Trung Quốc mở cửa, xuất khẩu yến sào có ‘ngon ăn’?

Trung Quốc mở cửa, xuất khẩu yến sào có ‘ngon ăn’?

Với dân số khoảng 1,5 tỉ người, thị trường khổng lồ Trung Quốc vừa được mở cho người dân, doanh nghiệp nuôi, sản xuất yến sào trong nước. Thế nhưng, cơ hội này có “ngon ăn” hay không phụ thuộc vào chính chúng ta…

 

 

 

Trung Quốc mở cửa, xuất khẩu yến sào có 'ngon ăn'? - ảnh 1
 Hàng trăm nhà đầu tư, doanh nghiệp nuôi yến đang kỳ vọng vào cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc QUANG THUẦN

Thị trường khổng lồ 300 tấn/năm

Hiếm có sự kiện triển khai thông tin xuất khẩu nào quy tụ đầy đủ thành phần từ lãnh đạo Bộ NN-PTNT đến các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là sự tham dự đông đủ, rộn ràng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư như Hội nghị triển khai Nghị định thư xuất khẩu tổ yến chính ngạch từ Việt Nam sang Trung Quốc tổ chức hôm, ngày 22.11 qua tại TPHCM.

“Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc là thông tin cực kỳ vui, nhận được sự quan tâm rất nhiều người”- Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. Theo ông, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất giới với nhu cầu lên đến 300 tấn/năm, chiếm 80% sản lượng tiêu thụ của thế giới. Với giá thị trường quốc tế dao động khoảng 2.000 USD/kg, tiềm năng từ thị trường này rất lớn.

Ông Lê Duy Minh – Chủ tịch Hiệp hội trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cho biết: Yến Việt Nam có nhiều tiềm năng so với các nước khác, tốc độ tăng trưởng nhà nuôi yến khá nhanh. Nếu như năm 2017 cả nước có khoảng 7.000 nhà yến thì đến nay đã có khoảng 30.000 nhà nuôi yến, có những tỉnh tăng 5 lần sau 5 năm. Việc ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc sẽ giúp cho nghề nuôi yến được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Ông Tống Xuân Chinh – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khuyến cáo : “Cơ hội đã đến với nghề nuôi chim yến lấy tổ, tuy nhiên chúng ta cần phải quản lý chặt chẽ hơn. Khi có sản phẩm rồi, cần phải thực hiện đáp ứng các yêu cầu, điều kiện. Cụ thể, các tổ chức nuôi yến phải kê khai, đăng ký với chính quyền cấp xã, phải tiến hành thẩm định, kiểm định chất lượng, thực hiện các thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý… Yếu tố quan trọng đầu tiên là vùng nuôi chim yến phải hợp pháp, phù hợp với quy hoạch được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Đến bây giờ các tỉnh đã có bước triển khai nhưng vẫn còn chậm, chỉ 26 tỉnh ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh quy hoạch vùng nuôi chim yến.

 

Biến tự phát thành chuyên nghiệp

Trung Quốc mở cửa, xuất khẩu yến sào có 'ngon ăn'? - ảnh 2
Nghề nuôi chim yến tại Việt Nam phát triển mạnh trong vài năm gần đây nhưng hầu hết đều là tự phát QUANG THUẦN

Vấn đề quy hoạch hợp pháp vùng nuôi là vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với những người đầu tư nhà yến. Đại diện Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết: “Về pháp lý, hiện có khoảng 80% nhà yến chưa hợp pháp, chưa phù hợp quy hoạch của địa phương, do đó không cấp mã định danh được. Các tiêu chí, chỉ tiêu yêu cầu của tổ yến xuất khẩu cũng khá cao, nhiều nơi không đạt được. Vì vậy rất cần sự hỗ trợ của các bộ ngành để tạo điều kiện cho vùng nuôi được hợp thức hóa”.

Tuy nhiên, một số địa phương cho rằng câu chuyện liên quan đến thủ tục pháp lý, thống nhất giữa các bộ ngành hết sức phức tạp. Đơn cử như tại An Giang, các nhà yến đã xây dựng trên đất nông nghiệp, về mặt quản lý có cả trách nhiệm của Sở NN-PTNT, Sở TNMT và Sở Xây dựng. Việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất khác có chức năng được xây cất công trình cũng là quá trình kéo dài đòi hỏi nhiều thời gian.

Một vấn đề khác là yêu cầu khai báo vị trí cụ thể của vùng nuôi để cấp chỉ dẫn địa lý, đại diện Công ty Yến sào Khánh Hòa, thắc mắc: “Quy định đăng ký yêu cầu nêu rõ tọa độ địa lý để xác định tổ yến này lấy ở vị trí nào. Đối với yến nuôi thì đơn giản, nhưng với yến khai thác ở các đảo có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng hay không?”. Câu hỏi này cũng gây bối rối cho Bộ NN-PTNT vì thực tế vấn đề này cần có sự phê duyệt, góp ý của nhiều bộ, ngành khác, trong đó quan trọng phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng.

Liên quan đến giăng bắt chim yến bán cho quán nhậu, ông Tống Xuân Chinh, nhìn nhận: “Yến là chim hoang dã, quản lý rất khó vì di trú khắp nơi. Đúng là hiện nay có hiện tượng săn bắt chim yến xảy ra nhiều nơi, chúng tôi đã nắm được. Nghị định ban hành năm 2021 cũng đã quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi này bị phạt từ 10 – 15 triệu đồng. Tuy nhiên, phải nói rằng để khắc phục bằng biện pháp hành chính rất khó, cách tốt nhất là các địa phương cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của con chim yến, từ đó hạn chế việc săn bắt”.

 

QUANG THUẦN

TNO