Cơ hội và thách thức cho yến sào Việt Nam
Cơ hội và thách thức cho yến sào Việt Nam
Ngành nuôi yến, khai thác yến sào mấy ngày gần đây xôn xao vì thông tin được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay tại thị trường nội địa, việc mua bán tổ yến và sản phẩm yến sơ chế vẫn còn nhiều lỗ hổng quản lý.
Cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ để yến sào trong nước có thể đẩy mạnh vào thị trường đầy tiềm năng này.
Bỏ ngỏ thị trường nội địa
Cách đây hơn 1 tháng, chị T.H.P.A, ngụ tại đường Trường Chinh, Q.12 (TP.HCM), lên mạng tìm mua tổ yến để thăm bệnh. Lựa chọn cân nhắc nhiều quảng cáo, chị A. đồng ý mua 2 hộp tổ yến trọng lượng 200 gr để gửi tặng người thân, tổng cộng 6,5 triệu đồng. Khi người nhà của chị A. lấy tổ yến ra sử dụng mới tá hỏa vì yến nấu xong đã đông đặc lại như rau câu. Xem kỹ thì toàn bộ hộp yến này đều được đắp bằng khuôn, nhìn bên ngoài thì giống tổ yến sau khi làm sạch, nhưng thực chất chỉ là các chất tổng hợp có màu sắc tương tự. Chị P.A liên lạc lại với người bán nhưng không được, đành chấp nhận “tiền mất, tật mang”, xem như một bài học nhớ đời.
Thu hoạch yến sào tại một cơ sở ở TP.HCM THU THỦY |
Chị Nguyễn Thị Ngoan, ngụ tại P.Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức (TP.HCM), kể: “Tôi thường xuyên mua tổ yến về chưng, tuy nhiên mỗi nơi bán lại có giá và chất lượng khác nhau. Có lần tôi mua tổ yến giá 2,9 triệu đồng/lạng, rẻ hơn vài trăm ngàn so với giá thị trường nhưng chưng lên thì phát hiện có hiện tượng pha bột vào. Rõ ràng thị trường yến hiện nay rất loạn giá và chất lượng cũng không biết đâu mà lần. Chỉ có thể tin tưởng vào người quen hoặc biết rõ nơi sản xuất”.
Không chỉ tổ yến thô sơ chế, người tiêu dùng hiện nay còn hoa mắt chóng mặt với các sản phẩm yến chế biến, đóng chai, đóng hũ được bán tràn lan trên mạng. Theo lời quảng cáo của một chủ kênh YouTube tên L.P, chúng tôi liên hệ điện thoại để hỏi mua sản phẩm yến chưng sẵn. Dù cố gắng thuyết phục người bán cho biết địa chỉ để đến tận nơi lấy hàng nhưng người này luôn tránh né, không cho biết địa chỉ và nói rằng miễn phí ship (vận chuyển) đến tận nhà của khách. Sau cùng, chúng tôi đành mua 1 hộp sản phẩm gồm 10 hũ yến chưng sẵn với giá 500.000 đồng. Khi nhận hàng, nhìn bên ngoài hũ yến được đóng chai sơ sài, tem nhãn dán xộc xệch với con số “35% yến thật”, và đặc biệt là không có thông tin cơ sở sản xuất.
Thị trường yến sào nội địa hiện nay lộn xộn vì không có sự giám sát quản lý, các cơ sở tự quảng cáo, tự công bố chất lượng, đặc biệt các cơ sở nhỏ kinh doanh online cạnh tranh bằng cách bán phá giá và pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng.
Ông Đinh Viết Thuận, đại diện Công ty yến sào Kainest (Khánh Hòa)
Lần tìm thông tin từ địa chỉ mơ hồ được in trên nhãn, PV đóng vai một đại lý phân phối để liên hệ với N.T.G, tên người cung cấp sản phẩm. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đến tham quan nhà máy hoặc cơ sở sản xuất để tìm hiểu làm nhà phân phối, N.T.G cho biết địa chỉ trên nhãn hàng là nhà ở, còn sản phẩm chỉ đặt hàng gia công tại một cơ sở khác và lấy thương hiệu riêng của mình chứ không phải người sản xuất đích thực. Sau một thời gian dò xét, N.T.G bắt đầu lôi kéo chúng tôi trở thành nhà phân phối và còn tư vấn cho chúng tôi cách để giảm giá thành. Ví dụ như đặt hàng theo công thức riêng hoặc chỉ lấy sản phẩm đóng vào hũ, sau đó tự in hoặc mua hộp riêng bên ngoài để đóng sản phẩm vào…
Người bán tự quảng cáo, tự công bố chất lượng
Chia sẻ về chất lượng yến sào trên thị trường, ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông thôn VN, nhìn nhận: “Chúng tôi đã đi tham quan và nghiên cứu thị trường nhiều nước, trong đó đặc biệt là Trung Quốc, nơi tiêu thụ 80% sản lượng tổ yến của thế giới. Ở nước này, họ xem tổ yến hay sản phẩm từ yến là thực phẩm chức năng và hầu hết được phân phối qua các kênh nhà thuốc, đồng thời kiểm soát rất chặt chẽ về mặt chất lượng. Trong khi đó một thực tế là các nhà yến tại VN chủ yếu là tự phát, sản lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào, tiêu thụ ở đâu đều không có sự quản lý, kiểm soát về chất lượng, giá bán… Có thể nói là rất lộn xộn”.
Ông Đinh Viết Thuận, đại diện Công ty yến sào Kainest (Khánh Hòa), cũng nhận định: “Thị trường yến sào nội địa hiện nay lộn xộn vì không có sự giám sát quản lý, các cơ sở tự quảng cáo, tự công bố chất lượng, đặc biệt các cơ sở nhỏ kinh doanh online cạnh tranh bằng cách bán phá giá và pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng. Nếu người tiêu dùng thiếu kiến thức hoặc ham rẻ thì rất dễ bị “tiền mất, tật mang”.
Theo ông Lê Duy Minh, bên cạnh cung cấp cho thị trường nội địa, tổ yến VN lâu nay vẫn được xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng hầu hết là qua đường tiểu ngạch, mậu biên. Sau nhiều năm đàm phán, thỏa thuận, giữa tháng 11.2022 Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến đã được hai nước ký kết, mở cánh cửa chính thức cho tổ yến VN xuất ngoại. Tuy nhiên, khai thác thị trường tiềm năng này như thế nào phụ thuộc vào chính chúng ta. Đó là phải quy hoạch, quản lý, giám sát lại việc nuôi, sản xuất chất lượng yến theo đúng quy định của nước bạn.
Của ngon đem bán cho người
Bà Trần Thị Thu Phương, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Thú y, Bộ NN-PTNT, cho biết: Nghị định thư xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc bao gồm 16 điều về các quy định đối với nhà nuôi chim yến, doanh nghiệp chế biến tổ yến, doanh nghiệp xuất khẩu, yêu cầu đối với bao bì, ghi nhãn, yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra, giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Về yêu cầu đối với sản phẩm tổ yến, phải là sản phẩm được hình thành/làm từ nước bọt của chim yến, đã được loại bỏ bụi bẩn, lông chim và an toàn cho người tiêu dùng. Sản phẩm phải qua xử lý nhiệt đảm bảo nhiệt độ tâm sản phẩm đạt 70 độ C trong tối thiểu 3,5 giây. Đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn tại Phụ lục VII, Nghị định 13/2020/NĐ-CP và tiêu chuẩn của Trung Quốc. Sản phẩm tổ yến phải có nguồn gốc từ nhà yến được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được cơ quan thú y giám sát dịch bệnh; không thuộc các tỉnh có bệnh cúm gia cầm trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm xuất khẩu. Sản phẩm từ các doanh nghiệp chế biến đã đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận. Ngoài ra phải đáp ứng các yêu cầu về bao bì và ghi nhãn sản phẩm của Trung Quốc…
“Các yêu cầu của Trung Quốc là rất cao, bảo đảm sản phẩm xuất khẩu là tổ yến tinh chế và an toàn”, ông Lê Duy Minh nhận định và cho biết thêm: “Có thể nói để đáp ứng được các tiêu chí này thì ngành yến VN phải chuyển đổi rất nhiều, trong đó khó nhất là phải có xác nhận nhà yến hợp pháp, xây dựng đúng theo quy hoạch, quy định pháp luật. Do hiệp hội không có chức năng kinh doanh nên tôi đã thành lập Tập đoàn Yến VN với sự tham gia của hơn 1.200 nhà yến trên cả nước, mục tiêu là đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, để bảo vệ thương hiệu yến sào VN và để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn, hiệp hội đã xây dựng một trung tâm sơ chế yến sào VN và một trung tâm kiểm định chất lượng yến sào đạt tiêu chuẩn thế giới. Trung tâm này sẽ hỗ trợ các nhà yến xét nghiệm để khẳng định chất lượng tổ yến”.
Ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông thôn VN, kiến nghị: “Để bảo vệ người tiêu dùng trước các hành vi gian dối, cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong nước, cần sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, quản lý an toàn thực phẩm… để tránh các trường hợp tiêu cực nảy sinh”.
ĐINH ĐANG
TNO