02/01/2025

Bộ Nông nghiệp muốn tháo gỡ quy định về thuế khiến nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ khó khăn

Bộ Nông nghiệp muốn tháo gỡ quy định về thuế khiến nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ khó khăn

Trong công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh việc xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo phương pháp xác minh thông qua UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của cơ quan thuế là chưa phù hợp.

 

 

 

Bộ Nông nghiệp muốn tháo gỡ quy định về thuế khiến nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ khó khăn - Ảnh 1.

Sản xuất tại một doanh nghiệp đồ gỗ ở Bình Dương – Ảnh: BÁ SƠN

Ngày 5-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) cho doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Theo Bộ NN&PTNT, trong những năm qua, gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước là nguồn cung chủ yếu và quan trọng, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu nguyên liệu, giúp cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam liên tục tăng trưởng. Điển hình năm 2021 xuất khẩu đạt 16,3 tỉ USD.

Theo quy định tại thông tư số 27-2018 của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản thì gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp, người dân tự quyết định việc khai thác, tự lập bảng kê lâm sản, tự do lưu thông và không phải xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước.

“Như vậy, việc xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo phương pháp kiểm tra, xác minh thông qua UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của cơ quan thuế là chưa phù hợp” – Bộ NN&PTNT nêu trong công văn.

Ngoài ra, theo văn bản số 2124 ngày 22-5-2020 của Tổng cục Thuế xác định các doanh nghiệp và ngành nghề có rủi ro trong việc hoàn thuế VAT, trong đó chỉ đánh giá trên cơ sở các công ty sản xuất và kinh doanh ván dán.

Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm đồ mộc nội thất, ngoại thất, dăm gỗ và viên nén đều bị xem xét là có nguy cơ rủi ro cao trong việc hoàn thuế VAT.

Do vậy, cơ quan thuế cần có những đánh giá kỹ lưỡng hơn trong việc phân loại, áp dụng rủi ro đối với các sản phẩm gỗ, nhất là đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có uy tín.

Bộ NN&PTNT cũng cho rằng việc các cơ quan thuế tiến hành xác minh nguồn gốc gỗ của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và giải quyết hoàn thuế VAT kéo dài nhiều tháng đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ.

Để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chỉ đạo các cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách liên quan đến thuế VAT.

Trước đó vào đầu tháng 11, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) vừa có công văn gửi Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT.

Theo Viforest, trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, EU và Anh đang suy giảm 40 – 50%, dòng tiền đầu vào của các doanh nghiệp đang bị ách tắc trong khâu hoàn thuế VAT làm cho các doanh nghiệp đã khó khăn càng khốn đốn hơn.

Theo ước tính, lượng thuế VAT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới khoảng 1.000 tỉ đồng, với hàng trăm doanh nghiệp hiện chưa được hoàn thuế.

Có doanh nghiệp có số tiền thuế chưa được hoàn lên tới 200 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp 40 – 50 tỉ đồng, trong khi quy định hoàn thuế không quá 40 ngày.

Khó khăn trong khâu hoàn thuế hiện đã dẫn đến thực trạng một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu, một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.

CHÍ TUỆ
TTO