21/12/2024

Tồn tại hay không tồn tại?

Tồn tại hay không tồn tại?

Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) ra đời cách đây nhiều thập niên và luôn được coi là một trong những trụ cột chính của cấu trúc an ninh tập thể cho châu Âu.

 

 

 

Tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên OSCE đang diễn ra ở thành phố Lodz của Ba Lan, tổ chức này trong thực chất bị đẩy đến trước nguy cơ phải lựa chọn giữa tiếp tục tồn tại hay không cần phải tồn tại nữa.

Tồn tại hay không tồn tại? - ảnh 1
Hội nghị đang diễn ra ở Ba Lan  AFP

Có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là chiến sự Nga – Ukraine đã làm cho OSCE tổn hại về uy danh khi OSCE gần như không đóng vai trò gì đáng nói trong việc ngăn ngừa chiến sự và trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình cho xung đột. Chiến sự ở Ukraine đã cho thấy OSCE không có đủ khả năng lớn để gây dựng, duy trì và thúc đẩy an ninh và hợp tác ở châu Âu trong thế giới hiện đại.

Thứ hai là các thành viên OSCE thuộc khối các nước phương Tây cô lập và tẩy chay Nga. Bằng chứng mới nhất là Ba Lan từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho ngoại trưởng Nga tham dự hội nghị ở Lodz mặc dù suốt từ năm 1995 đến nay, Nga – một thành viên của tổ chức – luôn tham dự những hội nghị như thế của OSCE ở cấp bộ trưởng. OSCE bị vạ lây bởi chính sách này của Ba Lan và các thành viên khác hiện đối địch Nga. Không có sự hợp tác và đồng thuận của Nga, OSCE không thể thông qua được những quyết sách quan trọng hàng đầu về định hướng hành động, về ngân sách hoạt động hàng năm của tổ chức, về bầu chọn chủ tịch OSCE luân phiên cho năm 2024.

Nói theo cách khác, cứ như thế thì OSCE không thể hoạt động được trên thực tế và trong thực chất hoàn toàn không thể làm nên công chuyện lớn trong khi chính vào thời điểm hiện tại OSCE càng cần phải chủ động, tích cực và sáng tạo thực thi sứ mệnh lịch sử của tổ chức. Tồn tại mà như không tồn tại thì thật cay đắng đối với OSCE.

 

PHẠM LỮ

TNO