử dụng rất thiết thực mà lại thiếu. Mỗi hộ chỉ vay tối đa 100 triệu đồng qua NH Chính sách xã hội.

Trong khi đó, 40.000 tỉ đồng khả năng không sử dụng hết trong năm nay và năm sau. Do đó, đối tượng thụ hưởng chính sách này nên linh hoạt điều chỉnh. Nội dung này NH Nhà nước đã kiến nghị lên Thủ tướng rồi” – ông Tú nhấn mạnh.

 

Tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng với bất động sản nghỉ dưỡng

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đào Minh Tú cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Riêng tín dụng với bất động sản, ông Tú nhấn mạnh năm 2023 sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ với sản phẩm phân khúc nghỉ dưỡng, có tính chất đầu tư, đầu cơ… Về tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, quan điểm của NH Nhà nước là phải đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, ổn định, không để bong bóng, không để đóng băng.

Về điều hành lãi suất trong năm sau, NH Nhà nước yêu cầu các NH thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí, thậm chí giảm lợi nhuận chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân.

Chia sẻ thêm, ông Phạm Chí Quang – vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NH Nhà nước) – nhận định nền kinh tế có độ mở cao với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay chiếm gần 190% GDP. Nên tác động của kinh tế thế giới, nhất là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến vẫn tăng lãi suất trong năm sau sẽ gây áp lực rất lớn lên tỉ giá của Việt Nam.

Do vậy, chỉ tiêu tín dụng năm 2023 được NH Nhà nước cân nhắc thận trọng với quan điểm cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát.

LÊ THANH – ÁNH HỒNG